Chính sách dân tộc của vua Minh Mạng ở miền Nam

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 73 - 75)

7. Bố cục luận văn

2.2.2. Chính sách dân tộc của vua Minh Mạng ở miền Nam

Nếu như ở phía Bắc, những chính sách của vua Minh Mạng đối với các dân tộc thiểu số khá cứng rắn thì ở phía Nam, những chính sách của nhà vua có phần nhẹ tay

hơn nhiều. Điều này thể hiện rõ trong những chính sách của vua Minh Mạng đối với

người Khơme.

Người Khơme cư trú chủ yếu ở khu vực Tây nam của Tổ quốc (đặc biệt là ở trên địa bàn hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh hiện nay), tiếp giáp với lãnh thổ của Xiêm, Chân Lạp. Ngoài những cư dân cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, họ còn có những người đồng tộc sống bên kia biên giới (Chân Lạp). Bởi vậy, triều Nguyễn nói chung và triều Minh Mạng nói riêng chủ trương sử dụng biện pháp “phủ dụ” là chính để vừa nắm được người Khơ me, vừa kiểm soát được biên giới phía Tây Nam và giữ thế cân bằng với vương quốc Xiêm.

Nếu như dưới thời Gia Long, người Khơme được cai quản dân họ thì sang thời Minh Mạng, do yêu cầu củng cố hơn nữa vị trí, vai trò của nhà nước trung ương, nhà vua đã tăng cường kiểm soát bằng cách cử các quan lại người Việt đến cai trị địa phương và đặt các họ cho người Khơme để ghi vào sổ sách nhằm quản lý nhân đinh, điền thổ, thực hiện chính sách dân tộc.

Tuy nhiên, về mặt kinh tế, vua Minh Mạng thực hiện chính sách thuế khóa nương nhẹ đối với người Khơme. Minh Mệnh chính yếu ghi lại: năm 1830, quan thành Gia Định tâu: “Hạt Châu Đốc là vùng cương giới mới mẻ, ruộng đất chưa được khai khẩn hết. Xin được triển hoãn việc thâu thuế. Nhà vua dụ rằng: “Đất đó là vùng biên giới quan trọng của quốc gia, trẫm muốn vì nhân dân bảo thủ, cho nên phải đặc biệt chú ý tới việc cai trị. Đó chính là chính sách kế hoạch biên phòng. Còn vấn đề thuế khóa đinh điền, đâu phải là việc cần phải toan tính trước” [60, tr.299-300]. Ngay sau đó, vua Minh Mạng đã xuống chỉ miễn thuế ba năm cho vùng đất này.

Đối với một số nhóm dân tộc thiểu số không chịu thần phục triều đình, vua Minh Mạng vẫn kiên trì dùng “đức” để giáo hóa và tránh những hành động quân sự không cần thiết. Năm 1839, quan bố chính tỉnh Biên Hòa là Phạm Duy Trinh tâu rằng: “Đám người Mọi ở Thượng nguyên thuộc thổ huyện, có nhiều tên ỷ thế là chúng ở nơi xa xôi hiểm trở, cho người chiêu dụ cũng chẳng chịu tới, vậy xin phép cho đem quân binh tới truy tầm bắt giết đi”. Nhà vua xuống dụ: “Thổ dân ở những huyện tân thiết trong tỉnh Biên Hòa, đã được thấm nhuần phong hóa miền Kinh; cùng nhau ăn ở chung sống, cày ruộng lấy cơm ăn, đào giếng lấy nước uống, đã có cơ ngơi hướng theo phong hóa. Chỉ còn lại một số dân mường mọi xa xôi chưa chịu qui phục, nên phải kêu gọi dỗ dành họ, chớ nên vội vã dùng tới binh uy. Phương chi bây giờ bốn mặt biên thùy đều đã được an ninh vô sự, giáo hóa là điều kiện tiên quyết. Kẻ đã qui phục rồi, ta lấy đại đức mà ôm ấp trìu mến họ, hầu làm gương cho những người chưa chịu qui phụ trông theo mà bắt chước. Như vậy, chẳng cần phải dùng tới biện pháp quân sự cũng cứ vẫn thu phục được tất cả” [60, tr.351-352].

Đối với cộng đồng người Chăm ở vùng Châu Đốc, vua Minh Mạng chấp nhận đề nghị của Trương Minh Giảng cho chiêu tập người Chăm khai khẩn các vùng đất hoang hóa, lập dinh điền ở vùng đất biên giới, phục vụ bảo vệ biên cương.

Đối với cộng đồng người Hoa đang sinh sống tại Nam kỳ, trước khởi nghĩa Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng vẫn tạo điều kiện cho họ được cư trú làm ăn, tuy nhiên, nhà vua vẫn dè chừng với tầng lớp thương nhân. Khi cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi nổ ra có sự tham gia đông đảo của người Hoa, nhà vua đã thay đổi hoàn toàn thái độ. Năm 1833, nhà Nguyễn bắt được hơn 800 người Hoa ở vùng Gia Định, vua Minh Mạng đã ra lệnh xử lý nghiêm minh, kể cả các biện pháp lưu đày, quản thúc để ngăn ngừa hậu họa.

Tóm lại, đối với các dân tộc thiểu số ở miền Nam, chính sách của vua Minh Mạng nghiêng về vỗ về, phủ dụ là chính, hạn chế những biện pháp quân sự. Điều này góp phần ổn định và giữ vững biên giới Tây nam của Tổ quốc.

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 73 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)