7. Bố cục luận văn
1.2.2.6. Quan hệ đối ngoại
Vua Minh Mạng lên ngôi trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến phức tạp. Điều này đã đòi hỏi ông phải có chính sách đối ngoại đúng đắn để vừa phát triển đất nước vừa giữ vững được nền độc lập. Để thực hiện
được điều này, nhà vua đã đưa ra những chính sách cụ thể trong ngoại giao với từng nước.
Đối với nhà Thanh, vẫn duy trì những chính sách ngoại giao hòa hảo đã có từ thời Gia Long. Sau khi lên ngôi, nhà vua liền cho sứ thần sang cáo phó và cầu phong. Theo đó vẫn giữ lệ triều cống cùng những chính sách khác về việc tiếp đãi sứ thần, lễ vật yết kiến sứ giả… Tuy nhiên, đối với các hành động xâm phạm biên giới lãnh thổ Việt Nam, nhà vua nhất định không chịu để yên mà sẵn sàng đem quân ứng phó để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Như vậy, ngoài việc tiếp tục đường lối ngoại giao có từ trước đó, vua Minh Mạng còn khẳng định tư thế một quốc gia độc lập và lớn mạnh ngang hàng với nhà Thanh. Không chỉ sẵn sàng ứng phó khi bị quân Thanh quấy nhiễu mà ông còn tự ý đổi tên nước là Đại Nam để ngang hàng với một Đại Thanh hùng mạnh ở phía Bắc.
Đối với các nước láng giềng khác như Ai Lao, Chân Lạp và Xiêm, vua Minh
Mạng cũng có những thay đổi so với thời Gia Long.
Nếu như dưới thời Gia Long, quan hệ Việt - Xiêm diễn ra tương đối yên bình thì sang thời Minh Mạng, sự yên bình đó chỉ diễn ra trong thời gian đầu Minh Mạng ở ngôi. Càng về sau, mối quan hệ Việt - Xiêm ngày càng căng thẳng. Nguyên nhân chính là cả Xiêm lẫn Việt đều muốn tranh giành ảnh hưởng ở Chân Lạp.
Vào năm 1833, Xiêm La uy hiếp Chân Lạp, vua Minh Mạng đã chỉ thị nếu Xiêm “xâm phạm đến địa hạt Chân Lạp thì chuẩn cho quan quân lập tức liệu cơ mà đánh dẹp”. Đến năm 1834, Lê Văn Khôi cầu cứu Xiêm, nhân cơ hội này, quân Xiêm kéo vào nước ta. Chiến tranh Xiêm - Việt bùng nổ và đến tháng 5 - 1834 quân Xiêm phải rút quân. Từ đó cho đến hết thời Minh Mạng, thậm chí sang thời Thiệu Trị, quan hệ giữa hai nước luôn căng thẳng và xảy ra nhiều cuộc chiến tranh gây nên nhiều tổn thất cho cả nhân dân hai nước.
Đối với Ai Lao và Chân Lạp, triều Nguyễn nói chung và triều Minh Mạng nói riêng luôn thực hiện chính sách ngoại giao nước lớn. Thậm chí vua Minh Mạng còn sát nhập một phần lãnh thổ của Ai Lao và Chân Lạp vào bản đồ Việt Nam. Ngoài ra, triều đình còn cho thực hiện chính sách đồng hóa dân Ai Lao và Chân Lạp, chính điều này đã làm cho họ bất bình và chống lại triều Nguyễn.
Đối với các nước phương Tây, tiếp nối chính sách đã có từ thời Gia Long,
ngoài quan hệ buôn bán, vua Minh Mạng cũng tránh né một mối quan hệ chính thức
với các nước này.
Dưới triều Minh Mạng, quan hệ Việt - Pháp có nhiều thay đổi lớn. Càng về sau càng xấu dần và cuối cùng là đoạn tuyệt hẳn với Pháp. Trong khoảng 5 năm đầu Minh Mạng ở ngôi, quan hệ Việt - Pháp diễn ra khá tốt đẹp. Nhà vua vẫn thể hiện thiện chí, lòng biết ơn của mình đối với Pháp. Từ năm 1825 trở đi, quan hệ Việt - Pháp tiến triển ngày một khó khăn. Triều đình chỉ cho tàu Pháp ra vào buôn bán, còn những hành động thương thuyết để đi đến một giao ước chính thức đều bị cự tuyệt. Cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thế kỉ XIX, quan hệ Việt - Pháp xấu đi, Tòa lãnh sự của Pháp ở Huế bị đóng cửa, những tàu buôn của Pháp đến Việt Nam bị vua Minh Mạng trục xuất, quan hệ Việt - Pháp dưới thời Minh Mạng chấm dứt.
Năm 1833 - 1835, lại xảy ra cuộc khởi binh của Lê Văn Khôi có sự tham gia của các giáo sĩ người Pháp đã làm cho vua Minh Mạng ngày càng thực hiện tuyệt giao với Pháp và các nước phương Tây. Nhưng vào những năm cuối đời, tình hình thế giới có nhiều biến động đã buộc nhà vua phải thay đổi chính sách của mình. Ông đã cho một sứ đoàn sang Pháp thương thuyết nhưng bị Pháp từ chối. Tiếc rằng sự thay đổi tiến bộ này đã không được các vị vua sau tiếp tục thực hiện.
Ngoài nước Pháp, các nước phương Tây khác như Anh, Mỹ cũng tìm cách đặt quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam. Nhưng cũng giống như Pháp, họ bị từ chối. Đến cuối đời, vua Minh Mạng cũng muốn lập một quan hệ tốt đẹp với họ nhưng không thành công.
Như vậy, chính sách ngoại giao chủ yếu được thực hiện dưới thời Minh Mạng là thần phục và giữ thái độ hòa hảo với Mãn Thanh, bắt Ai Lao và Chân Lạp thần phục nhưng lại tranh giành ảnh hưởng với Xiêm. Càng về sau, tính chất không phương Tây càng thể hiện rõ nét. Sự thay đổi trong nhận thức về quan hệ ngoại giao nói chung và quan hệ với các nước phương Tây nói riêng của vua Minh Mạng lúc cuối đời là cần thiết nhưng tiếc thay vì nhiều lí do nó đã không thể thành hiện thực.
Tóm lại, từ lúc lên nối ngôi cho đến hết thời gian trị vì của mình, vua Minh Mạng đã làm được và làm tốt những điều mà vua cha gửi gắm. Những khó khăn mà vua Gia Long để lại đã được vua Minh Mạng khắc phục hầu như triệt để:
- Một cuộc cải cách hành chính đã khắc phục được tình trạng phân quyền thời Gia Long.
- Chế độ thi cử được tổ chức quy củ đã loại dần được bộ phận võ quan cứng nhắc bằng chế độ văn quan.
- Quân đội được tổ chức khá mạnh để vừa giữ được độc lập trong nước, vừa gây ảnh hưởng với bên ngoài.
Mặc dù còn có những hạn chế về mặt ngoại giao, đặc biệt là với phương Tây và vấn đề cấm đạo, giết đạo nhưng sự nghiệp của vua Minh Mạng đáng để hậu thế suy ngẫm và thán phục.