PHÁP LUẬT VỀ HÀNH VI LẠM DỤNG VỊ TRÍ THỐNG LĨNH, VỊ TRÍ ĐỘC QUYỀN ĐỂ HẠN CHẾ CẠNH TRANH
2.1.2. Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng
tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng
2.1.2.1. Đặc điểm
Điều 13 Khoản 2 Luật Cạnh tranh quy định cấm doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền thực hiện hành vi áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho
khách hàng. Trong hành vi này có hai dạng vi phạm: áp đặt giá mua, giá bán bất hợp lý;
và ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng. Hai dạng này khác nhau về hình thức nhưng có những đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, hành vi này tác động vào giá của hàng hóa, dịch vụ trong giao dịch với khách hàng. Hành vi này giống với hành vi định giá dưới chi phí sản xuất để loại bỏ đối thủ cạnh tranh, đó là, lợi dụng sức mạnh quyền lực thị trường để định giá một cách bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính. Nhưng khác hơn với nhóm hành vi đầu, thay vì bán giá rẻ một cách bất hợp lý thì hành vi này bán giá cao hoặc mua với giá thấp một cách bất hợp lý. Rõ ràng, hai nhóm hành vi này đã dùng quyền lực thị trường tác động đến giá cả, làm cho nó lệch lạc so với điều kiện bình thường để có lợi cho mình.
Thứ hai, hành vi này thể hiện chiến lược phân phối, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp vi phạm. Tức là, hành vi vi phạm được thực hiện trong các giao dịch với khách hàng. Hành vi này không xâm hại vào đối thủ cạnh tranh như hành vi đầu tiên mà xâm hại đến khách hàng của chính doanh nghiệp. Hành vi này không thể hiện chính sách cạnh tranh của doanh nghiệp mà thể hiện mong muốn thu siêu lợi nhuận của một doanh nghiệp có quyền lực thị trường.
Thứ ba, hành vi mang bản chất áp đặt và bóc lột khách hàng. Điều này thể hiện rõ tính lạm dụng của doanh nghiệp. Với vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền doanh nghiệp là nguồn cung hoặc cầu chủ yếu của thị trường. Đây là một lợi thế quyết định tính áp đặt và bóc lột khách hàng. Tính áp đặt thể hiện doanh nghiệp áp đặt giá cao, ép giá thấp bất hợp lý hoặc ấn định giá tối thiểu mà khách hàng không thể mặc cả như trong các giao dịch bình thường được. Có thể thấy, khách hàng phải chịu mức giá bất hợp lý để có được các giao dịch với doanh nghiệp vì khách hàng không còn sự lựa chọn nào khác. Tính bóc lột thể hiện ở việc thu siêu lợi nhuận mà doanh nghiệp có được không phải từ khả năng kinh doanh mà ở việc lạm dụng quyền lực thị trường. Để tìm được lợi ích bị bóc lột của khách hàng, ta giả định về mức giá trong môi trường cạnh tranh và mức giá áp đặt, sự chêch lệch của chúng chính là lợi nhuận bóc lột khách hàng.
Trong nhóm hành vi này, dấu hiệu “gây thiệt hại cho khách hàng” là dấu hiệu cơ bản để kết luận hành vi vi phạm. Nhưng Luật không diễn tả rõ thiệt hại là ở dạng tiềm năng hay thực tế đã xảy ra. Nghị định hướng dẫn thì không đề cập đến vấn đề này. Xét thấy, nếu xác định thiệt hại trên thực tế là một việc rất khó. Bởi, cơ quan cạnh tranh sẽ phải xác định khách hàng cụ thể và mức thiệt hại thực tế mà khách hàng phải chịu. Tức là, khi khách hàng mua sản phẩm từ nhà phân phối với mức giá mà doanh nghiệp đã ấn định một cách bất hợp lý thì mới có thể kết luận có hành vi vi phạm. Lúc này, pháp luật không có tính chất phòng ngừa. Xác định thiệt hại trên thực tế là công việc của Tòa án trong việc bồi thường thiệt hại. Khi xác định thiệt hại ở dạng tiềm năng, thì công việc đơn giản hơn là chỉ cần xác định sự chêch lệch giữa giá thành sản phẩm và giá bán thực tế là có thể xác định thiệt hại mà khách hàng “sẽ” gánh chịu. Dấu hiệu thiệt hại được suy đoán mà không cần chứng minh. Phương án này có vẻ hợp lý hơn, công việc của cơ quan điều tra sẽ đơn giản hơn, pháp luật có tính phòng ngừa từ dấu hiệu hình thành.