Chăm sóc người bệnh bình thường đã là một việc khó, chăm sóc cho những bệnh nhân tâm thần lại càng khó khăn hơn. Bởi những bệnh nhân tâm thần là những người đã bị hạn chế về năng lực hành vi cũng như khả năng nhận thức, nhiều bệnh nhân còn mắc các bệnh nan y, bệnh truyền nhiễm. Chính vì vậy mà các NVYT ở đây hằng ngày, hằng giờ phải tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm cao. Bệnh nhân vô thức khạc nhổ lung tung thậm chí khi các chị em cho họ ăn còn bị hất cơm vào người và nhổ thức ăn vào mặt... Tuy nhiên, với tinh thần và trách nhiệm của người thầy thuốc, các NVYT luôn quan tâm và giúp đỡ những bệnh nhân của mình, xem bệnh nhân tâm thần như người nhà.
Một điều khó khăn của các bác sĩ là trong việc khám, phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh kèm theo ở người bệnh tâm thần, bởi người bệnh không phản ánh được những bất ổn mình đang gặp phải, chẳng hạn như bệnh nhân bị ghẻ cũng không kêu ngứa, đau bụng có khi cũng không than phiền, có người bị ngã gãy tay mà không hề kêu đau. Thêm vào đó người bệnh thường không có thân nhân, hoặc gia đình không gần gũi để chăm sóc, nắm được tình hình sức khỏe nên bác sĩ chỉ có thể dựa vào sự tận tâm, kỹ càng khi thăm khám mới không bỏ sót bệnh. Khó khăn là vậy, lại không có thu nhập thêm từ các dịch vụ như nhiều chuyên khoa khác, cộng thêm bản thân mỗi người Thầy thuốc khi quyết định nhận công việc ở bệnh viện tâm thần cũng bị gia đình, bạn bè can ngăn vì sợ khổ, sợ bị hành hung, sợ bị ảnh hưởng bệnh nghề nghiệp
Công việc của nhân viên y tế ở bệnh viện tâm thần nặng nhọc và chứa nhiều bất trắc hơn bất cứ chuyên khoa nào tại các bệnh viện khác. Với điều dưỡng viên bệnh viện tâm thần, việc phục vụ các sinh hoạt cá nhân cho người bệnh không hề nhẹ nhàng như ở các chuyên ngành khác, mà tiêu tốn rất nhiều công sức. Với những lời dỗ dành, nịnh nọt, răn bảo, cưỡng bức... không có cách nào không được các NVYT áp dụng với bệnh nhân. Việc bệnh nhân hất cả bát cơm, bát cháo vào mặt, hay vớ được gì phang ngay vào đầu nhân viên y tế... là chuyện nhỏ mà bất cứ y bác sĩ nào của bệnh viện Tâm thần cũng có thể gặp. Đơn giản khi những buổi thay đồ cho một người bệnh, có khi phải huy động 2-3 điều dưỡng, giữ chặt tay mới mặc được cái quần, sau đó lại giữ chân để thay cái áo. Khó nhọc nhất là chuyện tắm, đặc biệt là trong những hôm trời mưa rét, việc thuyết phục bệnh nhân tự tắm cực kỳ khó khăn dù là với bệnh nhân nam hay bệnh nhân nữ, nên các điều dưỡng phải tự tay tắm cho họ. Tuy điều dưỡng viên ở bệnh viện phần lớn là nữ nhưng không chị em nào tránh được công việc này, ngay cả những người chưa có chồng hay người yêu
Nghề thầy thuốc là mơ ước của nhiều người, nhưng các bác sĩ chữa bệnh cho người tâm thần lại bị bạn bè nhìn với con mắt ái ngại. Thêm vào đó, làm việc nhiều năm tại bệnh viện tâm thần, không ít bác sĩ mắc bệnh… nghề nghiệp. Có người giọng nói “sang sảng” như quát, người đôi khi…thẫn thờ “bất bình thường”,
các đồng nghiệp thường hay nói đùa với nhau rằng bác sĩ tâm thần khác với bệnh nhân tâm thần chỉ một tờ giấy (tấm bằng). Thậm chí tiếng gào khóc len lỏi, ám ảnh trong cả giấc ngủ của họ. Không ít người trong số họ mắc bệnh mất ngủ kinh niên vì thường xuyên bị đánh thức giữa đêm. Làm cái nghề luôn căng thẳng thần kinh và nhiều hy sinh nhưng có một động lực luôn thôi thúc họ đó là khi được nghe hai tiếng “cám ơn” của bệnh nhân. Tuy giản dị, nhưng hai tiếng cám ơn của người bệnh tâm thần thật chân thành, bởi nó xuất phát từ đáy lòng của những người bệnh đã khỏi và có đủ tỉnh táo. Do đó nó đã trở thành nguồn sức mạnh động viên người thầy thuốc vượt qua mọi khó khăn, áp lực trong công việc hàng ngày và những điều tiếng từ phía xã hội. Y đức, tình người, sự tin tưởng vào tương lai phục hồi của người bệnh tâm thần đã được những người Bác sĩ Tâm thần âm thầm nhẫn nại từng bước khẳng định được mình trong xã hội ngay nay.