1.2.1. Một số khái niệm cơ bản
1.2.1.1. Khái niệm stress
Thuật ngữ stress hay căng thẳng xuất hiện rất nhiều trong đời sống thường ngày. Nó được hiểu như là những điều khó chịu và áp lực cho cá nhân. Tuy nhiên trong tâm lý học, một ngành khoa học có rất nhiều ứng dụng và nghiên cứu về hành vi và sức khỏe tâm thần lại hiểu stress dưới một góc độ khác.
Walter Cannon (1927) là người đầu tiên đưa ra khái niệm về stress. Ông quan sát một loạt phản ứng bản năng trong giới tự nhiên gọi là phản ứng “Chống hoặc chạy”. Mỗi khi các loài vật đối mặt với kẻ săn mồi, chúng phải quyết định chống cự hay chạy chốn. Trong cả hai tình huống này, nhịp tim và huyết áp tăng cao, tăng nhịp thở, tăng hoạt động cơ bắp. Thị lực và thính lực hoạt động mạnh hơn để đạt được hiểu qua tốt hơn. Theo ông, đây là một phản ứng được “cài đặt sẵn” về mặt sinh học, cho phép mỗi cá nhân có thể ứng phó với những tác nhân gây đe dọa từ môi trường bên ngoài. [32, tr. 42]
Định nghĩa của Walter Cannon tập trung nhiều vào khía cạnh sinh học của stress. Stress được hiểu đơn thuần là phản ứng “cài đặt sẵn” của cơ thể trước những nhân tố gây hại nhằm huy động sức mạnh của cơ thể để ứng phó [76]. Khái niệm “cài đặt sẵn” của Cannon gợi ý rằng chúng ta có thể dựa vào những biểu hiện của cơ thể để nhận ra mình đang trong tình trạng stress hay không vì những phản ứng của cơ thể này là có xu hướng lặp lại nên có thể dự đoán được đối với mỗi cá nhân.
Phương pháp tiếp cận về mặt nhận thức - hành vi định nghĩa stress như một quá trình tương giao giữa con người và môi trường, trong đó đương sự nhận định sự kiện từ môi trường là có tính chất đe dọa và có hại, và đòi hỏi đương sự phải cố gắng sử dụng các tiềm năng thích ứng của mình (Lazarus, 1966; Lazarus, Folkman, 1984). Stress không chỉ trú ngụ trong sự kiện hoặc trong đáp ứng của đương sự, mà tồn tại trong cả hai yếu tố đó, cũng như trong các đáp ứng nhận thức-hành vi giữ vai trò điều hòa hai yếu tố đó. Cách nhìn này rõ ràng nhấn mạnh vào khía cạnh nhận thức - hành vi (thuộc về tâm lý) trong việc hiểu biết về stress, vì thế, nó đã bù đắp
vào những thiếu sót của các mô hình stress “sinh học” và stress “môi trường”. [76] Theo quan điểm hệ thống, Stress bao gồm việc đương sự nhận định một sự kiện là có hại, đe dọa hoặc thách thức, và tiềm năng ứng phó của đương sự là không đầy đủ hoặc không hiệu quả. Những nhận định này là kết quả từ sự tương tác giữa các đặc trưng của đương sự (đối tượng ủy thác, niềm tin, các ký ức và kinh nghiệm) và những đặc trưng của sự kiện được nhận định (khả năng tiên đoán, sự hạn định thời gian và tính nhập nhằng). [76]
Dưới đây là một số định nghĩa đáng chú ý:
Căng thẳng xuất hiện khi cá nhân nhận thấy rằng họ không thể ứng phó/ đáp ứng được với những yêu cầu đối với họ hoặc đe dọa sự tồn tại khỏe mạnh của họ. R.S. Lazarus (1966). [35, tr.8]
Nhà tâm lý học Mc Grath lại coi “stress như một sự mất thăng bằng giữa đòi hỏi và khả năng đáp ứng. Khi đáp ứng không thỏa đáng sẽ có hậu quả không tốt”. [71]
Một tác giả khác, Richard Lazarus, cho “stress là một diễn tả chủ quan từ tâm trí, nên nó xuất hiện tùy theo cách nhìn của con người với sự việc”. [70]
Stress là kết quả của sự mất cân bằng giữa những yêu cầu và những nguồn lực. R.S. Lazarus and S. Folkman (1984). Stress, Appraisal and Coping. New York: Springer. [44]
Một định nghĩa đơn giản về stress có thể được sử dụng là: stress xuất hiện khi áp lực vượt quá khả năng thông thường của bạn để ứng phó. S. Palmer, 1999. [27]
Theo các định nghĩa này, stress được hiểu dưới góc độ một hiện tượng nhận thức của cá nhân. Nhận thức này bao gồm việc nhìn về sự việc: nó có chứa đựng yêu cầu đối với cá nhân không, nó có đe dọa chủ thể không; và nhìn nhận về khả năng ứng phó của mình: liệu bản thân mình có đủ nguồn lực để đáp ứng được với những yêu cầu và đe dọa đó không. Như vậy ở đây stress được hiểu trong mối quan hệ giữa con người và môi trường bên ngoài. Tuy nhiên yếu tố môi trường không quyết định mức độ của stress mà chính việc nhìn nhận của con người về kích thích
từ môi trường mới quyết định mức độ căng thẳng của sự kiện đó.
Khái niệm stress cũng có thể hiểu theo hai khía cạnh. Thứ nhất, tình huống stress chỉ các tác nhân xâm phạm hay kích thích gây ra (stressor), là những tác nhân vật lý, hoá học, tâm lý xã hội, gia đình, nghề nghiệp. Thứ hai, đáp ứng stress để chỉ trạng thái phản ứng với stress (reaction) là phản ứng sinh lý và phản ứng tâm lý không đặc hiệu. [50]
Trong y học, stress được xem như là những phản ứng tâm lý và sinh lý của cá thể trước những tác nhân có hại và luôn có mối liên quan giữa stress với bệnh tật [32]
Theo Selye H., stress là phản ứng sinh học không đặc hiệu của cơ thể trước những tình huống căng thẳng. Đó là những phản ứng nhằm khôi phục trạng thái cân bằng nội môi, khắc phục được các tình huống bất lợi để đảm bảo duy trì và thích nghi thoả đáng của cơ thể trước những điều kiện sống luôn luôn biến đổi. Khi một người mất khả năng thích nghi thì stress có thể phát huy tác dụng và người đó mắc bệnh. Vì vậy, Selye H. gọi đó là những phản ứng thích nghi. Selye đã xác định được hậu quả y học của stress lên hệ thống miễn dịch, hệ thống dạ dày, ruột và các tuyến thượng thận. Người ta cũng xác định được các quá trình tâm lý và nhận thức tham gia vào các phản ứng stress.[32, tr. 165-166]
Ferreri M. coi stress như là đáp ứng trước một yêu cầu. Trong các điều kiện thông thường, stress là một đáp ứng thích nghi bình thường về mặt tâm lý, sinh học và hành vi, stress đặt cơ thể vào một mô hình hài hoà với môi trường xung quanh.[45] Trong stress bình thường, sự đáp ứng là thích hợp và giúp cho cơ thể có được những đáp ứng đúng nhằm tạo ra một cân bằng mới sau khi chịu tác động từ bên ngoài. Trong stress bệnh lý, khả năng đáp ứng của cá thể tỏ ra không đầy đủ hay không thích hợp, không thể tạo ra ngay một thế cân bằng mới. Vì vậy, rối loạn chức năng ít nhiều trầm trọng, biểu hiện bằng các triệu chứng tâm thần, cơ thể cũng như hành vi, đưa đến những rối loạn tạm thời hay kéo dài.
Trong tâm thần học, có thể coi stress là tất cả những sự việc, hoàn cảnh trong các điều kiện sinh hoạt xã hội, trong mối liên quan phức tạp giữa người và người tác
động vào tâm thần gây nên những cảm xúc mạnh, phần lớn là tiêu cực như sợ hãi, lo lắng, buồn rầu, tức giận, ghen tuông, thất vọng... [19]
J. Delay cho rằng stress là một tình trạng căng thẳng cấp diễn ra khi cơ thể bị bắt buộc phải điều động những tổ chức phòng vệ của nó để đương đầu với một tình huống đe dọa [44, tr.341]
Trong cuốn sách “Stress từ bệnh học tâm thần đến cách tiếp cận trị liệu” của Giáo sư Ferreri do Giáo sư Nguyễn Việt dịch thì stress được hiểu là mối liên quan giữa con người với môi trường xung quanh. Stress vừa chỉ tác nhân công kích vừa chỉ phản ứng của cơ thể trước tác nhân đó. Do đó, stress là mối tương tác giữa tác nhân công kích và phản ứng của cơ thể. [44, tr.341-342]
Còn theo bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, stress tiếng anh có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là một mối kích động đánh mạnh vào con người, nghĩa thứ hai chỉ phản ứng sinh lý – tâm lý của con người ấy. Mối kích động có thể là tác nhân vật lý, hóa học, một vi khuẩn hoặc một tác nhân tâm lý xã hội, nói chung là một tình huống căng thẳng đột xuất đòi hỏi con người huy động tiềm năng thích ứng và phản ứng lại. Phản ứng gồm hai mặt: Phản ứng đặc thù riêng cho từng loại kích động và phản ứng chung cho một loại nhưng kích động khác nhau. [24]
Trong tâm lý học lâm sàng, stress được quan niệm là sang chấn tâm lý tác động vào con người gây nên các chứng bệnh tâm canh có hại cho sức khỏe con người. [18]
Những tình huống chán chường kéo dài hoặc không được thăng tiến lại thường được xem là có thể gây stress (Lazarus, Folkman, 1984). [71]
L.A.Kitaepxmưx [49, tr 20] nhìn nhận: Stress là những nét không đặc hiệu của những biểu hiện sinh lý và tâm lý của cơ thể, nảy sinh trong mọi phản ứng của cơ thể. Theo ông, tính không đặc hiệu của các quá trình thích nghi tâm lý và sinh lý thể hiện - cả tiêu cực lẫn tích cực - khi gặp các tác động khác nhau về cường độ, trường độ, và tầm quan trọng của nó đó đối với chủ thể.
Philippe Loron, nhà thần kinh học người Pháp giải thích: Stress “là phản ứng thích nghi của cơ thể chúng ta với những ràng buộc bên ngoài. Nó cho phép tái lập
sự cân bằng nội tại hoặc đảm bảo sự sinh tồn”. [28]
Bruce Singh và Sidney Bloch cho rằng: “Stress đề cập tới các hoạt động hoặc các tình huống, gây ra cho con người những yêu cầu về cơ thể và tâm lý quá mức và đe dọa gây mất thăng bằng” [36, tr.111].
Bên cạnh đó, khi đưa ra khái niệm stress đa số các tác giả Việt Nam dùng lại những khái niệm của các nhà nghiên cứu nước ngoài. Tuy nhiên một vài tác giả có ý kiến riêng, đáng lưu ý như:
Theo Tô Như Khuê, “Stress tâm lý chính là những phản ứng không đặc hiệu xảy ra một cách chung khắp, do các yếu tố có hại về tâm lý xuất hiện trong các tình thế mà con người chủ quan thấy là bất lợi hoặc rủi ro, ở đây vai trò quyết định không chủ yếu do tác nhân kích thích, mà do sự đánh giá chủ quan về tác nhân đó” [49, tr.33]. Định nghĩa này đã nêu được vai trò của yếu tố nhận thức và thái độ của con người trong stress.
Các nhà tâm lý Phạm Minh Hạc, Trần Trọng Thủy và Nguyễn Quang Uẩn đã nêu được thành phần quan trọng của stress đó là xúc cảm và một số nguyên nhân cơ bản gây ra stress ở con người, khi cho rằng: “stress là những xúc cảm nảy sinh trong những tình huống nguy hiểm, hẫng hụt, hay trong những tình huống phải chịu đựng những nặng nhọc về thể chất và tinh thần hoặc trong những điều kiện phải quyết định hành động nhanh chóng và trọng yếu” [49].
Theo Nguyễn Thành Khải, “dưới góc độ của tâm lý học có thể hiểu stress là trạng thái căng thẳng về tâm lý mà con người cảm nhận được trong quá trình hoạt động cũng như trong cuộc sống” [11, tr.20].
Theo Trần Anh Thụ, stress phải được hiểu một cách tổng hợp, vừa như một kích thích, vừa như một hậu quả kèm theo; đồng thời đề cập đến các yếu tố sinh học, xã hội và tâm lý trong ứng phó: stress là một tình trạng gây khó chịu hoặc gây thương tổn về cảm xúc và tinh thần, xảy ra khi cá nhân phản ứng lại những kích thích hoặc tình huống cực kỳ khó khăn, nhiều áp lực và căng thẳng do tác động từ bên ngoài; và có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ, dễ nhận thấy qua dấu hiệu: nhịp tim tăng, huyết áp cao, cơ căng, cảm giác khó chịu, và ưu phiền. Nói cách khác, stress
là quá trình tương tác giữa khả năng đáp ứng của một cá nhân với những đòi hỏi được đặt ra cho cá nhân đó trong môi trường của họ. [23] Quá trình tương tác đó có thể dẫn đến những hậu quả xấu về nhiều mặt tùy theo các yếu tố điều tiết của cá nhân. [49, tr.27]
Theo Đào Duy Duyên, stress là một quá trình biến đổi trạng thái cân bằng hiện tại của con người gây ra sự căng thẳng về tâm lý; nảy sinh do con người phản ứng lại với những nhân tố tác động, trong đó một phần do bản chất của những kích thích đa dạng từ bên ngoài hoặc do chính bản thân gây ra, một phần do nhận thức của cá nhân lý giải về những kích thích đó, về khả năng, tiềm lực của bản thân, các nguồn lực sẵn có để ứng phó; quá trình này gây ra những ảnh hưởng cho con người biểu hiện ở các mặt sinh lý, tâm lý, xã hội” [11, tr 19]
Tóm lại, hiện nay có nhiều cách hiểu về stress. Có người nói đến stress như một nguyên nhân, có người nói đến như hậu quả. Có người nhìn nhận thuần túy dưới góc độ sinh học, như là phản ứng mang tính sinh lý của cơ thể; số khác, thường là của các nhà tâm lý, đề cập đến cả yếu tố sinh học và tâm lý.
Trong phạm vi nghiên cứu của mình, dưới góc độ tâm lý học chúng tôi hiểu:
Stress là trạng thái căng thẳng về tâm lý xuất hiện ở con người trong quá trình hoạt động của đời sống thường ngày. Trong đó một phần là do sự tác động của những điều kiện khó khăn, phức tạp từ bên ngoài cũng như từ trong chính bản thân gây ra, một phần là do cách mà họ cảm nhận và giải thích những sự tác động đó, tùy thuộc vào khả năng “xử lý” của bản thân có thể ảnh ưởng đến con người trên các mặt sinh lý, tâm lý và xã hội.
1.2.1.2. Khái niệm NVYT và stress NVYT
a) Khái niệm NVYT
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới thì “Nhân viên y tế là những người tham gia vào hành động có mục đích chính là để tăng cường sức khỏe. Chúng bao gồm những người cung cấp dịch vụ y tế như bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, dược sĩ, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm - cũng như quản lý và công nhân hỗ trợ - chẳng hạn như quản lý bệnh viện, các quan chức tài chính, đầu bếp, bảo trì sửa chửa và nhân viên vệ sinh” [79]
Một định nghĩa khác đối với người lao động chăm sóc sức khoẻ là: Lâm sàng và các nhân viên khác, bao gồm cả những người trong chăm sóc ban đầu, những người có tiếp xúc thường xuyên, lâm sàng với bệnh nhân. Điều này bao gồm nhân viên như bác sĩ, nha sĩ và y tá, các chuyên gia y tế chẳng hạn như trị liệu nghề nghiệp, vật lý trị liệu, công nhân xe cứu thương và khuân vác, và sinh viên trong những nguyên tắc này. [96]
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2006 thì nhân viên y tế là "tất cả mọi người tham gia vào hành động có mục đích chính là để tăng cường sức khỏe" (Báo cáo Y tế Thế giới 2006). [95]
Trong giới hạn nghiên cứu của mình chúng tôi hiểu “Nhân viên y tế là tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực y tế, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân”
b) Stress của NVYT
Từ khái niệm về stress và khái niệm nhân viên y tế nêu trên, trong phạm vi nghiên cứu của mình chúng tôi định nghĩa stress của nhân viên y tế như sau: Stress của NVYT là trạng thái căng thẳng về tâm lý xuất hiện ở người NVYT trong quá trình hoạt động trong lĩnh vực y tế cũng như trong đời sống thường ngày. Trong đó một phần là do sự tác động của những điều kiện khó khăn, phức tạp từ hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân hoặc từ trong chính bản thân của mỗi người gây ra, một phần là do cách mà họ cảm nhận và giải thích những sự tác động đó, tùy thuộc vào khả năng “xử lý” của bản thân có thể ảnh ưởng đến NVYT trên các mặt sinh lý, tâm lý và xã hội.
1.2.2. Đặc điểm tâm lý của nhân viên y tế
1.2.2.1. Đặc điểm tâm lý của nhân viên y tế
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, người thầy thuốc thường được kỳ vọng là làm việc thiện, nhân đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Lương y phải