Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồ

Một phần của tài liệu Biện pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường THCS huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên (Trang 103 - 110)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.4.Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồ

dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý trường THCS

3.2.4.1. Mục tiêu của biện pháp

Trong nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết số 29/NQ-TW của BCH TW Đảng khoá XI đã nêu ra “Cán bộ quản lý giáo dục các cấp phải qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý ”; “Khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ”.[5]. Vì vậy việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL ở các trường THCS sẽ đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay. Quản lý là một nghề, để trở thành người quản lý giỏi, năng động, sáng tạo trong quá trình thực thi các nhiệm vụ quản lý, nhất thiết người quản lý phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm chắc nghiệp vụ quản lý. Hay nói cách khác phải có trình độ khoa học về quản lý, bên cạnh đó cần phải có nghệ thuật quản lý. Trong thời đại ngày với sự bùng nổ khoa học công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục các nước trên thế giới, đặt ra cho giáo dục nước ta một thách thức vô cùng to lớn đó là phải tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo ra những con người năng động, sáng tạo và có năng lực hội nhập với thế giới. Điều này đòi hỏi giáo dục cần phải có những quyết sách đúng đắn, đổi mới về nhận thức, đổi mới quản lý Nhà nước về giáo dục từ chính sách, cơ chế, nội dung, phương thức... đến biện pháp, công cụ quản lý. Một trong

những nội dung quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục là phải thường xuyên bồi dưỡng CBQL giáo dục nói chung, CBQL ở các trường THCS nói riêng. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng".

3.2.4.2. Nội dung và cách thức thực hiện

a) Tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ CBQL ở các trường THCS của huyện Kim Động về số lượng, chất lượng, cơ cấu.

Đây là công việc mà phòng GD&ĐT cần tiến hành thường xuyên hàng năm hoặc trước yêu cầu đột xuất của công tác cán bộ. Yêu cầu của khảo sát, đánh giá phải chính xác, khách quan, có hồ sơ lưu trữ một cách hệ thống, khoa học. Khảo sát, đánh giá CBQL không thể theo ý kiến một cá nhân mà phải căn cứ vào kết quả công việc, tiêu chuẩn cán bộ và dựa vào ý kiến tập thể. Công tác khảo sát, đánh giá CBQL làm đúng yêu cầu sẽ là cơ sở cho cơ quan quản lý có những thông tin cần thiết để xây dựng và phát triển đội ngũ CBQL. Vì vậy, cần phải có tiêu chí đánh giá, phòng GD&ĐT căn cứ vào chuẩn hiệu trưởng để đánh giá CBQL, bên cạnh đó cần căn cứ vào chất lượng, hiệu quả công việc trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ của nhà trường của CBQL để đánh giá.

b) Dự báo quy mô, nhu cầu CBQL ở các trường THCS đến năm 2020.

+ Căn cứ quy mô phát triển trường THCS trong huyện. Theo kế hoạch phát triển giáo dục của cấp THCS xây dựng đến năm 2020 số trường THCS trong huyện giữ nguyên là 18 trường.

+ Căn cứ Thông tư liên bộ số: 35/2006/TTLT – BĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập [8].

+ Căn cứ vào thực trạng độ tuổi CBQL qua khảo sát. Đến năm 2015; 2016 số lượng CBQL ở các trường THCS trên địa bàn huyện đến tuổi nghỉ hưu là 6 người = 17%. Vì vậy số cán bộ kế cận để bổ sung, thay thế CBQL nghỉ hưu cũng phải tương xứng.

c) Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBQL và cán bộ kế cận:

Việc khảo sát, đánh giá và dự báo về CBQL đương chức và kế cận là cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBQL.

Kế hoạch cần được xây dựng từ đơn vị trường THCS, có cơ sở khoa học, mang tính khả thi.

Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải trên cơ sở nhu cầu và sự cân đối các nguồn kinh phí (nguồn kinh phí Nhà nước cùng với nguồn ngoài ngân sách Nhà nước), về con người và phương tiện, thiết bị dành cho đào tạo, bồi dưỡng.

Kế hoạch sau khi đã phê duyệt, được công khai để CBQL đương nhiệm và CBQL kế cận biết, chủ động sắp xếp công việc, thời gian đi đào tạo, bồi dưỡng.

Xây dựng chỉ tiêu kế hoạch: Đến cuối năm 2015 có 100% cán bộ kế cận được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục. Số CBQL hiện có đã học cách đây 5 năm cần được cử đi học vòng 2 để cập nhật kiến thức mới.

d) Xác định nội dung đào tạo, bồi dưỡng CBQL và cán bộ kế cận, dự nguồn.

Căn cứ vào thực trạng đội ngũ CBQL ở các trường THCS của huyện Kim Động, căn cứ vào nhiệm vụ "đổi mới căn bản và toàn diện", nội dung đào tạo, bồi dưỡng CBQL cần chú ý tập trung là:

+ Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý: Bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý giáo dục, quản lý Nhà nước, bồi dưỡng kiến thức về các lĩnh vực khác nhau như: Thanh tra, kiểm tra nội bộ trường học; Quản lý thu chi tài chính; Quản lý dạy thêm, học thêm; Quản lý tài sản, thiết bị dạy học; Công tác xã hội hoá

giáo dục, việc ứng dụng CNTT vào đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục ...

+ Bồi dưỡng kỹ năng quản lý: Để người CBQL thực hiện tốt các chức năng quản lý cần bồi dưỡng họ những kỹ năng sau:

Thứ nhất: Kỹ năng, kỹ thuật quản lý cần thiết nhất cần chú trọng bồi dưỡng đầu tiên đó là: Kỹ năng lập kế hoạch; Kỹ năng tổ chức công việc; Kỹ năng phân công chuyên môn, lập thời khoá biểu; Kỹ năng về quản lý tài chính; Kỹ năng về quản lý dạy học và giáo dục; Kỹ năng quản lý học sinh.

Thứ hai: Là kỹ năng nhân sự. Đó là những kỹ năng hoà nhập với mọi người trong lao động chung, kỹ năng động viên từng người trong tập thể. Kỹ năng nhân sự là rất cần thiết với CBQL giáo dục nói chung, CBQL trường THCS nói riêng, đó là tổng hợp nhiều kỹ năng riêng như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phát biểu, kỹ năng điều khiển cuộc họp, kỹ năng khích lệ và thuyết phục, kỹ năng phát - nhận và xử lý thông tin...

Thứ ba: Là kỹ năng nhận thức. Đó là khả năng tư duy về công việc, khả năng định hướng công việc, nắm bắt mối liên quan giữa các công việc, gồm: Nhận thức về mục tiêu đào tạo; Nhận thức về đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục phổ thông; Nhận thức về xã hội hoá giáo dục; Nhận thức về dân chủ hoá trường học...

+ Bồi dưỡng kiến thức chính trị xã hội: Bồi dưỡng lý luận chính trị cho CBQL và đội ngũ kế cận, theo chương trình trung cấp do Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức. Bồi dưỡng, cập nhật thêm về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

+ Bồi dưỡng kiến thức tin học và ngoại ngữ: Đối với CBQL, kiến thức tin học có ý nghĩa nhiều mặt. Nó tạo điều kiện khai thác thông tin từ trên mạng, việc ứng dụng CNTT vào quản lý các hoạt động trong trường học V.EMIS như quản lý điểm, quản lý học sinh, quản lý thư viện, quản lý thiết bị

... từ đó người CBQL biết khai thác thông tin, xuất ra các báo cáo cần thiết để có thông tin tốt cho việc quản lý hiện tại cũng như dự báo trong tương lai, góp phần thực hiện các chức năng quản lý, đem lại sự tự tin, hoà nhập và thích ứng với sự phát triển xã hội. Để bồi dưỡng tin học cho CBQL cần có những hình thức và biện pháp sau: CBQL cần phải học những chương trình bồi dưỡng thiết thực do phòng GD&ĐT phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức, giảng dạy. CBQL phải bắt buộc biết tin học văn phòng, biết sử dụng và khai thác mạng Internet để tìm kiếm thông tin, sử dụng hộp thư điện tử của ngành, khai thác và sử dụng tốt phần mềm V.EMIS ngoài ra còn biết ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý. Kiến thức về ngoại ngữ, CBQL cũng cần được học tập, bồi dưỡng. Riêng đối với giáo viên trẻ kế cận, phòng GD&ĐT đưa ra tiêu chuẩn cần có kiến thức về ngoại ngữ, tin học và có thể tổ chức kiểm tra sát hạch.

+ Bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn: Trong nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng CBQL, kiến thức chuyên môn là nền tảng tư duy và phương pháp luận khoa học cho công tác quản lý. Những CBQL hoặc những người kế cận có trình độ Đại học thì cần tạo điều kiện học lên Thạc sỹ. Ngoài ra, phòng GD&ĐT cần chú ý bồi dưỡng các chuyên đề như: Chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá; áp dụng các kỹ thuật dạy học tích cực; phương pháp bàn tay nặn bột; soạn giáo án điện tử Elearning, khai thác sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học; Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; kỹ năng sống, giá trị sống, phụ đạo học sinh yếu...

+ Bồi dưỡng kiến thức khác: Đó là những kiến thức về truyền thống, phong tục tập quán của địa phương, về bản sắc văn hoá dân tộc, kiến thức cơ bản về an ninh quốc phòng, về tôn giáo, giao thông, phòng cháy chữa cháy...

Tóm lại: Tri thức từ lâu đã được ví như chiếc chìa khoá vạn năng. Các nội dung đào tạo trên đây không tách rời mà gắn bó, bổ trợ cho nhau, giúp

người cán bộ quản lý thực hiện có hiệu quả các chức năng quản lý của mình. Đào tạo, bồi dưỡng muốn đạt kết quả cần lựa chọn những hình thức sao cho thích hợp.

e) Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng:

Về hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ngay từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương III khoá VIII đã nêu: "Mở rộng các hình thức học tập thường xuyên, đặc biệt là hình thức học từ xa. Quan tâm đào tạo và đào tạo lại cán bộ quản lý…” [4]. Như vậy, cần phải phối hợp nhiều hình thức đào tạo bồi dưỡng.

Đào tạo chính quy: Cử cán bộ quản lý đương nhiệm và cán bộ quản lý có triển vọng đi học lớp Cử nhân quản lý giáo dục hoặc Thạc sỹ quản lý giáo dục.

Đào tạo tại chức: Cử cán bộ quản lý đương nhiệm và cán bộ quản lý kế cận tham gia học tập nâng cao.

Trường hợp nào khó khăn về điều kiện, hoàn cảnh gia đình, không đi học tập được các lớp xa nhà, tạo điều kiện cho tham gia các lớp đào tạo từ xa.

Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục theo các hình thức khác: Cử CBQL tham gia học bồi dưỡng tại trường CĐSP Hưng Yên, bồi dưỡng các chuyên đề về quản lý, tổ chức tham quan thực tế, giao lưu học hỏi kinh nghiệm quản lý các trường tiên tiến trong và ngoài tỉnh. Phòng GD&ĐT tổ chức hội thảo về công tác quản lý để CBQL giao lưu, chia sẻ, trao đổi, học tập kinh nghiệm... hoặc phòng GD&ĐT mở hội thi CBQL giỏi cấp THCS để các CBQL có điều kiện nghiên cứu, trao đổi, học tập, đồng thời qua đó tôn vinh, khen thưởng các CBQL giỏi. Phòng GD&ĐT tổ chức hội nghị giao ban hàng tháng theo hình thức tập trung toàn huyện với CBQL để cùng giải quyết những vướng mắc trong công tác quản lý...từ đó nâng cao nghiệp vụ quản lý nhà trường. Phòng GD&ĐT lựa chọn đội ngũ thanh tra, kiểm tra có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và năng lực quản lý tốt để tiến hành thanh

tra, kiểm tra các nhà trường để qua đó tư vấn, rút kinh nghiệm cho CBQL các nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý.

Kết hợp việc đào tạo, bồi dưỡng với tự đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ quản lý và CBQL kế cận theo các hình thức tự học như sau: Phòng GD&ĐT yêu cầu việc tự bồi dưỡng đối với CBQL là bắt buộc, có sổ tự học, tự bồi dưỡng riêng đối với mỗi CBQL. Nội dung tự bồi dưỡng gồm: nâng cao, rèn luyện phẩm chất đạo đức chính trị, nâng cao kiến thức chuyên môn, bồi dưỡng năng lực quản lý, CNTT, ngoại ngữ ... Hàng năm CBQL có sáng kiến kinh nghiệm về công tác quản lý được áp dụng có hiệu quả trong nhà trường. Phòng GD&ĐT đưa chỉ tiêu tự học, tự bồi dưỡng vào nội dung đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm để tạo thêm động lực học tập và nghiên cứu nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý cho CBQL ở các trường THCS.

g) Xác định nguồn kinh phí và các điều kiện khác cho công tác đào tạo, bồi dưỡng:

Hàng năm, phòng GD&ĐT lập kế hoạch tài chính cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Có biện pháp tham mưu với UBND huyện hỗ trợ kinh phí cho công tác này, đầu năm giao chỉ tiêu ngân sách cho các trường THCS cần quy định rõ số kinh phí chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tham mưu với Huyện uỷ - Hội đồng nhân dân - Uỷ ban nhân dân huyện có Nghị quyết về công tác đào tạo, bồi dưỡng chung cho công chức, viên chức trong đó có ngành GD&ĐT.

Căn cứ vào các nội dung đào tạo, bồi dưỡng nêu trên, phòng GD&ĐT xây dựng quy trình thực hiện theo các bước sau:

Lập kế hoạch:

Xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung trên, kế hoạch cần đề ra mục tiêu dự kiến nguồn lực, dự kiến các biện pháp và cách thức thực hiện mục

tiêu. Phòng GD&ĐT là cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện.

Tổ chức:

Tham mưu với Huyện uỷ, HĐND - UBND huyện để phòng GD&ĐT, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện phối hợp với các trường: Học viện QLGD, Đại học sư phạm, CĐSP Hưng Yên... tổ chức các lớp học, lớp bồi dưỡng tại huyện để CBQL tham gia học tập, bồi dưỡng. Cử CBQL đương nhiệm, CBQL dự nguồn học tập các lớp nâng cao chuyên môn, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý ở trong tỉnh, ở các tỉnh khác hoặc ở tại các trường Đại học, Học viện QLGD.

Chỉ đạo:

Chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng từ CBQL đến giáo viên. Các nhà trường cần thực hiện tốt quy trình từ việc cử CBQL đi đào tạo, bồi dưỡng đến việc tổ chức học tập, bồi dưỡng tại trường và việc tự học, tự bồi dưỡng.

Kiểm tra:

Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kế hoạch hoặc kiểm tra định kỳ để đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng ở cơ sở. Chỉ ra những tồn tại, hạn chế và ra các quyết định điều chỉnh cần thiết để thực hiện có hiệu quả hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng như công tác tự học tập, bồi dường.

Một phần của tài liệu Biện pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường THCS huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên (Trang 103 - 110)