Công tác tuyển chọn, sử dụng cán bộ quản lý

Một phần của tài liệu Biện pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường THCS huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên (Trang 44 - 46)

7. Cấu trúc luận văn

1.4.3.Công tác tuyển chọn, sử dụng cán bộ quản lý

1.4.3.1. Tuyển chọn

Trong quản lý nguồn nhân lực tuyển chọn bao gồm hai bước đó là tuyển mộ và lựa chọn. Tuyển mộ là quá trình thu hút những người có khả năng từ nhiều nguồn khác nhau đến đăng ký, nộp đơn tham gia làm việc. Tuyển mộ cũng có nghĩa là tập trung các ứng cử viên lại. Chọn lựa là quyết định xem trong các ứng cử viên ấy ai là người đủ các tiêu chuẩn để đảm đương được công việc, các ứng cử viên này là người trong quy hoạch.

Đào tạo là quá trình hoạt động có mục đích, có tổ chức nhằm hình thành và phát triển hệ thống các tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, thái độ để hoàn thành nhân cách cá nhân, tạo tiền đề cho họ hành nghề một cách năng suất có hiệu quả. Đào tạo là hoạt động cơ bản của quá trình giáo dục nó có phạm vi, cấp độ, cấu trúc và những hạn định cụ thể về thời gian, nội dung cho người học trở thành có phẩm chất, năng lực theo tiêu chuẩn nhất định.

Bổ nhiệm: theo Từ điển Tiếng Việt có nghĩa là cử vào một chức vụ cao hơn hiện tại trong cơ quan, tổ chức. Ví dụ được bổ nhiệm là Hiệu trưởng trường THCS.

1.4.3.2. Sử dụng đội ngũ CBQL

Sử dụng bao gồm: Triển khai việc thực hiện các chức năng quản lý của đội ngũ, thực hiện bồi dưỡng, phát triển năng lực quản lý, phẩm chất chính trị; kiểm tra, đánh giá sàng lọc, thực hiện bổ nhiệm lại, luân chuyển, bãi miễn.

Bồi dưỡng: Là làm tăng thêm năng lực hoặc phẩm chất. Bồi dưỡng còn được hiểu là bồi bổ làm tăng thêm trình độ hiện có về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để làm tốt việc đang làm. Có nhiều hình thức bồi dưỡng: Bồi dưỡng ngắn hạn, bồi dưỡng thường xuyên và tự bồi dưỡng. Bồi dưỡng giúp cho CBQL có cơ hội tiếp cận những vấn đề mới, bù đắp những thiếu hụt tránh được sự lạc hậu trong xu thế phát triển như vũ bão của tri thức khoa học hiện đại. Các cấp quản lý phải chọn hình thức bồi dưỡng cho đội ngũ của mình sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương cũng như điều kiện công tác của mỗi cá nhân.

Kiểm tra, đánh giá: Đây là một trong các chức năng của nhà quản lý. Kiểm tra chính là xem xét tình hình thực hiện công việc của nhà quản lý đối với đối tượng quản lý. Thông qua kiểm tra giúp chủ thể quản lý điều khiển tối ưu hệ thống quản lý của mình. Đánh giá là đối chiếu với tiêu chuẩn quy định để phân loại thành tựu hiện thời của những đối tượng cần đánh giá, xác định xem họ có xứng đáng được khen thưởng, cân nhắc hoặc tiếp tục được giữ chức hay họ cần phải đi đào tạo, huấn luyện thêm, hoặc bị sa thải. Kiểm tra, đánh giá là hai hoạt động liên quan mật thiết với nhau, góp phần nâng cao chất lượng quản lý.

Bổ nhiệm lại: Theo quy định về thời hạn bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng theo nhiệm kỳ là 5 năm, hết nhiệm kỳ cấp quản lý căn cứ vào quy định thực hiện quy trình bổ nhiệm lại cho các chức danh.

Luân chuyển: Là sự chuyển đổi vị trí, địa điểm công tác, có thể vẫn giữ chức vụ đó nhưng sang đơn vị khác làm việc, cũng có thể thôi giữ chức vụ hiện tại chuyển sang đơn vị mới giữ chức vụ khác. Theo quy định Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng ở một đơn vị, trường học không quá 2 nhiệm kỳ, như vậy sau 2 nhiệm kỳ buộc tổ chức phải thực hiện luân chuyển. Cũng có khi người CBQL khả năng phát triển đi lên hoặc giữ trọng trách ở đơn vị đó

không phát huy được vai trò của mình thì cấp quản lý phải xem xét thực hiện luân chuyển.

Bãi miễn: Là cho thôi, cho nghỉ một chức vụ, một trọng trách gì đó, đây là động từ thường dùng chỉ các hoạt động quản lý khi cho thôi việc hiện tại đang làm. Những CBQL qua quá trình làm việc bị mắc khuyết điểm, kỷ luật hoặc cấp trên đánh giá không đủ năng lực giữ trọng trách được giao, không đủ uy tín lãnh đạo, quản lý trước tập thể cấp dưới thì bị bãi miễn.

Việc lựa chọn và sử dụng CBQL giáo dục có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến việc thực thi chính sách giáo dục nói chung, việc nâng cao chất lượng giáo dục nói riêng. Nghị quyết số 29/NQ-TW của BCH TW Đảng khoá XI đã chỉ rõ “ Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao; có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ”.[5].

Như vậy việc lựa chọn và sử dụng CBQL có đạo đức, có năng lực đáp ứng nhiệm vụ được giao vừa là một yêu cầu, vừa là nguyên tắc sử dụng cán bộ của Đảng và Nhà nước ta. Bố trí, sử dụng cán bộ phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đúng quy định, kịp thời để giáo dục luôn luôn phát triển.

Một phần của tài liệu Biện pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường THCS huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên (Trang 44 - 46)