7. Cấu trúc luận văn
1.2.7. Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường THCS
Ngày nay, thế giới bước vào thời kì hội nhập ngày càng sâu sắc và toàn diện cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học kĩ thuật. Trong bối cảnh đó, nước ta cùng lúc phải giải quyết ba nhiệm vụ: Thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức. Nền kinh tế tri thức đã làm thay đổi hẳn cơ cấu kinh tế lao động, nền kinh tế chủ yếu dựa vào trí tuệ con người. Tri thức ngày càng trở thành nhân tố trực tiếp của chức năng sản xuất. Đầu tư cho phát triển tri thức trở thành yếu tố then chốt cho sự tăng trưởng kinh tế vững chắc. Nếu coi giáo dục đào tạo là một dàn nhạc thì cán bộ quản lí giáo dục giống như những người nhạc trưởng. Trong hoàn cảnh mới, người "nhạc trưởng" chỉ huy dàn nhạc lúc này đòi hỏi phải có trình độ cao hơn, có khả năng quản lý, lãnh đạo giỏi hơn, có tầm nhìn chiến lược xa hơn. Vì vậy, việc phát triển đội ngũ CBQL là điều tất yếu không thể thiếu được, đây cũng là một khâu quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Nhận thức sâu sắc điều này, Nghị quyết số 29/NQ-TW của BCH TW Đảng khoá XI đã chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-
xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sỹ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Cán bộ quản lý giáo dục các cấp phải qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý ”.[5].
Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý thực chất là xây dựng và phát triển cả ba yếu tố: Quy mô, chất lượng, cơ cấu. Trong đó, quy mô được thể hiện bằng số lượng. Cơ cấu thể hiện sự hợp lý trong bố trí về nhiệm vụ, độ tuổi, giới tính, chuyên môn, nghiệp vụ...hay nói cách khác là tạo ra một ê kíp đồng bộ, đồng tâm có khả năng hỗ trợ, bù đắp cho nhau về mọi mặt. Chất lượng là yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý.
Xét về quy mô, chất lượng, cơ cấu dưới góc nhìn về việc phát triển nguồn nhân lực của nền kinh tế tri thức thì nội dung xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý bao gồm:
- Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý chính là thực hiện quy hoạch, đào tạo, tuyển chọn, bổ nhiệm, sắp xếp bố trí (thể hiện bằng số lượng, cơ cấu).
- Sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý là triển khai việc thực hiện các chức năng quản lý của đội ngũ, thực hiện bồi dưỡng, phát triển năng lực quản lý, phẩm chất chính trị; đánh giá, sàng lọc.
- Tạo động cơ và môi trường cho sự phát triển là tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý phát huy vai trò của họ như thực hiện tốt các chính sách đãi ngộ, chế độ khen thưởng, kỷ luật, xây dựng điển hình tiên tiến nhân ra diện rộng. Tạo cơ hội cho cá nhân có sự thăng tiến, tạo ra những ước mơ, hoài bão kích thích cho sự phát triển. Tạo cơ hội cho cán bộ quản lý có điều kiện học tập, bồi dưỡng, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.
Từ những lý luận về phát triển đội ngũ cán bộ quản lý nêu trên ta thấy: Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý các trường THCS thực chất là xây dựng,
quy hoạch, bồi dưỡng, tuyển chọn, đào tạo, sắp xếp bổ nhiệm, tuyển dụng cũng như tạo môi trường và động lực cho đội ngũ này phát triển. Để thực hiện tốt việc này chúng ta cần nghiên cứu đặc điểm của từng địa phương, vùng miền, số lượng và đặc trưng của các trường THCS, bối cảnh về chính trị, kinh tế - xã hội hiện tại, yêu cầu chuẩn đối với cán bộ quản lý cùng những đặc điểm tâm lý của người CBQL để đề ra nội dung, biện pháp cho phù hợp.