a. Lịch sử phát triển du lịch Việt Nam
Việt Nam với ba phần tư lãnh thổ là đồi núi với nhiều cảnh quan ngoạn mục, những rừng nhiệt đới với nhiều loài cây cỏ, chim muông, những hệ thống sông hồ tạo nên những bức tranh thủy mặc sinh động,... Với các dân tộc anh em cùng chung sống trên một lãnh thổ tạo nên sự đa dạng về phong tục, tập quán,... Tất cả tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với những con người ham khám phá. Mặt khác, do nằm ở vĩ độ thấp nên hầu như quanh năm nước ta đều có điều kiện khí hậu thuận lợi cho các hoạt động ngoài trời. Dựa trên những điều kiện kể trên có thể khẳng định rằng hoạt động du lịch đã xuất hiện ở nước ta đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, ngành du lịch, chủ thể của du lịch Việt Nam mới ra đời cách đây gần 40 năm. Với Nghị định 26/CP ngày 9/7/1960 của Hội đồng Chính Phủ, công ty Du lịch Việt Nam đầu tiên của nước ta được thành lập, đánh dấu bước phát triển vượt bậc, đặt nền móng cho sự hình thành một ngành kinh tế mới mẻ của đất nước.
Ngày 23/1/1979, Nghị định 32/CP được ban hành, quyết định chính thức thành lập Tổng cục Du lịch Việt Nam, tạo bước ngoặc lớn trong sự chỉ đạo của Nhà nước đối với hoạt động du lịch Việt Nam. Hiện nay, cả nước có hơn 800 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (không kể các hộ tư nhân) tham gia vào việc kinh doanh khách sạn và các dịch vụ du lịch, có hơn 200 công ty lữ hành nội địa và 78 công ty lữ hành quốc tế. Các đơn vị kinh doanh du lịch của Việt Nam đã có mối liên kết, hợp tác với hơn 800 hãng công ty du lịch từ 50 quốc gia trên thế giới. Ngành du lịch Việt Nam là thành viên của tổ chức Du lịch thế giới (WTO) từ tháng 9/1981, thành viên của hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương (PATA) từ năm 1989, thành viên hiệp hội du lịch Đông Nam Á (ASEANTA) từ năm 1995.
b. Lịch sử phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang
Kiên Giang trước đây là một trấn rất hoang vu của phủ Sài Mạc thuộc Chân Lạp do Mạc Cửu (người Quảng Đông, Trung Quốc) di cư đến mở mang, khai phá và phát triển buôn bán làm cho vùng đất này trở thành trù phú hơn. Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có rừng, núi, sông, biển, đảo, có bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng,
nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: Hòn Chông, Hòn Trẹm, Hòn Phụ Tử, bãi biển Mũi Nai, Thạch Động, Lăng Mạc Cửu, Đông Hồ, Hòn Đất, đảo Phú Quốc,... Từ lâu, Kiên Giang đã được ví như một Việt Nam thu nhỏ. Để thu hút đông đảo lượng khách du lịch đến đây, trong thời gian qua ngành du lịch Kiên Giang cũng được chú trọng đầu tư phát triển. Hệ thống giao thông đến các khu du lịch trong tỉnh và trên đảo Phú Quốc cơ bản hoàn thành (tổng vốn đầu tư từ năm 1998 đến nay ước tính khoảng 19 ngàn tỷ đồng). Hệ thống sân bay, cảng biển được đầu tư nâng cấp,...
Với mục tiêu chung là phấn đấu tới năm 2015, phát triển du lịch Kiên Giang trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là một trong những trung tâm du lịch trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết nối sâu rộng với khu vực ASEAN và để đạt được mục tiêu này, Kiên Giang tiếp tục chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch như: xây dựng chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao cho ngành; ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch; đầu tư phát triển đồng bộ, có chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước,... Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù của tỉnh gắn với thị trường khách du lịch như: du lịch sinh thái gắn với tài nguyên du lịch biển đảo; du lịch gắn liền với các di tích lịch sử, các công trình văn hóa và danh lam thắng cảnh; du lịch làng nghề gắn với lễ hội, tín ngưỡng; du lịch MICE; tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức (tăng cường tham gia xúc tiến, quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch Kiên Giang thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, hội chợ,...); thực hiện tốt vai trò đầu mối giúp các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh liên kết phát triển với các đơn vị du lịch trong khu vực và nước ngoài.