Những ƣu điểm của Luật DNNN năm 1995.

Một phần của tài liệu Những điểm mới cơ bản của luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 (Trang 27 - 29)

Luật DNNN được Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 20 tháng 4 năm 1995, có hiệu lực kể từ ngày 30/4/1995. Việc ban hành và đưa vào áp dụng Luật DNNN đã thể hiện những đổi mới về khung pháp luật và tác động đối với DNNN.

Một là, Luật DNNN và các văn bản hướng dẫn đã thể chế hoá được các

quan điểm, chủ trương đổi mới, sắp xếp DNNN của Đảng. Lần đầu tiên Nhà nước ban hành một đạo luật riêng về DNNN, bước đầu tạo ra một khung pháp lý tương đối đồng bộ, bảo đảm DNNN hoạt động theo pháp luật. Đây là một bước tiến quan trọng so với các quy định dưới luật trước đây. Luật DNNN khẳng định rõ địa vị pháp lý của DNNN là một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân, có tài sản riêng, được phân định rõ với số tài sản khác của chủ sở hữu Nhà nước; doanh nghiệp chịu trách nhiệm kinh tế và dân sự hữu hạn về toàn bộ hoạt động, kinh doanh trong phạm vi số vốn do doanh nghiệp quản lý. Điều này có nghĩa DNNN là doanh nghiệp mang dấu hiệu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và xác định trách nhiệm hữu hạn của chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã đầu tư vào

doanh nghiệp, tránh được sự trói buộc rủi ro của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước. Đây là cơ sở để thiết lập quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước, thiết lập cơ chế quản lý đối với DNNN. Với quy định như vậy, Luật DNNN cũng định hướng rõ cho DNNN là phải chấp nhận cơ chế thị trường, phải cạnh tranh, chấp nhận phá sản.

Hai là, DNNN được phân thành DNNN hoạt động kinh doanh và DNNN

hoạt động công ích. Trên cơ sở đó, Nhà nước có cơ chế quản lý và chính sách phù hợp với từng loại doanh nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp tập trung vào mục tiêu chính là kinh doanh vì lợi nhuận hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích là chính.

Ba là, Luật DNNN đã mở rộng quyền và trách nhiệm của loại doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện một bước đưa loại DNNN hoạt động kinh doanh hoạt động trên cùng mặt bằng pháp lý và bình đẳng với các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác, bảo đảm khả năng cạnh tranh của loại doanh nghiệp này.

Bốn là, lần đầu tiên đã quy định tương đối đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện để thành lập, tổ chức lại, giải thể DNNN, xác định lĩnh vực ưu tiên và lĩnh vực hạn chế thành lập mới DNNN, nhằm hạn chế việc thành lập các doanh nghiệp không đủ điều kiện góp phần thể chế hoá định hướng đổi mới DNNN và sắp xếp lại khu vực DNNN.

Năm là, đã tách các quy định về quản lý của chủ sở hữu với quản lý nhà nước, xác định rõ hơn và giới hạn quyền của chủ sở hữu Nhà nước vào việc kiểm soát các mục tiêu chiến lược dài hạn và các quyết định quan trọng liên quan tới tài sản, vốn và nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp và những vấn đề vượt thẩm quyền của bộ máy quản lý doanh nghiệp. Từ đó tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu nhà nước và bảo hộ các lợi ích hợp pháp của DNNN.

Sáu là, đã quy định khá toàn diện cơ chế quản lý tài chính DNNN, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, nhằm tăng cường kiểm soát tài chính nhưng vẫn mở rộng hơn quyền tự chủ của doanh nghiệp phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, tạo ra sự bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

Bảy là, đã đưa ra một số quy định mang tính cải cách phù hợp với cơ chế thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, như quy định cho phép doanh nghiệp thay đổi cơ cấu vốn, sử dụng linh hoạt số vốn nhà nước giao và được quyền thay đổi cơ cấu tài sản cho phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; được cầm cố, thế chấp, cho thuê, nhượng bán tài sản thuộc quyền quản lý và sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp (trừ một số thiết bị, nhà xưởng quan trọng). Ngoài ra, doanh nghiệp được quyền sử dụng nguồn vốn, tài sản, giá trị quyền sử dụng đất trong phạm vi quản lý của doanh nghiệp để liên doanh, liên kết, góp vốn,…Doanh nghiệp được quyền huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh nhưng không được làm thay đổi sở hữu.

Tám là, việc quy định trong Luật mô hình quản lý mới, trong đó các tổng công ty nhà nước và DNNN độc lập quy mô lớn có Hội đồng quản trị, là thích hợp hơn so với việc giao toàn quyền cho một giám đốc xét về mặt yêu cầu của quản lý của Nhà nước đối với các doanh nghiệp có nhiều vốn và tài sản quan trọng.

Một phần của tài liệu Những điểm mới cơ bản của luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 (Trang 27 - 29)