động, linh hoạt cho công ty nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiến tới hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Những quy định về quyền và nghĩa vụ của DNNN hiện nay chưa thực sự bắt kịp với yêu cầu của cơ chế thị trường, chưa thực sự trao quyền chủ động cho doanh nghiệp, còn ràng buộc DNNN, nhất là về đầu tư, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản. DNNN vẫn phải xin phép các cơ quan nhà nước theo cơ chế “xin-cho” và vẫn dựa vào Nhà nước để chiếm ưu thế trong kinh doanh. Việc quy định các cơ quan nhà nước phê duyệt phương án huy động vốn, phương án đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, phê chuẩn đối với việc cầm cố, thế chấp, cho thuê, chuyển nhượng, thanh lý các tài sản quan trọng, phê duyệt các dự án đầu tư trên mức phân cấp cho doanh nghiệp vừa gây phiền hà cho doanh nghiệp, vừa không đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp, làm hạn chế tính năng động trong kinh doanh và đổi mới công nghệ, thiết bị dẫn tới giảm năng lực cạnh tranh và mất cơ hội kinh doanh của doanh
nghiệp. Ngược lại, vẫn còn tình trạng cơ quan nhà nước không muốn DNNN vượt khỏi vòng kiểm soát của mình.
Luật DNNN 2003 đã sửa đổi quyền và nghĩa vụ của công ty nhà nước theo định hướng của Nghị quyết Trung ương III khoá IX là gắn doanh nghiệp với thị trường; xoá bao cấp; doanh nghiệp phải thực sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh; tạo động lực phát triển và nâng cao hiệu quả; cơ chế trách nhiệm đủ mạnh và rõ đối với doanh nghiệp nhà nước; trách nhiệm cao hơn đối với cán bộ quản lý, kể cả về đầu tư; thực hiện tốt cơ chế dân chủ trong doanh nghiệp; thực hiện chế độ quản lý công ty đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước; chế độ trách nhiệm hữu hạn đối với DNNN. Việc sửa đổi các quyền và nghĩa vụ của DNNN là phải khắc phục các hạn chế của Luật DNNN 1995, đồng thời chuẩn bị để tất cả các loại hình doanh nghiệp tiến tới hoạt động theo một khung pháp luật chung. Do đó quyền và nghĩa vụ của công ty nhà nước phải được quy định tương tự như công ty TNHH một thành viên hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 1999. Trên tinh thần đó, Luật DNNN 2003 đã có những sửa đổi, bổ sung như sau về quyền và nghĩa vụ của công ty nhà nước:
Thứ nhất, phân định rõ về vốn, tài sản của công ty nhà nước và vốn, tài sản của nhà nước. Vốn của công ty nhà nước bao gồm vốn do nhà nước đầu tư tại công ty, vốn do công ty tự huy động và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật. Vốn nhà nước đầu tư tại công ty bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn tự tích luỹ được bổ sung vào vốn nhà nước. Đặc biệt, lần đầu tiên Luật DNNN 2003 thừa nhận việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào vốn của công ty theo quy định của pháp luật về đất đai (Điều 12). Công ty nhà nước có nghĩa vụ bảo toàn và phát triển vốn nhà nước và vốn công ty tự huy động, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số tài sản của công ty. Người đại diện chủ sở hữu nhà nước
chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn của nhà nước đầu tư tại công ty (Điều 14).
Thứ hai, công ty có quyền chiếm hữu, sử dụng vốn, tài sản của công ty để kinh doanh, thực hiện các lợi ích hợp pháp từ vốn và tài sản của công ty. Sử dụng và quản lý các tài sản Nhà nước giao, cho thuê là đất đai, tài nguyên theo quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên. Nhà nước không điều chuyển vốn nhà nước đầu tư tại công ty và vốn, tài sản của công ty theo phương thức không thanh toán, trừ trường hợp quyết định tổ chức lại công ty hoặc thực hiện mục tiêu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích (Điều 13). Riêng quyền định đoạt đối với vốn, tài sản của công ty được tính theo giá trị tổng tài sản của công ty theo quy định của luật này, quyền quyết định phụ thuộc vào loại hình công ty nhà nước có hoặc không có HĐQT. Công ty nhà nước không có HĐQT được quyền quyết định các dự án đầu tư, các hợp đồng bán tài sản có giá trị đến 30% tổng giá trị tài sản còn lại trên sổ kế toán của công ty hoặc tỉ lệ nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty (Điều 26). Công ty nhà nước có HĐQT được quyền quyết định các dự án đầu tư, góp vốn, mua cổ phần của các công ty khác, bán tài sản của công ty có giá trị đến 50% tổng giá trị tài sản còn lại trên sổ kế toán của công ty hoặc tỉ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty (Điều 30). Công ty nhà nước quyết định các hợp đồng vay, cho vay, thuê, cho thuê và hợp đồng kinh tế khác do điều lệ công ty quy định nhưng không vượt quá mức vốn điều lệ của công ty (Điều 26, Điều 30).
Thứ ba, mở rộng một số quyền của công ty nhà nước trong hoạt động kinh doanh, tạo sự chủ động, linh hoạt cho công ty nhà nước trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến tài chính của công ty. Theo Luật DNNN 2003, công ty nhà nước quyết định sử dụng vốn, tài sản của công ty để liên doanh, liên kết, góp vốn vào doanh nghiệp khác trong nước; thuê, mua một phần hoặc toàn bộ công ty khác; được sử dụng vốn của công ty hoặc vốn huy động để
đầu tư thành lập công ty TNHH nhà nước một thành viên; cùng với các nhà đầu tư khác thành lập công ty cổ phần hoặc công ty TNHH hai thành viên trở lên (Điều 15). Công ty nhà nước được quyền huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn và tự chịu trách nhiệm hoàn trả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn; có quyền thay đổi cơ cấu tài sản để phát triển kinh doanh. Công ty nhà nước có quyền quyết định trích khấu hao tài sản cố định theo nguyên tắc mức trích khấu hao tối thiểu phải bảo đảm bù đắp hao mòn hữu hình, hao mòn vô hình của tài sản cố định và không thấp hơn tỉ lệ trích khấu hao tối thiểu do Chính phủ quy định (Điều 17).
Thứ tư, hoàn thiện một số cơ chế khuyến khích công ty nhà nước hoạt động hiệu quả. Công ty nhà nước được chủ động tuyển chọn, thuê, bố trí, sử dụng, đào tạo, kỷ luật, cho thôi việc đối với lao động; lựa chọn các hình thức trả lương; chi thưởng sáng kiến đổi mới, cải tiến kỹ thuật, quản lý và công nghệ; thưởng tăng năng suất lao động; thưởng tiết kiệm vật tư và chi phí phù hợp với yêu cầu kinh doanh (Điều 15, 17). Liên quan đến cơ chế phân chia lợi nhuận sau thuế, Nghị quyết Trung ương III khoá IX đã chỉ rõ “Doanh nghiệp được tự chủ trong việc phân phối và trích lập các quỹ từ lợi nhuận để lại theo khung quy định chung. Nhà nước có chính sách đối với những tài sản do doanh nghiệp đầu tư bằng vốn vay và đã trả nợ hết bằng nguồn khấu hao cơ bản và lợi nhuận do chính tài sản đó làm ra theo hướng thực hiện hài hoà các lợi ích, phù hợp với đặc điểm của từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể, khuyến khích các doanh nghiệp tái đầu tư phát triển”. Vì vậy, cơ chế phân chia lợi nhuận sau thuế trong Luật lần này cũng được sửa đổi trên định hướng khuyến khích doanh nghiệp tự huy động vốn, trả được vốn vay, có lãi, có tình hình tài chính lành mạnh thì được trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi tương xứng. Cụ thể, sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, chuyển lỗ theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định
của pháp luật, trích lập quỹ dự phòng tài chính; phần lợi nhuận thực hiện còn lại được phân chia theo nguồn vốn nhà nước đầu tư và nguồn vốn công ty tự huy động như sau (Điều 17):
- Phần lợi nhuận phân chia theo nguồn vốn nhà nước đầu tư được dùng để tái đầu tư tăng vốn nhà nước tại công ty hoặc hình thành quỹ tập trung để đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước khác thuộc lĩnh vực nhà nước cần phát triển hoặc chi phối theo hướng dẫn của Chính phủ;
- Phần lợi nhuận phân chia theo nguồn vốn công ty tự huy động được trích lập quỹ đầu tư phát triển theo quy định của Chính phủ; phần còn lại do công ty tự quyết định việc phân phối vào quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi. Việc phân chia lợi nhuận sau thuế vào quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi đối với công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực độc quyền, công ty nhà nước mới thành lập được thực hiện theo quy định của Chính phủ.