Định giá thương hiệu.

Một phần của tài liệu Những điểm mới cơ bản của luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 (Trang 87 - 88)

Vấn đề định giá thương hiệu, hay rộng hơn là tài sản trí tuệ - đã bắt đầu được thế giới tính đến từ vài thập niên. Trong các lý thuyết kinh tế, quan điểm về tài sản doanh nghiệp đã có sự thay đổi căn bản. Bên cạnh những tài sản hữu hình (động sản, bất động sản...) giờ đây xuất hiện các tài sản vô hình (bao gồm các mối quan hệ của doanh nghiệp, các hợp đồng lợi thế và các sản phẩm trí tuệ - bao gồm bằng sáng chế, thương hiệu, bí quyết thương mại...). Càng ngày, vai trò của các tài sản vô hình càng quan trọng. Đối với nhiều công ty, thậm chí nhiều ngành kinh tế, tài sản vô hình gần như là toàn bộ tài sản. Ví dụ: Giá trị tài sản vô hình chiếm 98% tổng tài sản của Microsoft, 99% giá trị tài sản của Yahoo... Ngày nay, sự cạnh tranh giữa các công ty nhiều khi chính là sự cạnh tranh tạo ra nhiều giá trị vô hình hơn [51].

Ở Việt Nam, định giá thương hiệu vẫn còn là một vấn đề quá mới mẻ. Trong quá trình cổ phần hoá, chuyển đổi sở hữu, mua bán, sáp nhập... đang diễn ra ồ ạt hiện nay, nhiều DNNN có những thương hiệu tương đối có uy tín nhưng không biết tính giá trị thương hiệu như thế nào. Vinaconex (thuộc Bộ Xây dựng) là một Tổng Công ty lớn của Nhà nước đang tiến hành cổ phần hoá. Tổng tài sản của Vinaconex vào khoảng 3.600 tỉ đồng, trong đó trị

giá thương hiệu Vinaconex - theo nhiều nguồn tin khác nhau - chỉ được tính xấp xỉ 3,5 tỉ đồng - chưa bằng 1/1.000 tổng tài sản doanh nghiệp [51].

Vấn đề bức xúc này phát sinh là do trong toàn bộ hệ thống chính sách về sở hữu trí tuệ ở nước ta còn thiếu hẳn một mảng lớn quy định về cách xác định giá trị thương hiệu doanh nghiệp. Cũng như chưa có một cơ quan nào đứng ra nghiên cứu phát triển tài sản sở hữu trí tuệ. Sự thiếu hụt này sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng đối với Nhà nước - một tổn thất không "vô hình" chút nào.

Để giải quyết vấn đề định giá thương hiệu, Chính phủ phải sớm xây dựng ngay một lý thuyết phát triển và bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ, xúc tiến khẩn trương nghiên cứu các khía cạnh của việc quản lý tài sản sở hữu trí tuệ song song với bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ.

Một phần của tài liệu Những điểm mới cơ bản của luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 (Trang 87 - 88)