Về hình thức, phương pháp tuyên truyền.

Một phần của tài liệu Những điểm mới cơ bản của luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 (Trang 97 - 104)

Việc tuyên truyền pháp luật có thể thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, mỗi hình thức tuyên truyền có những đặc tính và hiệu quả khác nhau. Phổ biến, giáo dục pháp luật phải xuất phát từ đối tượng được phổ biến, xuất phát từ trình độ văn hoá và nhận thức của đối tượng được phổ biến và phải xuất phát từ điều kiện kinh tế và địa lý, hoàn cảnh thực tế để quyết định một hình thức phổ biến. Tổ chức tuyên truyền Luật DNNN có những đối tượng tuyên truyền đặc thù, do đó, nó cũng quyết định đến các hình thức, phương pháp tuyên truyền riêng biệt. Trong khuôn khổ bài luận văn này, tác giả xin nêu một số hình thức tuyên truyền có hiệu quả đối với công tác phổ biến Luật DNNN 2003 cụ thể là:

- Phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp (thường gọi là tuyên truyền miệng về pháp luật). Tuyên truyền miệng là hình thức tuyên truyền mà người nói trực tiếp nói với người nghe về nội dung mới, quan trọng của Luật DNNN. Tuyên truyền miệng là hình thức tuyên truyền linh hoạt, có thể tiến hành ở bất cứ nơi nào với số lượng người nghe bao nhiêu. Khi thực hiện việc tuyên truyền miệng, người nói có điều kiện thuận lợi để giải thích, phân tích làm sáng tỏ nội dung cần tuyên truyền. Do có được thông tin hai chiều nên người nói điều chỉnh được nội dung và phương pháp truyền đạt của mình để đạt được hiệu quả cao hơn, có thể hỏi đáp trực tiếp để đáp ứng tối đa yêu cầu của đối tượng. Để buổi tuyên truyền đạt hiệu quả cần phải tiến hành 2 bước: bước chuẩn bị và

bước tiến hành tuyên truyền. Theo đó, bước chuẩn bị cần phải tập trung vào việc nắm vững đối tượng tuyên truyền, nắm vững những vấn đề liên quan đến Luật DNNN, nắm vững những nội dung quan trọng và điểm mới của Luật DNNN, hiểu rõ ý nghĩa, bản chất pháp lý của các vấn đề được Luật DNNN điều chỉnh, sự cần thiết phải ban hành Luật DNNN, hiểu rõ đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh. Tiếp theo phải chuẩn bị đề cương đủ về nội dung, thích hợp với đối tượng, chặt chẽ về bố cục, sắc sảo về lập luận. Bước tiến hành tuyên truyền cần chú ý khâu vào đề nhằm giới thiệu vấn đề, khơi gợi nhu cầu của đối tượng, định hướng tư duy, khơi gợi tình cảm. Phần tuyên truyền nội dung là khâu chủ yếu của buổi nói. Tuỳ từng đối tượng khác nhau mà chọn phương pháp nói thích hợp, có thể dùng biện pháp khái quát, diễn giải, phân tích…Phần kết luận cần điểm lại và tóm tắt những vấn đề cơ bản đã tuyên truyền, tuỳ từng đối tượng mà nêu những vấn đề cần lưu ý đối với họ. Cuối buổi nói chuyện cần dành thời gian trả lời câu hỏi mà người nghe quan tâm, chưa hiểu rõ.

- Biên soạn và phát hành các loại tài liệu phổ biến Luật DNNN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tài liệu phổ biến Luật DNNN và các văn bản hướng dẫn thi hành vừa là một hình thức đồng thời cũng là phương tiện góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Tài liệu phổ biến Luật DNNN được thể hiện bằng ngôn ngữ do đó, bảo đảm được tính rõ ràng, chính xác, dễ hiểu nhờ đó pháp luật dễ đến với đối tượng tuyên truyền. Tài liệu phổ biến Luật DNNN đóng một vai trò rất lớn trong hoạt động phổ biến pháp luật được phát hành rộng rãi. Tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật DNNN có thể thể hiện bằng nhiều loại như: đề cương tuyên truyền, văn bản pháp luật,

sách hướng dẫn, giải thích pháp luật, sách pháp luật bỏ túi, sách hỏi đáp pháp luật DNNN, tờ rơi, tờ gấp, bản tin…

- Phổ biến nội dung Luật DNNN trên các loại hình báo chí, truyền thông đại chúng, bao gồm: sách, báo, phát thanh, truyền hình, điện ảnh… Trong các phương tiện thông tin đó thì báo, phát thanh, truyền hình là những hình thức tuyên truyền pháp luật có hiệu quả cao. Điều này xuất phát từ phương tiện truyền thông đó là tính phổ cập, thường ngày, kịp thời và rộng khắp. Việc tuyên truyền Luật DNNN có thể thông qua các chuyên trang, chuyên mục trên báo, trên đài. Các chuyên trang, chuyên mục trên báo, trên đài phát thanh và truyền hình đã được tiến hành thường xuyên và ổn định, do đó, đã có một lượng khán giả thường xuyên theo dõi và đáp ứng được nhiều đối tượng. Việc tuyên truyền qua hình thức này có thể kết hợp được nhiều yếu tố cả màu sác, âm thanh, do đó dễ dàng tác động và gây ấn tượng cho các đối tượng tuyên truyền.

- Phổ biến Luật DNNN thông qua sinh hoạt của Câu lạc bộ pháp luật. Câu lạc bộ pháp luật là một tổ chức sinh hoạt pháp lý tự nguyện có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, có tinh thần tham gia đấu tranh bảo vệ pháp luật, nhiệt tình tuyên truyền giáo dục pháp luật. Hoạt động của câu lạc bộ pháp luật mang tính chất thường kỳ theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng giữa các hội viên. Thông qua câu lạc bộ pháp luật có thể tổ chức các buổi nói chuyện, toạ đàm, hội thảo, tổ chức các hoạt động tìm hiểu Luật DNNN, tổ chức sinh hoạt chuyên đề, xây dựng các tiểu phẩm về Luật DNNN.

- Phổ biến, tuyên truyền Luật DNNN thông qua hoạt động tư vấn pháp luật. Tư vấn pháp luật là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm giúp đối tượng tư vấn

thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, luật sư góp phần tuyên truyền, phổ biến, giải thích Luật DNNN cho đối tượng tư vấn. Hoạt động tư vấn pháp luật là cầu nối giữa người xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật và những người là đối tượng của việc áp dụng pháp luật. Hoạt động tư vấn pháp luật bắt đầu từ quá trình nhận đơn và xem xét đơn cho đến việc cung cấp thông tin pháp lý, thu thập, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ, tra cứu văn bản áp dụng cho đến việc nhận định vụ việc và đưa ra giải pháp trên cơ sở yêu cầu của đối tượng. Mục đích cuối cùng của hoạt động tư vấn pháp luật là đưa ra lời khuyên cuối cùng cho đối tượng được tư vấn.

Ngoài các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên đây, chúng ta còn có thể áp dụng các hình thức phổ biến pháp luật trong nhà trường, qua việc tổ chức các hình thức thi tìm hiểu pháp luật, thông qua các loại hình văn hoá, văn nghệ đặc biệt là các loại hình sinh hoạt văn hoá truyền thống.

KẾT LUẬN

Ngày 26/11/2003 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI đã thông qua Luật Doanh nghiệp nhà nước mới với những nội dung đổi mới cơ bản so với Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995, tạo tiền đề tiến tới hình thành một khung pháp lý thống nhất, bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Luật mới được ban hành là nhằm thực hiện “Cắt phao, cởi trói, giảm tải” gắn doanh nghiệp với thị trường, xoá bao cấp, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, tạo động lực phát triển và nâng cao hiệu quả, có cơ chế trách nhiệm đủ mạnh và rõ, thực hiện tốt cơ chế dân chủ trong doanh nghiệp, có cơ chế phù hợp về kiểm tra, kiểm soát của nhà nước đối với doanh nghiệp, thực hiện chế độ quản lý công ty đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước, thực hiện chế độ trách nhiệm hữu hạn đối với doanh nghiệp nhà nước…Theo đó, Luật đã có những sửa đổi, bổ sung cơ bản những quy định trước đây trong Luật Doanh nghiệp nhà nước 1995, đó là: (i) Sửa đổi khái niệm DNNN; (ii) Đưa vào Luật các quy định đối với công ty nhà nước tương tự như các loại hình doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các công ty nhà nước chủ động hơn trong các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; (iii) Sửa đổi những quy định nhằm ngăn chặn khả năng kém hiệu quả của DNNN ngay từ khi thành lập; (iv) Nhấn mạnh các yếu tố thị trường trong cơ chế hoạt động của doanh nghiệp; (v) Quy định rõ hơn và điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc, tạo động lực mạnh bên cạnh trách nhiệm cao; (vi) Đổi mới cơ bản các quy định về tổng công ty; (vii) Sửa đổi để làm rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu và phân công, phân cấp thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với DNNN; Bổ sung một số quy định

về các biện pháp tổ chức lại; Thể chế hoá một số biện pháp, chính sách sắp xếp DNNN; Quy định rõ việc quản lý phần vốn nhà nước ở các doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ có một phần vốn. Vì vậy, có thể nói Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 là một bước phát triển quan trọng trong lịch sử xây dựng pháp luật về DNNN ở nước ta.

Tuy nhiên, do Luật DNNN 2003 là một đạo luật gốc điều chỉnh tổ chức và hoạt động của DNNN nên không thể chứa đựng những quy định chi tiết cụ thể điều chỉnh thực tiễn hoạt động đang diễn ra của DNNN. Xuất phát từ lý do đó, sau khi Luật DNNN có hiệu lực vào ngày 01 tháng 7 năm 2004, đã có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành được Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành. Do thời gian từ khi Luật ban hành và có hiệu lực đến nay là không nhiều nên vẫn còn một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa kịp ban hành để có cơ sở pháp lý giúp DNNN hoạt động hiệu quả. Chính vì vậy, tác giả mạnh dạn phân tích những điểm còn chưa rõ trong Luật DNNN2003, cũng như đề xuất một số giải pháp để triển khai hiệu quả Luật DNNN trong thực tiễn. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn những vấn đề đã nêu ra nhằm hoàn thiện pháp luật về DNNN, đảm bảo khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thị trường trong nước và quốc tế, cũng như đảm bảo DNNN luôn giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần.

Một phần của tài liệu Những điểm mới cơ bản của luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 (Trang 97 - 104)