Quy định rõ vị trí, nhiệm vụ của HĐQT và mối quan hệ với Tổng giám đốc trong hoạt động của công ty nhà nước.

Một phần của tài liệu Những điểm mới cơ bản của luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 (Trang 58 - 62)

giám đốc trong hoạt động của công ty nhà nước.

Luật DNNN 1995 chưa làm rõ được HĐQT là cơ quan quản lý của doanh nghiệp hay là đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty. Nếu là cơ quan quản lý thì chức năng, nhiệm vụ của HĐQT có phần trùng với Tổng giám đốc, nếu là cơ quan đại diện sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp thì chức năng, nhiệm vụ có phần trùng với các cơ quan đại diện sở hữu nhà nước. Trong số 11 quyền quy định tại Điều 30 Luật DNNN 1995, có 6 quyền HĐQT trình cấp trên, 2 quyền phê chuẩn trên cơ sở đề nghị của Tổng giám đốc, chỉ có 3 quyền HĐQT tự quyết định. Như vậy, HĐQT vẫn chưa có quyền chủ động với tư cách là người quản lý doanh nghiệp mà trên thực tế chỉ thụ động như một cấp trung gian giữa Tổng giám đốc và cấp trên, mọi quyền của HĐQT chỉ dừng lại ở những vấn đề bao quát chung. Quan hệ giữa HĐQT và Tổng giám đốc cũng còn không rõ ràng. Theo quy định của Luật DNNN 1995, Tổng giám

đốc vừa là thành viên HĐQT, vừa là người điều hành cao nhất trong doanh nghiệp, là đại diện pháp nhân doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật quy định HĐQT và Tổng giám đốc cùng nhận vốn nhà nước giao nhưng không tách bạch và xác định rõ được phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của HĐQT và Tổng giám đốc trong việc quản lý vốn và tài sản; chưa tách bạch rõ quan hệ quản lý, điều hành và trách nhiệm giữa người quản lý (HĐQT) và người điều hành doanh nghiệp (Tổng giám đốc). Hơn nữa, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đều do cấp quyết định thành lập doanh nghiệp bổ nhiệm, miễn nhiệm nên quan hệ quản lý và điều hành giữa các cơ quan này không rõ nên đã gây ra tình trạng Chủ tịch HĐQT can thiệp vào việc điều hành của Tổng giám đốc hoặc Tổng giám đốc lấn quyền HĐQT ở một số Tổng công ty gây ra khó khăn cho việc quản lý và điều hành doanh nghiệp.

Luật DNNN 2003 đã khắc phục hạn chế của Luật DNNN 1995 khi khẳng định HĐQT là cơ quan đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập có HĐQT, có quyền nhân danh công ty để quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc xác định và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và quyền lợi của công ty, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu phân cấp cho các cơ quan, tổ chức khác là đại diện chủ sở hữu thực hiện. HĐQT chịu trách nhiệm trước người quyết định thành lập tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập có HĐQT, người bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của tổng công ty, công ty (Điều 29). Đồng thời, Luật cũng tăng thêm các quyền cho HĐQT, bao gồm các quyền sau đây (Điều 30):

- Quyết định chiến lược, kế hoạch dài hạn, kế hoạch kinh doanh hàng năm, ngành nghề kinh doanh của công ty và của doanh nghiệp do công ty sở hữu toàn bộ vốn điều lệ;

- Quyết định hoặc phân cấp cho Tổng giám đốc quyết định: các dự án đầu tư, góp vốn, mua cổ phần của các công ty khác, bán tài sản của công ty có giá trị đến 50% tổng giá trị tài sản còn lại trên sổ kế toán của công ty hoặc tỉ lệ khác nhỏ hơn được quy định tại điều lệ công ty; các hợp đồng vay, cho vay, thuê, cho thuê và hợp đồng kinh tế khác vượt quá mức vốn điều lệ của công ty;

- Quyết định phương án tổ chức quản lý, tổ chức kinh doanh, biên chế và sử dụng bộ máy quản lý, quy chế quản lý công ty, quy hoạch, đào tạo lao động; quyết định thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện công ty; phê duyệt điều lệ của công ty TNHH nhà nước một thành viên do công ty là chủ sở hữu;

- Quyết định tuyển chọn, ký hợp đồng hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và quyết định mức lương đối với Tổng giám đốc công ty sau khi được sự chấp thuận của người quyết định thành lập công ty; tuyển chọn, ký hợp đồng hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và quyết định mức lương đối với Phó tổng giám đốc và kế toán trưởng công ty theo đề nghị của Tổng giám đốc; thông qua việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và quyết định mức lương đối với Giám đốc và kế toán trưởng các công ty thành viên và các đơn vị sự nghiệp do công ty sở hữu toàn bộ vốn điều lệ để Tổng giám đốc quyết định; tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và quyết định mức lương đối với Chủ tịch, thành viên HĐQT công ty TNHH nhà nước một thành viên do công ty nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ; quyết định cử người đại diện phần vốn góp của công ty ở doanh nghiệp khác;

- Thực hiện quyền hạn, nghĩa vụ của chủ sở hữu các công ty TNHH, công ty cổ phần mà công ty là chủ sở hữu hoặc cùng với công ty khác là đồng chủ sở hữu; quyết định tiếp nhận doanh nghiệp tự nguyện tham gia công ty thành viên của tổng công ty;

- Quyết định đầu tư và điều chỉnh vốn và các nguồn lực khác do công ty đầu tư giữa các đơn vị thành viên và công ty do mình sở hữu toàn bộ vốn điều lệ theo điều lệ của công ty đó;

- Quyết định hoặc phân cấp cho Tổng giám đốc quyết định phương án huy động vốn để hoạt động kinh doanh nhưng không làm thay đổi hình thức sở hữu;

- Thông qua báo cáo tài chính hàng năm của công ty; phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế hoặc xử lý các khoản lỗ trong quá trình kinh doanh do Tổng giám đốc đề nghị; thông qua báo cáo tài chính hàng năm của công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tổng công ty;

- Quyết định sử dụng vốn của công ty để đầu tư thành lập đơn vị thành viên do công ty sở hữu toàn bộ vốn điều lệ nhưng không vượt quá mức vốn đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của HĐQT; quyết định giải thể, chuyển đổi sở hữu đối với các đơn vị này.

Trong mối quan hệ với Tổng giám đốc, vai trò của HĐQT cũng được khẳng định với tư cách là đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. HĐQT nhận vốn, đất đai, tài nguyên do Nhà nước đầu tư, trong đó, Chủ tịch HĐQT thay mặt HĐQT ký nhận (Điều 33), chứ không phải đồng ký nhận với Tổng giám đốc như Luật DNNN 1995. Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật, điều hành hoạt động hàng ngày của công ty, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, uỷ quyền của HĐQT (điều hành hoạt động hàng ngày, quyết định các dự án đầu tư, hợp đồng mua, bán tài sản, các hợp đồng vay, cho vay, cho thuê, hợp đồng khác…). Tổng giám đốc do HĐQT quyết định tuyển chọn, ký hợp đồng hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và phải chịu trách nhiệm trước HĐQT và trước pháp luật về việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của HĐQT, nếu phát hiện vấn đề không có lợi cho công ty thì Tổng giám đốc báo cáo với HĐQT để xem xét điều chỉnh lại

nghị quyết, quyết định. HĐQT phải xem xét đề nghị của Tổng giám đốc. Trường hợp HĐQT không điều chỉnh lại nghị quyết, quyết định thì Tổng giám đốc vẫn phải thực hiện nhưng có quyền bảo lưu ý kiến và kiến nghị lên người ký quyết định thành lập công ty (Điều 42).

Một phần của tài liệu Những điểm mới cơ bản của luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 (Trang 58 - 62)