Thuê Tổng Giám đốc.

Một phần của tài liệu Những điểm mới cơ bản của luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 (Trang 83 - 85)

Trong suốt thời gian qua kể từ khi Thủ tướng ra văn bản cho phép 5 Tổng Công ty Nhà nước thí điểm thực hiện mô hình thuê Tổng Giám đốc, nhưng đến thời điểm hiện nay những việc mà 5 Tổng Công ty (bao gồm: Tổng Công ty Thiết bị kỹ thuật điện - VEEC, Viglacera, Tổng Công ty Sông Hồng, Tổng Công ty Công nghiệp Ôtô - Vinamotor và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy - Vinashin) làm được là chưa nhiều.

Một lãnh đạo cấp cao của Vinamotor cho biết : "Chưa có gì để nói đâu ông ơi. Chưa làm được đâu. Thuê giám đốc công ty con còn khó nữa là tổng giám đốc. Chúng tôi có tới hơn 40 đầu doanh nghiệp thành viên, phức tạp lắm...". Ông Trần Đình Thể - Chủ tịch HĐQT Viglacera - thì cho biết "đề án của chúng tôi đã trình cấp trên mấy lần, hiện vẫn chưa hoàn chỉnh". Ông Thể cũng nói rằng: "để "mềm hoá", chúng tôi sẽ không gọi là thuê mà là hợp đồng thí điểm giữa HĐQT và tổng giám đốc"[43]. Đối với đề án của VEEC thì đã được soản thảo nhiều lần, nhưng Bộ Công nghiệp vẫn đang yêu cầu hoàn thiện tiếp [50].

Vì vậy, đối với việc thuê Tổng Giám đốc, phần lớn các Tổng Công ty đều chưa thực hiện được. Nguyên nhân của việc khó khăn, chậm trễ trong việc thuê Tổng Giám đốc là do một số vướng mắc sau:

Vướng mắc đầu tiên là tiền lương trả cho Tổng Giám đốc được thuê. Bởi vì để thuê được người giỏi thì doanh nghiệp phải trả lương cao, cao vượt nhiều so với thang bảng lương chung hiện nay. Theo đề án của VEEC, lương Tổng Giám đốc không thấp hơn 300 triệu đồng/năm [50]. Như vậy, để trả được mức lương, thưởng này, cần phải có những thay đổi trong chính sách về tiền lương. Khi trả lương như vậy, hàng loạt những vấn đề phát sinh: Lương Tổng Giám đốc (thuê) và lương các Phó Tổng Giám đốc (không thuê) sẽ tính như thế nào để không tạo ra sự quá chênh lệch dẫn đến việc so bì; hoặc lương của thành viên HĐQT - những người đứng ra thuê Tổng Giám đốc – có thể chỉ bằng 1/10 người được thuê; Tổng Giám đốc phải có tài sản thế chấp như thế nào khi được thuê để quản lý hàng trăm tỉ, hàng nghìn tỉ đồng của Nhà nước...

Vướng thứ hai là công tác tổ chức, cán bộ. Cơ chế của chúng ta hiện nay là bộ, ngành bổ nhiệm HĐQT các tổng công ty. Đến lượt mình, HĐQT tổng công ty lại bổ nhiệm tổng giám đốc, kế toán trưởng, các phó tổng giám đốc, giám đốc các công ty thành viên... Bên cạnh đó, trong mọi trường hợp đều phải có ý kiến Đảng, đoàn thể, người lao động... Do đó khi thuê Tổng giám đốc, vấn đề đặt ra là muốn làm được việc, Tổng Giám đốc được thuê phải có bộ máy “ăn ý” của mình. Vấn đề đặt ra là Tổng Giám đốc được bổ nhiệm ai, có quyền cho ai thôi việc? Nghĩa vụ của Tổng Giám đốc liên quan đến hoạt động của tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể cùng cấp sẽ thực hiện như thế nào, đặc biệt khi Tổng Giám đốc là người nước ngoài.

Về công tác điều hành, theo quy định Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật, điều hành hoạt động hàng ngày của Tổng Công ty. Tuy nhiên, phạm vi quyền hạn của Tổng Giám đốc được Hội đồng quản trị trao cho đến mức độ nào? Những việc nào không được làm hoặc phải xin phép, chẳng hạn như vấn đề quyết định các dự án đầu tư? Tổng Giám đốc điều

hành các công ty thành viên như thế nào? Chỉ định ra chiến lược, kế hoạch hay trực tiếp điều chỉnh các đơn vị thành viên?

Vì vậy, để quy định về thuê Tổng Giám đốc có thể thực hiện hiệu quả trong thực tiễn, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết vấn đề này để tránh cho các Tổng Công ty phải tiếp tục mò mẫm như hiện nay.

Một phần của tài liệu Những điểm mới cơ bản của luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 (Trang 83 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)