Phục vụ hội nhập kinh tế và khu vực.

Một phần của tài liệu Những điểm mới cơ bản của luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 (Trang 43 - 45)

Trong xu hướng toàn cầu hoá hiện nay, việc hội nhập kinh tế quốc tế là một điều không thể bỏ qua trong quá trình phát triển của nước ta. Các thành phần kinh tế tham gia hội nhập kinh tế quốc tế phải phát huy được tiềm năng và mặt mạnh của mình. DNNN giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế, là nhân tố quan trọng để tham gia hội nhập. Để giữ được vai trò chủ đạo của DNNN trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế hiện nay, Nghị quyết Trung ương 9 khoá IX chủ trương: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao rõ rệt hiệu quả và sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp nhà nước để chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế”. Muốn thực hiện điều đó, theo tác giả, một trong những biện pháp cơ bản là phải sửa đổi Luật DNNN 1995 để hoàn thiện khung pháp lý, khẳng định vị trí, bản chất của DNNN, tạo động lực mới cho DNNN hoạt động có hiệu quả hơn trong khuôn khổ bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, phù hợp với pháp luật và những tập quán quốc tế về DNNN, có như vậy DNNN mới có thể đảm đương được nhiệm vụ của mình trong quá trình hội nhập.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào quá trình hội nhập, cụ thể đã tham gia vào các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc và các tổ chức thành viên, ASEAN, các diễn đàn quốc tế như APEC,…Chúng ta đã ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và phấn đấu cuối năm 2005 sẽ gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và các thoả thuận của tổ chức thương mại thế giới (WTO) đều có những quy định về DNNN, nên chúng ta cần phải có những cải cách về địa vị pháp

lý của DNNN để tạo ra những lộ trình phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập WTO.

Qua nghiên cứu Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và pháp luật về DNNN ở Việt Nam, tác giả nhận thấy khuôn khổ pháp luật chung về DNNN ở nước ta nhìn chung là phù hợp với yêu cầu của Hiệp định này. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, các quy định của Luật DNNN 1995 và văn bản dưới luật còn quy định các điều kiện cho phép DNNN hoạt động không theo tiêu chí thương mại, còn bảo hộ, ưu đãi đối với DNNN. Chẳng hạn, tại Điều 25 khoản 2 của Luật DNNN 1995 quy định “Chính phủ quyết định các biện pháp bảo hộ và hỗ trợ các DNNN quan trọng của nền kinh tế quốc dân”. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi Luật DNNN 1995 để đảm bảo việc hoạt động theo tiêu chí thương mại và bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Theo Điều 17 Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (GATT) quy định “Các quốc gia phải cam kết rằng nếu muốn thành lập các DNNN, cho dù đặt ở đâu, hoặc muốn trao cho bất cứ doanh nghiệp nào những ưu đãi dù là hình thức hay thực tế thì các doanh nghiệp đó trong các hoạt động mua bán hàng hoá xuất nhập khẩu phải ứng xử phù hợp với các nguyên tắc không phân biệt đối xử được thoả thuận này quy định đối với các biện pháp của Chính phủ áp dụng đối với các nhà xuất khẩu tư nhân”. Trong khi đó, các DNNN ở Việt Nam, đặc biệt các DNNN hoạt động xuất nhập khẩu, theo quy định của Luật DNNN 1995 thường được ưu đãi. Vì vậy, Luật DNNN 1995 cần phải sửa đổi phù hợp với quy định trên để tránh nguy cơ các DNNN Việt Nam bị kiện khi Việt Nam gia nhập WTO.

Hơn nữa, việc sửa đổi, bổ sung Luật DNNN 1995 theo hướng quyền và nghĩa vụ của DNNN trên thương trường là bình đẳng với các doanh nghiệp khác để tiến tới một mặt bằng về pháp lý và điều kiện kinh doanh chủ yếu cho

các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, từ đó tạo thế chủ động để DNNN đứng vững trong xu thế hội nhập hiện nay. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết Trung ương 9 khoá IX “Kiên quyết xoá bỏ các loại bảo hộ bất hợp lý…Khẩn trương xoá bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế” [2,193]

Một phần của tài liệu Những điểm mới cơ bản của luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 (Trang 43 - 45)