1.5.2.1. Lập kế hoạch tổ chức HĐGDNGLL theo từng chủ điểm hàng tuần, hàng tháng, hàng quý hoặc ngày hoạt động cao điểm trong tháng
Kế hoạch, đó là sự thống kê những công việc cụ thể cho một thời gian nhất định: một tuần, tháng, học kỳ, năm học, dịp hè. Việc xây dựng kế hoạch quản lý HĐGD NGLL là khâu quan trọng nhất, được thực hiện trước tiên cho công tác quản lý. Khi xây dựng kế hoạch, hiệu trưởng cần dựa vào các chỉ thị nhiệm vụ năm học, văn bản hướng dẫn, phân phối chương trình v.v…và căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường. Trong kế hoạch phải thể hiện rõ mục tiêu, thời gian thực hiện, người phụ trách, lực lượng tham gia, địa điểm, các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện kế hoạch. Kế hoạch HĐGD NGLL là trình tự những nội dung hoạt động, các hình thức tổ chức hoạt động được bố trí sắp xếp theo thứ tự thời gian của năm học. Trong kế hoạch cần chọn lọc các hoạt động phù hợp, xác định chủ điểm cho từng thời gian. Phải có kế hoạch và lịch hoạt động cho toàn trường và từng khối lớp, cho từng thời kỳ, tiến tới ổn định thành nề nếp thường xuyên, liên tục. Cán bộ quản lý các trường học cũng cần hướng dẫn người trực tiếp thực hiện HĐGD NGLL lập kế hoạch cá nhân, định hướng cho các hoạt động của tuần, tháng. Từ kế hoạch cá nhân, triển khai kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động (kế hoạch bài giảng), mục đích yêu cầu tăng dần, phù hợp theo từng khối lớp.
- Kế hoạch hàng ngày: Duy trì nề nếp học tập, sinh hoạt, lao động với tinh thần học hỏi chia sẻ, xây dựng văn hóa nhà trường.
- Kế hoạch tuần: Chào cờ, sinh hoạt: Nghe thời sự về tình hình kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của đất nước, của địa phương, tổ chức hoạt động thể thao, sinh hoạt của cán bộ lớp, sơ kết công tác tuần về thực hiện các nội dung của các chủ điểm trước đó.
- Kế hoạch tháng: Sinh hoạt theo chủ đề của từng tháng, gắn với những dịp kỷ niệm hoặc những ngày lễ lớn, quan trọng của đất nước. VD: tháng 11 với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”; tháng 5: “Đóa hoa dâng Bác”…..
- Kế hoạch học kỳ, năm học có tích hợp nội dung: + Chăm sóc di tích lịch sử;
+ Tổ chức các hoạt động xây dựng địa phương;
+ Xây dựng văn hóa nhà trường, truyền thống nhà trường…
1.5.2.2. Tổ chức hoạt động giáo dục đạo đức thông qua HĐGDNGLL
Tổ chức hoạt động giáo dục đạo đức thông qua HĐGDNGLL phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện của của nhà trường, của địa phương, đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Vì vậy, phương thức tổ chức hoạt động phải rất linh hoạt, cần điều chỉnh và thay đổi nội dung và hình thức hoạt động sao cho thích hợp được với học sinh, với giáo viên và phù hợp với điều kiện cho phép. Phải đa dạng hóa các hình thức hoạt động GDNGLL, khắc phục tính đơn điệu, lặp đi lặp lại một vài hình thức đã quá quen thuộc với học sinh và gây ra sự nhàm chán, tẻ nhạt đối với các em. Công tác tổ chức giáo dục đạo đức thông qua HĐGDNGLL bao gồm:
- Thành lập ban chỉ đạo tổ chức hoạt động. Trong đó gồm có: + Hiệu trưởng
+ Phó Hiệu trưởng
Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo:
• Ban chỉ đạo HĐGDNGLL có nhiệm vụ giúp hiệu trưởng xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm và chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch đó.
• Tổ chức những hoạt động lớn, qui mô trường và thực hiện sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Đoàn và các lực lượng giáo dục khác ngoài nhà trường. Tổ chức hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm lớp, Đoàn thanh niên của lớp tiến hành hoạt động ở đơn vị mình có hiệu quả.
• Giúp hiệu trưởng kiểm tra, đánh giá các hoạt động.
- Tổ chức các lực lượng theo dõi, giám sát các hoạt động xen kẽ trong chương trình học tập trên lớp: theo cơ chế trực tuần, trực nhật; cơ chế giám thị, cơ chế tự quản của các tổ chức học sinh; theo hệ thống chủ nhiệm lớp và các giáo viên chuyên trách; đội cờ đỏ, bảo vệ trường; lập bảng theo dõi thi đua.
- Xây dựng cơ chế phối hợp với chính quyền, Đoàn thanh niên ở địa phương để thực hiện nội dung giáo dục đạo đức cho HS và tạo mối quan hệ gắn kết với địa phương và huy động tiềm lực của địa phương trong công tác tổ chức giáo dục đạo đức thông qua HĐGDNGLL.
- Phối hợp với Đoàn thanh niên ở địa phương, chính quyền, các tổ chức xã hội thực hiện chăm sóc các di tích lịchsử, các công trình công cộng, xây dựng môi trường sư phạm nhà trường xanh, sạch đẹp.
1.5.2.3. Chỉ đạo hoạt động giáo dục đạo đức thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp
- Chỉ đạo tổ chức các hoạt động hàng ngày của các khối lớp về việc thực hiện nề nếp dạy học, giáo dục, phát huy truyền thống nhà trường, xây dựng và giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp.
- Chỉ đạo các khối lớp hoạt động theo chủ điểm, chủ đề hoạt động có tích hợp nội dung xây dựng trường học thân thiện thực hiện chủ điểm hoạt động trong các tháng của năm học và thời gian hè. Các trường lựa chọn mỗi tháng thực hiện 1 đến 2 hoạt động đảm bảo các chủ điểm hoạt động với 2 tiết/ tháng. Có thể lồng ghép một số nội dung giáo dục đạo đức thông qua HĐGDNGLL như:
+ Giáo dục về quyền trẻ em;
+ Giáo dục phòng chống HIV/AIDDS, ma túy và các tệ nạn xã hội; + Giáo dục môi trường;
+ Giáo dục trật tự an toàn giao thông;
+ Những hoạt động hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
+ Những hoạt động giáo dục phục vụ nhiệm vụ chính trị xã hội của địa phương, đất nước.
1.5.2.4. Kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch, tổ chức giáo dục đạo đức thông qua HĐGDNGLL
Trong hoạt động quản lý, kiểm tra là một chức năng rất quan trọng, giúp chủ thể quản lý có thông tin phản hồi từ đối tượng quản lý, nắm được diễn tiến công việc trong tổ chức, từ đó có những tác động quản lý thích hợp. Việc kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch và kết quả giáo dục đạo đức thông qua HĐGD NGLL phải thường xuyên hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Việc kiểm tra đánh giá phải dựa trên chương trình, kế hoạch đã định, phải có tiêu chí, chuẩn mực cụ thể cho từng loại hoạt động, có thể định tính, định lượng được hoặc được sự thừa nhận của tập thể, của xã hội trong những điều kiện cụ thể. Đồng thời công tác kiểm tra, đánh giá phải tiến hành kết hợp với sơ kết, tổng kết thi đua và
rút bài học kinh nghiệm để các hoạt động giáo dục đạo đức sau được tốt hơn, hiệu quả hơn, học sinh hứng thú tham gia hơn. Nếu có điều kiện, nên tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi hoạt động, kể cả hoạt động của lớp và hoạt động của toàn trường để những lần tiếp theo tổ chức tốt hơn, thành công hơn.
- Kiểm tra thường xuyên hàng ngày, hàng giờ về việc thực hiện nề nếp, nội dung HĐGDNGLL và nội dung của phong trào xây dựng trường học thân thiện.
- Kiểm tra số lượng và chất lượng HĐGDNGLL và số lượng, chất lượng thực hiện nội dung phong trào xây dựng trường học thân thiện.
- Kiểm tra, đánh giá tiến hành kết hợp với sơ kết, tổng kết thi đua và rút ra bài học kinh nghiệm.