Trước khi có Nghị định 87/CP của Chính phủ, các dịch vụ văn hóa ở tỉnh Đồng Nai phát triển không nhiều, phần lớn tập trung vào loại hình dịch vụ karaokê, khiêu vũ. Mỗi điểm hát karaokê chỉ có 01 phòng, không cách âm, không có phòng máy lạnh, cũng không có nhân viên nữ phục vụ. Lúc bấy giờ, nhu cầu hát karaokê chưa phổ biến nhiều và cũng không biến tướng như hiện nay. Còn hoạt động khiêu vũ thì rất trong sáng với những giai điệu trẻ trung, cổ điển, người đến khiêu vũ đủ thành phần và đủ mọi lứa tuổi. Đối với băng hình (chưa có đĩa hình) do Cty Phát hành phim (doanh nghiệp nhà nước) độc quyền phát hành và quản lý ở hệ thống các cửa hàng cho thuê, tình trạng in sang băng, nhân bản cũng ít xảy ra.
Từ khi có Nghị định 87/CP của Chính phủ cho đến nay, các hoạt động dịch vụ văn hóa do ngành văn hóa thông tin cấp giấy chứng nhận như: karaokê, khiêu vũ, băng đĩa hình được quản lý chặt chẽ, đa số các chủ kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn đã có ý thức chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, nhằm cạnh tranh và thu lợi nhuận cao, một số trường hợp đã không
ngần ngại lách luật hoặc bỏ qua các quy định của Nhà nước để tìm mọi cách kiếm lời. Những chủ kinh doanh này đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng kiểm tra chuyên ngành và Đội Kiểm tra liên ngành 814. Trước diễn biến ngày càng phức tạp của các hoạt động kinh doanh băng đĩa hình, karaokê, sách báo – văn hóa phẩm, dịch vụ internet, cà phê vidéo … Sở Văn hóa thông tin đã chỉ đạo thanh tra chuyên ngành phối hợp với Đội Kiểm tra liên ngành ở cấp tỉnh tăng cường hoạt động quản lý, kiểm tra các hoạt động dịch vụ văn hóa trên địa bàn; phát hành nhiều văn bản chỉ đạo Phòng Văn hóa – Thông tin – Thể thao các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quản lý chặt chẽ.
Như vậy, cùng với các cơ sở công lập, hệ thống dịch vụ văn hóa do tư nhân đầu tư đã phát triển nhanh trên nhiều địa bàn, khu vực, góp phần phục vụ và nâng cao đời sống tinh thần, hưởng thụ văn hóa của cư dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, đa dạng, phong phú của các loại hình dịch vụ văn hóa, cũng có xảy ra những biểu hiện tiêu cực, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, tác động đến nhận thức, lối sống của một bộ phận cư dân. Thậm chí, một số trường hợp kinh doanh dịch vụ văn hóa đã biến tướng, trở thành tụ điểm chứa chấp tệ nạn xã hội, làm mất an ninh trật tự, gây hậu quả xấu và ảnh hưởng đến môi trường văn hóa của cộng đồng dân cư. Vì vậy cần phải tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ văn hóa ở tỉnh Đồng Nai, chấn chỉnh, quy hoạch các hoạt động dịch vụ văn hóa, dịch vụ kinh doanh nhạy cảm có liên quan đến tệ nạn xã hội, nhằm ổn định trật tự xã hội, góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa của tỉnh.
Kinh tế ngày càng phát triển đã tác động đến nhu cầu hưởng thụ về đời sống tinh thần của người dân cũng ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, đời sống xã hội trong thời buổi kinh tế thị trường cũng chứa đựng nhiều sự phức tạp, xu hướng chạy theo giá trị đồng tiền và lối sống thực dụng, đua đòi trong một bộ phận công chúng đã trở thành mảnh đất tốt cho tệ nạn xã hội nảy sinh
và phát triển.
Cùng với một số địa phương khác, ở tỉnh Đồng Nai cũng đã phát sinh hiện tượng sử dụng thuốc lắc ở vũ trường (Câu lạc bộ Sông Phố – thành phố Biên Hòa); hiện tượng thoát y, múa lửa ở một số điểm karaokê; hình ảnh đồi trụy, bạo lực trong những trang web ở một số điểm dịch vụ internet; hiện tượng băng – đĩa hình có nội dung thiếu lành mạnh được nhân bản trái phép và tán phát dưới nhiều hình thức … Điều đó, cho thấy công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng tuy có năng nỗ, tích cực, nhưng cũng khó có thể bao quát và kiểm soát toàn bộ địa bàn. Chính vì vậy một số trường hợp kinh doanh hám lợi, đã lợi dụng sự sơ hỡ của cơ quan chức năng để thực hiện những việc làm, hoạt động trái với truyền thống đạo đức và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Số đông các khu phố, xóm, ấp được công nhận khu phố, ấp văn hóa thì hiện tượng hoạt động mại dâm, ma túy được đẩy lùi, các hang ổ mua bán, tiêm chích được cộng đồng dân cư phát hiện thông qua vai trò tự quản và được cơ quan chức năng triệt phá. Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nạn mua bán và sử dụng ma túy vẫn chưa giảm, có những vùng và khu vực hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp và tinh vi hơn.
Thực trạng hoạt động với những mặt trái của dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh, cần có biện pháp mạnh hơn ở từng địa bàn dân cư, đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở. Không thể giao khoán công tác quản lý dịch vụ văn hóa cho riêng ngành văn hóa hoặc các đội kiểm tra, tổ kiểm tra liên ngành, mà phải do chính quyền địa phương và cơ sở tăng cường chỉ đạo, quản lý, không để tình trạng kinh doanh trái phép xảy ra và tệ nạn xã hội phát sinh trên địa bàn.
Một vấn đề cần được quan tâm, đó là trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục các thành viên trong gia đình mình chấp hành luật pháp, các quy định, thực hiện các chuẩn mực trong xã hội. Chính sự lơi lỏng trong việc giáo dục con em của mỗi gia đình, trong đó có những gia đình có mức thu nhập
cao, đã dẫn đến lối sống phô trương, đua đòi, thích ăn chơi, hưởng lạc của một bộ phận thanh – thiếu niên. Biểu hiện rõ nhất ở những trường hợp này là tham gia vào các hoạt động đua xe, gây rối trật tự công cộng, sử dụng thuốc lắc, ma túy, bài bạc, cá độ, kể cả thực hiện các hành vi trộm, cướp … Những mặt yếu kém này trong đời sống xã hội đã và đang làm tổn hại đến truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Giải quyết bài toán nan giải này không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành văn hóa thông tin, mà phải có sự hợp tác, hợp lực của nhiều ngành, nhiều tổ chức mới có thể giải quyết được. Xây dựng lối sống văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, văn minh không thể tách rời với công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ học vấn, trình độ văn hóa, trình độ nhận thức trong cộng đồng dân cư.