Triển khai các văn bản pháp quy, thẩm định cơ sở hoạt động

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ khách sạn du lịch Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ văn hóa ở tỉnh Đồng Nai. (Trang 52 - 58)

Trên thực tế, trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa. Chính quyền và các cơ quan chức năng đã tổ chức triển khai các văn bản pháp quy của Nhà nước:

- Nghị định số 55/2001/NĐ–CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet.

- Quyết định số 47/2004/QĐ–BVHTT ngày 02/7/2004 của Bộ Văn hóa thông tin về việc ban hành quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

- Chỉ thị 17/2005/CT–TTg ngày 02/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaokê, vũ trường.

- Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT/BCVT–VHTT–CA–KHĐT ngày 14/7/2005 của Bộ Bưu chính viễn thông, Bộ Văn hóa thông tin, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch đầu tư về quản lý đại lý internet.

- Nghị định 11/2006/NĐ–CP ngày 18/01/2006 của Chính phủ về việc ban hành quy chế hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.

- Thông tư 54/2006/TT–BVHTT ngày 24/5/2006 của Bộ Văn hóa thông tin về việc hướng dẫn quản lý quy hoạch nhà hàng karaokê, vũ trường.

- Thông tư 47/2006/TT–BTC ngày 31/5/2006 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2005/NĐ–CP ngày 06/10/2005 của Chính phủ quy định về biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính.

- Nghị định số 56/2006/NĐ–CP ngày 06/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin.

- Thông tư 03/2006/TTLT/BCVT ngày 29/6/2006 của Bộ Bưu chính viễn thông sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 05/2004/TT/BCVT ngày 16/12/2004 về việc hướng dẫn một số điều về xử lý vi phạm hành chính và khiếu nại, tố cáo quy định tại Chương 4 Nghị định số 55/2001/NĐ–CP của Chính phủ về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet.

- Thông tư số 69/2006/TT–BVHTT ngày 28/8/2006 của Bộ Văn hóa thông tin, hướng dẫn thực hiện một số quy định về kinh doanh vũ trường, karaokê, trò chơi điện tử quy định tại quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn

hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định 11/2006/NĐ–CP.

Quá trình triển khai và thực hiện các chính sách của Nhà nước về hoạt động dịch vụ văn hóa, số đông các tổ chức và cá nhân có chấp hành theo quy định. Tuy nhiên, cũng còn nhiều trường hợp thực hiện thiếu nghiêm túc. Một khi thu nhập xã hội tăng lên, một số trường hợp chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, vì chạy theo đồng tiền, đã có những biểu hiện tiêu cực trong kinh doanh, tổ chức hoạt động trá hình, biến tướng, gây tổn hại đến thuần phong mỹ tục, dư luận xã hội bất bình. Nguyên nhân của những hạn chế là do công tác quản lý còn bất cập cả trong định hướng phát triển, quy hoạch và chỉ đạo thực hiện ở từng địa phương. Quản lý Nhà nước vừa gò bó, vừa buông lỏng; các điều kiện hoạt động theo quy định chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp. Thực tế này, đòi hỏi cần thiết được hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy Nhà nước nhằm lập lại trật tự xã hội.

Chẳng hạn chỉ riêng ở loại hình hoạt động vũ trường, karaokê cũng đã nổi lên một số nội dung mới như: trong Nghị định 11 của Chính phủ quy định tổ chức hoạt động phải có ý kiến đồng ý của 02 hộ liền kề; cơ sở karaokê không chỉ cách trường học mà còn phải cách bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử – văn hóa và cơ quan hành chính Nhà nước từ 200m trở lên; mỗi phòng karaokê chỉ sử dụng 01 nhân viên phục vụ … Do quy định còn quá chung chung, nên quá trình triển khai tại địa phương rất khó thực hiện hoặc không thể áp dụng cho phù hợp. Đã có không ít những ý kiến phản hồi của người dân về quy định này nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa trả lời.

Qua thống kê trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khá nhiều các nhà hàng karaokê, vũ trường không đảm bảo khoảng cách 200m theo quy định. Ngành công an các huyện cũng đã thu hồi giấy an ninh trật tự vì các cơ sở này nằm trong "vùng cấm".

Trên thực tế, có một số trường hợp cơ sở kinh doanh karaokê, vũ trường đã có thời gian hoạt động trước khi các cơ quan có thẩm quyền xây dựng

trường học, xây dựng trụ sở cơ quan, bệnh viện … Nhiều ý kiến của chủ cơ sở bức xúc, vì trên thực tế họ đã vay vốn đầu tư hàng tỷ đồng, nay nếu không được kinh doanh thì sẽ bị phá sản (chẳng hạn vũ trường Câu lạc bộ Sông phố ở thành phố Biên Hòa). Đây là vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu, xem xét để có những điều chỉnh, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân. Trước mắt, Nghị định của Chính phủ đã ban hành thì phải chấp hành, ngành văn hóa thông tin và các cơ quan chức năng khác của tỉnh cũng khó có thể làm gì khác được, chỉ có thể kiến nghị với cấp trên mà thôi (Bộ Văn hóa thông tin, Chính phủ).

Việc thẩm định để xác định khoảng cách 200m cũng là vấn đề cần phải bàn. Nhiều trường hợp chủ cơ sở kinh doanh làm đơn xin cứu xét để thẩm định lại khoảng cách 200m. Bởi vì, khoảng cách 200m là tính từ phòng hát, sàn nhảy hay là tính từ cổng cơ sở hoạt động … Hoặc là đối với các cơ sở kinh doanh karaokê, vũ trường, khi xác định khoảng cách chỉ thiếu có 0,5 hoặc 01m thì phải giải quyết ra sao? Việc này, theo kiến nghị của Thanh tra Sở Văn hóa thông tin, nếu chủ cơ sở trong quá trình hoạt động đảm bảo các quy định, không có đơn thư phản ảnh của nhân dân, thì có thể xem xét tiếp tục gia hạn (tuy nhiên, chỉ mới dừng lại ở kiến nghị).

Rồi cũng có những ý kiến thắc mắc khác thắc mắc về địa điểm kinh doanh, các khái niệm "trường học, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng" cũng chưa thật rõ. Bởi vì, "trường học" quy định trong Nghị định 11 cũng không thấy hướng dẫn đó là trường học nghề hay trường học chữ? Cho nên có quan niệm cho rằng khái niệm "trường học" là chỉ là trường dạy chữ (Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông …) vậy các trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề, trường văn hóa nghệ thuật … có nằm trong quy định cấm hay không? Khái niệm "cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng" cũng vậy, có ý kiến cho rằng đó là những ngôi chùa, nhà thờ, thánh thất, giáo xứ. Vậy còn đình, miếu, am … thì có nằm trong quy định cấm hay không?

Cũng có nhiều văn bản Nhà nước điều chỉnh quy định phòng hát karaokê, chẳng hạn:

. Nghị định 87 – 88/CP là 14m2.

. Thông tư 35/2002/TT–BVHTT quy định phòng karaokê phải có diện tích 20m2 kể cả công trình phụ.

. Nghị định 11/2006/NĐ–CP quy định phòng hát karaokê phải có diện tích 20m2 không kể công trình phụ.

Với những lần điều chỉnh quy định về diện tích phòng karaokê như thế đã làm cho không ít chủ cơ sở điêu đứng, vì nếu muốn tiếp tục hoạt động thì phải sửa chữa lại phòng hát, rất tốn kém. Trên thực tế, quy định này không mang lại hiệu quả gì cho việc ngăn ngừa các tệ nạn xã hội trong phòng hát karaokê mà chỉ gây phiền phức thêm cho người kinh doanh. Điều cần quan tâm là ý thức của người chủ kinh doanh trong việc tổ chức hoạt động, lương tâm đạo đức của người hành nghề, công tác tuyên truyền giáo dục ở địa bàn dân cư thì mới có thể tác động để làm lành mạnh hóa môi trường hoạt động karaokê.

Cũng theo nội dung Nghị định 11 của Chính phủ, thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh karaokê cũng phải được sự đồng ý của các hộ dân liền kề. Tuy nhiên, nếu các hộ dân liền kề, hoặc chỉ 01 hộ liền kề không đồng ý thì phải giải quyết ra sao? Chế định nào để giải quyết vấn đề này. Tương tự, đối với các phòng hát karaokê có diện tích 18, 19m2 thì có cần phải sửa chữa hay không?

Mặt khác, Điều 42 của Nghị định 11 có quy định: "Các cơ sở kinh doanh các dịch vụ khác và tổ chức, cá nhân có tổ chức hoạt động karaokê tại nơi công cộng nhưng không kinh doanh thì không phải xin giấy phép". Với quy định như thế, cũng đã xuất hiện nhiều hộ kinh doanh lợi dụng để lẫn tránh sự kiểm soát. Có trường hợp chủ cơ sở bị rút giấy phép hoạt động karaokê, đã tháo gỡ biển hiệu karaokê, lập thủ tục đăng ký kinh doanh, được cấp giấy phép, trưng bày biển hiệu ăn uống, giải khát lên. Khi ghi hóa đơn, thì tính tiền

tăng giá các món ăn, uống, không ghi giá tiền hát karaokê, thế nhưng thực chất vẫn là ăn uống và hát karaokê như trước đó. Các đoàn thanh tra, kiểm tra biết rất rõ thủ đoạn này nhưng xử lý cũng không đơn giản, bởi vì danh chính ngôn thuận là họ không kinh doanh karaokê …

Cũng theo Nghị định 11 quy định "không được bán rượu, hoặc không để cho khách uống rượu trong phòng hát karaokê" (Điều 40). Thế nhưng tại một nghị định khác của Chính phủ, chẳng hạn Nghị định 56 thì quy định mức phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền đối với một trong các hành vi cho người say rượu, bia vào vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, phòng karaokê. Điều này cũng khó, bởi vì xác định như thế nào là hành vi say rượu, bia? Kiểm tra ra sao? hoặc nếu khách đã chấp nhận hình phạt rồi thì có được tiếp tục khiêu vũ hay hát karaokê không? Như vậy, 02 Nghị định này đều là của Chính phủ, ban hành cách nhau không xa, thế nhưng đã cho thấy sự thiếu đồng bộ, nên khi áp dụng đã gặp không ít khó khăn.

Với thực trạng quản lý hoạt động dịch vụ văn hóa rất khó khăn và phức tạp; trước những bất cập trong chính sách và ý kiến của dư luận phản ảnh, ngày 28/8/2006, Bộ Văn hóa thông tin đã ban hành Thông tư 69/2006/TT– BVHTT hướng dẫn thực hiện một số quy định về kinh doanh vũ trường, karaokê, trò chơi điện tử quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định 11/2006/NĐ– CP. Trên cơ sở đó, một số điều còn gây thắc mắc đã được hướng dẫn và giải quyết chi tiết, cụ thể hơn. Chẳng hạn:

. Khoảng cách từ 200m trở lên chỉ áp dụng trong các trường hợp cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, cơ quan hành chính đã có trước đó, chủ địa điểm kinh doanh, đăng ký kinh doanh hoặc xin giấy phép kinh doanh sau này.

sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề. Vấn đề này được hiểu và thực hiện: hộ liền kề có quyền đồng ý cho người kinh doanh karaokê trong trường hợp hộ liền kề đã ở từ trước, người kinh doanh xin giấy phép kinh doanh sau. Trong trường hợp người kinh doanh đã được cấp giấy kinh doanh trước, hộ liền kề đến ở sau đó thì không có quyền có ý kiến (quy định tại Khoản 4, Điều 38 của Quy chế). (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Các đối tượng sau đây phải ngừng kinh doanh kể từ ngày thông tư có hiệu lực: các phòng karaokê có diện tích từ 14 m2 đến 20m2 trong các cơ sở lưu trú du lịch từ 01 sao trở lên đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước ngày Nghị định 11/2006/NĐ–CP có hiệu lực. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đã được cấp giấy phép đầu tư, kinh doanh vũ trường, karaokê, trò chơi điện tử thì thời hạn kinh doanh và địa điểm kinh doanh thực hiện theo quy định tại giấy phép đã được cấp.

Với những hướng dẫn và quy định cụ thể trong Thông tư 69 của Bộ Văn hóa thông tin, đã giải quyết được một số ý kiến thắc mắc của người dân, thuận lợi hơn trong công tác kiểm tra, quản lý.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ khách sạn du lịch Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ văn hóa ở tỉnh Đồng Nai. (Trang 52 - 58)