Giáo dục – Đào tạo: hệ thống giáo dục ở tỉnh tương đối hoàn chỉnh với
trên 600 trường, lớp từ giáo dục Mầm non, giáo dục Phổ thông, Bổ túc văn hóa, các trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các trường Cao đẳng
và Đại học. Hệ thống giáo dục đã phát triển khá ổn định, phân bổ ở khắp mọi nơi từ thành phố, thị trấn đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng núi, vùng định cư của đồng bào dân tộc. Quy mô hệ thống trường lớp từng bước được mở rộng và đa dạng với nhiều loại hình: công lập, bán công, dân lập, đáp ứng cơ bản nhu cầu về học tập, nâng cao dân trí của nhân dân.
Về y tế: có 05 bệnh viện đa khoa tỉnh và khu vực, 04 bệnh viện chuyên
khoa, 06 bệnh viện huyện, 05 trung tâm y tế và trạm kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm, 13 phòng khám khu vực. Đến nay, 100% xã phường trong tỉnh đều có trạm y tế và có bác sĩ công tác. Số giường bệnh ở 03 tuyến toàn tỉnh là 3.460 giường (tăng 1,14 lần so năm 1985). Tỉnh đang triển khai xây dựng mới bệnh viện đa khoa, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám – chữa bệnh của người dân.
Về lao động: cơ cấu lao động lành nghề có sự chuyển dịch nhanh trong
những năm gần đây theo hướng giảm dần lao động khu vực 1 (nông – lâm – thủy sản), tăng nhanh lao động khu vực 2 (công nghiệp – xây dựng) và khu vực 3 (dịch vụ). Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh Đồng Nai phát triển nhanh, đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn. Đến năm 2004, có hơn 85.000 lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên, gấp 38 lần so năm 1975. Lực lượng lao động ngoài quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, toàn tỉnh có trên 2.400 doanh nghiệp với gần 350.000 lao động.
Vấn đề giải quyết việc làm: đến cuối năm 2005, toàn tỉnh có khoảng
1.224.000 người đang làm việc ở các lĩnh vực kinh tế – xã hội, trong đó khu vực nhà nước trên 100.000 người, khu vực đầu tư nước ngoài trên 250.000 người, khu vực dân doanh khoảng 725.000 người. Tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị đã giảm từ 4,8% năm 2000 xuống dưới 3% năm 2005. Lao động nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ở mức dưới 50% trên tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế.
Về đào tạo nghề: có 66 cơ sở với 08 trường dạy nghề, 11 trung tâm dạy
nghề và 47 cơ sở dạy nghề. Trong 10 năm qua đã đào tạo nghề được trên 326.000 lao động. Trong 05 năm gần đây, số lượng lao động được dạy nghề tăng nhanh, bình quân mỗi năm đào tạo được khoảng 48.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo là 32%.
Công tác xóa đói giảm nghèo: sau 12 năm thực hiện, toàn tỉnh đã đưa
được gần 100.000 hộ thoát khỏi đói nghèo theo chuẩn mực của từng giai đoạn. Đến cuối 2005, còn 3.795 hộ nghèo, tỷ lệ 0,89%. Chương trình xóa đói giảm nghèo đã góp phần làm giảm phần lớn số hộ nghèo, thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định cuộc sống của nhân dân, được sự ủng hộ đáng kể của các tổ chức kinh tế - xã hội cả trong và ngoài nước, củng cố niềm tin của quần chúng.