Là một trung tâm văn hóa lớn của cả nước và khu vực, thời gian qua thành phố đã tăng cường công tác quản lý các loại hình dịch vụ văn hóa. Trong giai đoạn đầu, diễn ra theo hướng tự phát lẫn hướng có sự chỉ đạo, quản lý, điều tiết của cơ quan quản lý Nhà nước. Hoạt động của các thiết chế văn hóa tại thành phố đã phủ kín địa bàn (07 nhà văn hóa cấp thành phố, 22 trung tâm văn hóa quận, huyện, 25 nhà văn hóa khu vực, 18 trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên, hàng trăm tụ điểm văn hóa ở phường, xã, 113 công viên, trong đó có những công viên văn hóa lớn …), không dựa hẳn vào nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, mà chủ yếu là sự năng động, huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia hoạt động. Với những hình thức như liên doanh, liên kết, hợp tác, vận động tài trợ, có nhiều công trình được xây dựng
với số vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng như Đầm Sen, Suối Tiên, Sài Gòn Water Park, Việt Nam Water World, Sài Gòn Wonder Land … Thành phố cũng đã mạnh dạn tiến hành sắp xếp, chuyển đổi công năng, tổ chức hợp tác khai thác, đã phát huy được hiệu quả hoạt động các rạp hát, rạp chiếu phim. Ở lĩnh vực điện ảnh, băng từ, có 08 hãng phim hợp tác với 12 nhóm làm phim tư nhân, 11 trung tâm băng nhạc có vốn góp của tư nhân, 2.745 cửa hàng đại lý cho thuê băng hình do tư nhân tự bỏ vốn kinh doanh. Về vũ trường, hoạt động lại càng diễn ra sôi động với 22 vũ trường, phần lớn do ngành du lịch liên doanh, liên kết với nước ngoài khai thác, 25 câu lạc bộ khiêu vũ ở các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, trên 500 dịch vụ karaôkê có số vốn đầu tư trang bị kỹ thuật không dưới vài trăm triệu đồng. Ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, ngoài các đoàn nghệ thuật của nhà nước, còn có 10 đoàn nghệ thuật dân lập do các nghệ nhân, nghệ sĩ đứng ra tổ chức hoạt động (Phù Sa, Trống Đồng, Phù Đổng, Sân khấu 5B, Sân khấu hài, Sân khấu Idecaf, Nhóm múa Hòa Bình, Rex, Vũ đoàn Kim Quy …).