Việc thể chế hóa các văn bản pháp quy và thủ tục cấp giấy phép đối với các hoạt động dịch vụ văn hóa là yêu cầu hết sức quan trọng cần được quan tâm.
Thời gian qua, hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm các quy định quản lý của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Văn hóa thông tin. Chính từ đây, đã làm nảy sinh nhiều tư tưởng về tệ nạn xã hội. Thậm chí có những điểm nóng kéo dài, tồn tại trong một thời gian khá lâu nhưng chưa được kịp thời xử lý, giải quyết dứt điểm. Thực trạng này có những nguyên nhân: một mặt, do chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác quản lý từ các cơ quan chức năng cho đến xã, phường, thị trấn, khu phố. Ở một số trường hợp, chính quyền địa phương tuy biết nhưng xử lý chưa nghiêm; mặt khác, một số cơ sở dịch vụ văn hóa lại được "bảo kê" hoặc dựa vào thế lực của những người có chức vụ, tồn tại hoạt động nhiều năm liền, kể cả thách thức luật pháp, nhưng chưa được kịp thời giải quyết.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ văn bản, quy định của Nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa tồn tại trong một thời gian dài, chưa được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Một số các quy định, điều kiện không còn phù hợp với tình hình nhưng chưa được điều chỉnh. Chính vì vậy, mỗi ngành, mỗi địa phương triển khai áp dụng khác nhau, không thống nhất, tác động ảnh hưởng đến kết quả thực hiện. Vì vậy việc thể chế hóa các văn bản pháp quy Nhà nước và thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ văn hóa cần được quan tâm theo hướng:
Trên cơ sở các văn bản pháp quy Nhà nước và ngành dọc cấp trên về các điều khoản quy định các hoạt động dịch vụ văn hóa để vận dụng và cụ thể hóa vào tình hình, đặc điểm, điều kiện, nhu cầu thị hiếu của nhân dân tỉnh Đồng Nai trong hiện tại và dự báo tương lai. Từ đó, cơ quan chức năng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án quy hoạch phát triển toàn diện các loại hình
dịch vụ văn hóa trên địa bàn mang tính ổn định, lâu dài. Trong đề án quy hoạch, cần đặc biệt quan tâm đến một số loại hình hoạt động dịch vụ văn hóa nhạy cảm, nhất là hoạt động karaokê, vũ trường.
Nghiên cứu, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Trung ương Đảng, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, xây dựng kế hoạch của UBND tỉnh, kế hoạch của UBND các huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh theo điều kiện cụ thể và nhu cầu hưởng thụ khách quan của người dân. Thông qua đó, xây dựng quy chế phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể, các địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động dịch vụ văn hóa theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Khi đề ra các tiêu chí về kinh doanh dịch vụ văn hóa, nhất thiết cần gắn với những nội dung, quy ước thực hiện nếp sống văn hóa trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", gắn với các tiêu chí của chương trình xây dựng phường văn hóa, khu phố, ấp văn hóa, gia đình văn hóa. Thực hiện điều này cũng nhằm để tăng cường sự giám sát của nhân dân ở khu dân cư đối với các loại hình hoạt động dịch vụ văn hóa tại khu vực, địa bàn. Bên cạnh, thường xuyên giáo dục ý thức làm chủ của người dân và gia đình trong phong trào phòng chống tệ nạn xã hội, thực hiện 04 giảm "tệ nạn xã hội, tội phạm, ma túy, mại dâm".
Mặt khác, đối với người chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa cũng phải làm cam kết với chính quyền địa phương về việc chấp hành nghiêm túc các quy định trong hoạt động kinh doanh, phải đảm bảo lành mạnh, không trái với thuần phong, mỹ tục, tập quán của dân tộc. Chính quá trình thực hiện như thế sẽ xây dựng được mối quan hệ ứng xử giữa chủ cơ sở kinh doanh và người dân trên địa bàn, tạo sự đồng cảm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, vừa đảm bảo thu nhập của chủ cơ sở kinh doanh, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân và giữ gìn an ninh trật tự.
với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Để mở rộng và phát huy dân chủ, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích chung của toàn xã hội, nên tổ chức định kỳ sinh hoạt với các cơ sở hoạt động dịch vụ văn hóa. Tại các kỳ sinh hoạt này, nội dung cần nêu lên những mặt tích cực, chỉ rõ những mặt chưa tốt để sửa chữa, khắc phục; có chế độ khen thưởng đối với những cơ sở chấp hành nghiêm túc các quy định, gương mẫu trong hoạt động kinh doanh, có nhiều đóng góp cho xã hội; đồng thời phê bình, nhắc nhở, đóng góp ý kiến với những cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa chấp hành chưa đầy đủ những quy định hoặc vi phạm làm ảnh hưởng đến nếp sống văn minh – văn hóa của cộng đồng dân cư.
Trách nhiệm của các cơ quan chức năng cấp tỉnh cần ban hành những quy định cụ thể và xây dựng kế hoạch hướng dẫn triển khai, tổ chức thực hiện. Đối với các cơ quan chức năng cấp huyện, chủ yếu tập trung cho công tác tuyên truyền, giáo dục, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn chính quyền cơ sở thực hiện, kiểm tra và xử lý đối với những trường hợp cố tình vi phạm.
Việc xây dựng các dự án luật, ban hành chính sách cần kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, ở cơ sở. Hết sức tránh các điều khoản mang tính chung chung, vừa khó triển khai hoặc khi triển khai sẽ gặp nhiều bất cập cho cấp thừa hành, thậm chí trong một số trường hợp có thể dẫn đến sự lợi dụng. Trước khi ban hành chính sách, bản dự thảo nên công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết và tham gia đóng góp ý kiến, giám sát việc thực hiện. Việc quyết định các chủ trương, chính sách cần được sự đồng tình của đông đảo quần chúng nhân dân.
Về thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép và gia hạn giấy phép hoạt động dịch vụ văn hóa cần được cải cách nhanh, gọn, giảm thiểu thời gian chờ đợi, đi lại, phù hợp với tình hình thực tế. Thông thường theo quy định, thời gian thực hiện giấy phép hoạt động dịch vụ văn hóa thường ổn định trong nhiều năm. Thế nhưng, trên thực tế, tùy vào loại hình hoạt động dịch vụ văn hóa mà có
lúc thời gian gia hạn giấy phép hoạt động khá ngắn, chưa đến một tháng. Chính điều này dẫn đến việc chưa kịp gia hạn giấy phép đăng ký kinh doanh thì các chủ cơ sở lại phải khẩn trương làm thủ tục xin gia hạn tiếp. Trong hoạt động dịch vụ văn hóa, nhất là một số loại hình dịch vụ văn hóa nhạy cảm hiện nay rất phức tạp, tệ nạn xã hội len lỏi vào, làm đau đầu các cơ quan chức năng quản lý, vì vậy việc gia hạn giấy phép cũng cần được xem xét kỹ và có sự cân nhắc trước khi cấp phép. Tuy nhiên, có một thực tế là không phải cơ sở dịch vụ văn hóa nào cũng đều hoạt động trá hình, biến tướng, khá nhiều các cơ sở hoạt động lành mạnh, cho nên nếu vì những "con sâu" mà tất cả các cơ sở dịch vụ văn hóa đều chịu chung số phận "treo giấy phép" thì cũng khó nói đến sự công bằng xã hội được.
Đa số các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa trong thời gian qua đã chấp hành khá nghiêm túc các quy định của Nhà nước. Tất nhiên, trong quá trình hoạt động, cũng có những trường hợp vi phạm. Vấn đề đặt ra là nơi nào vi phạm thì phải được xử lý kịp thời và một cách nghiêm túc. Chứ không phải vì số ít không đúng mà lại cấm tất cả phải ngừng hoạt động, để các nơi khác cũng bị vạ lây. Hàng ngàn các cơ sở hoạt động dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh đã từng bước giải quyết nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, đồng thời cũng tạo thêm việc làm – thu nhập cho hàng chục ngàn lao động, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Để nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ văn hóa, cần phân cấp công tác cấp giấy phép cho cơ quan chức năng cấp huyện. Bởi vì, chính cơ quan chuyên môn này sẽ chịu trách nhiệm và chủ động trong công tác quản lý địa bàn. Đặt ra vấn đề này cũng chính là tăng cường trách nhiệm đối với cơ quan cấp giấy phép. Đã cấp giấy phép, thì phải thực hiện chức năng quản lý, kiểm tra, theo dõi nội dung giấy phép đó được thực hiện như thế nào. Đồng thời, việc phân cấp này cho cấp huyện, cũng chính là để giảm bớt thời gian đi lại, chờ đợi của người dân (có cơ sở
kinh doanh dịch vụ văn hóa cách cơ quan chức năng cấp phép của tỉnh cả trăm cây số).