- Tham vấn bác sĩ chuyên khoa: nội,
6. Bỏng mắt do hóa chất:
Nguyên nhân:
- Các loại A-xít như: nước bình xe, A-xít trong thí nghiệm, thực hành v.v.
- Các loại Ba zơ như: nước vôi, nước xi măng, nước tẩy rửa v.v.
- Các loại hóa chất như: thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, sơn, xăng dầu, các loại keo
- Nọc độc động vật như: rắn phun, nhựa cóc, kiến, ong
- Nhỏ nhầm các loại thuốc như dầu gió, thuốc sát khuẩn và trị bệnh ngoài da, mỹ phẩm v.v
Triệu chứng.
- Chủ yếu dựa vào bệnh sử để xác định nguyên nhân và loại hóa chất
- Thường thì triệu chứng rất rầm rộ và khẩn cấp, nhất là các loại A-xít và Ba zơ đậm đặc
- Đau nhức, rát bỏng, nhìn mờ, đỏ mắt, kích thích với ánh sáng là triệu chứng chính
Cách xử trí:
- Ngay lập tức phải rửa mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc nước sạch nhiều lần, lật mi trên, mi dưới để bơm rửa vào cùng đồ kết mạc cho đến khi đo độ PH=7 (bằng giấy quỳ). Nếu không có giấy quỳ, cần rửa liên tục trong khoảng 10-15 phút.
- Nếu bị bỏng vôi cần gắp hết vôi cục rồi mới rửa mắt bằng dung dịch Glucoza hoặc bằng nước đường. Sau khi rửa mắt mới thử thị lực sơ bộ và ghi lại.
- Tra thuốc mỡ kháng sinh vào mắt và vùng da mi bị bỏng, băng che kín lại rồi chuyển ngay lên tuyến chuyên khoa điều trị.
Trước khi chuyển cho bệnh nhân uống thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau.
1. Khái niệm:
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý xảy ra do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc.
2. Nguyên nhân:
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Trong đó phải kể đến 3 nguyên nhân chính sau:
2.1. Do thực phẩm bị nhiễm các loại vi sinh vật gây bệnh:
Vi khuẩn Salmonella: là nguyên nhân của 70% vụ ngộ độc, có trong nhiều loại thực phẩm (đồ nguội, thịt nguội, nghêu, sò, gà chưa nấu chín, chế phẩm từ sữa sống) nhất là các món ăn chế biến từ trứng tươi hoặc chưa nấu chín.
Vi khuẩn Listeria: phát triển ngay cả ở nhiệt độ thấp (4 - 6oC) trong thịt ướp lạnh hay phô mai chưa tiệt trùng, thịt nguội (patê, chả lụa), lưỡi heo đông lạnh. Khuẩn Listéria tác hại nhiều nhất cho thai phụ, gây nhiễm trùng phôi thai và có thể dẫn đến sẩy thai.
Vi khuẩn Staphylococcus Aureus: gây ra 20-30% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, chúng còn hiện diện trong các món ăn làm bằng tay (bánh ngọt); khuẩn Clostridium Perfringens hay phát sinh trong các món được nấu nướng và hâm nóng.
2.2. Ngộ độc do thực phẩm nhiễm chất hóa học:
Do hóa chất trừ sâu trong trồng trọt: thường do hóa chất nhóm lân hữu cơ, nhóm carbamate, nhóm thuốc diệt chuột… để tăng sản lượng hoa màu mà không thực hiện đúng thời gian cách ly trước khi thu hái, gây tồn dư thuốc dẫn tới nhiễm độc cho thực phẩm.
Do sử dụng hormon tăng trưởng: các
chất tăng sản lượng chăn nuôi trong thời gian ngắn như cortison, clenbuterol… những chất này có thể gây loạn nhịp tim, tổn thương tế bào cơ tim, run cơ, tăng huyết áp… Nguy hiểm nhất còn dùng cả etradiol – là chất có thể gây ung thư.
Cách nhận biết thịt lợn có chứa hormon thường nhạt màu, không hồng tươi như thịt bình thường, sờ tay vào không có cảm giác dính và đàn hồi. Hormon lại giữ nước nên tỷ lệ nước trong thịt nhiều, lấy một mẩu giấy khô thấm vào miếng thịt nếu không thấy thấm nước là thịt tốt
Do sử dụng một số phụ gia thực phẩm (không được phép hoặc quá liều) trong các sản phẩm tiêu dùng.
- Chất ngọt tổng hợp: Saccarin ngọt gấp 450 lần đường kính. Dùng lâu dài gây ức chế men tiêu hóa khó tiêu, còn có thể gây ung thư bàng quang.
- Mỳ chính (bột ngọt): làm tăng độ ngọt và hương vị thức ăn nên hay dùng trong nấu ăn hằng ngày tại gia đình, đặc biệt là thức ăn đường phố như phở, miến, hủ tiếu,… Lạm dụng mỳ chính có thể gây nhức đầu, tức ngực, chỉ nên dùng dưới 2g/ngày, trẻ nhỏ dưới 12 tháng không nên dùng.
- Nitrit và nitrat dùng trong bảo quản thịt nguội, thịt xông khói. Bản thân nitrat không hại nhưng dễ biến thành nitrit, chất này kết hợp với các amin tạo ra nitrosamin là chất hóa học có khả năng gây ung thư. Trong cơ thể, nitrit gây ra các triệu chứng ngộ độc như chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa… Dưa muối chứa lượng nitrit cao và tăng lên trong vài ngày đầu mới muối, nhưng giảm dần và mất hẳn khi dưa vàng, khi dưa muối để lâu, bị khú sẫm màu thì nitrit lại tăng cao.