3.1 TỔNG QUAN VỀ CHÂU ĐỐC ANGIANG
3.1.2.1 Tình hình kinh tế
Nhìn chung, thành phố Châu Đốc có tiềm năng phát triển du lịch nên thương mại-dịch vụ của thành phố là một ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế thành phố. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, các trung tâm mua bán phân bố rộng khắp trên địa bàn thành phố. Hàng hóa phân bố rộng khắp đến các địa bàn trong thành phố. Dịch vụ nhà hàng khách sạn cũng phát triển, với một chuỗi các khách sạn, nhà hàng lớn như Victoria, Châu Phố, Bến Đá, Đông Nam, Song Sao, Trung Nguyễn, Hải Châu,...Công nghiệp không phải là một ngành trọng điểm của thành phố nhưng cũng đóng góp một phần vào sự phát triển của thành phố. Các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được thành phố quan tâm đầu tư và phát triển đã giải quyết một phần cho lao động nhàn rỗi nông thôn. Nông nghiệp và thủy sản là một ngành đã hình thành và phát triển từ rất lâu đời ở thành phố. Loại hình nông nghiệp đô thị là một thế mạnh của thành phố.Các cánh đồng đã được cơ giới hóa trong công tác trước, trong và sau thu hoạch do đó năng suất không ngừng tăng và chất lượng nông phẩm cũng tăng lên.
Kinh tế Châu Đốc tăng trưởng nhanh và ổn định trong nhiều năm qua. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP của Châu Đốc đạt 16,10%, thu nhập bình quân đầu người trên 35,36 triệu đồng, tổng vốn đầu tư phát triển gần 2.720 tỷ đồng, lĩnh vực thương mại- dịch vụ- du lịch tiếp tục phát huy thế mạnh, với mức tăng trưởng đạt 18,01% và chiếm 70,47% tỷ trọng cơ cấu kinh tế địa
37
phương. Năm 2013 kinh tế liên tục tăng trưởng cao, tốc độ GDP tăng bình quân 16,14%, thu nhập bình quân đầu người tăng khá, ước đạt 41,12 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng dịch vụ - thương mại - du lịch chiếm 71,3%, công nghiệp - xây dựng chiếm 19,54%, nông nghiệp - thủy sản giảm còn 9,16%. Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ - du lịch - thương mại giữ vai trò chủ đạo, tiếp tục khẳng định và phát huy thế mạnh trong nền kinh tế địa phương.
Theo thống kê vào tháng 6 năm 2012, Châu Đốc đón gần 3,1 triệu lượt khách du lịch, tăng 0,96% so cùng kỳ. Doanh thu thông qua chợ ước đạt trên 2.200 tỷ đồng (tăng 3,91%) và tổng giá trị sản xuất ước đạt gần 150 tỷ đồng (tăng 10,1%). Tình hình sản xuất nông nghiệp cũng ổn định. Tổng thu ngân sách địa phương trên 245 tỷ đồng, đạt 100% chỉ tiêu tỉnh giao. Song song đó, lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác giáo dục và y tế được quan tâm đầu tư đúng hướng, chất lượng ngày càng nâng cao.
Những tháng cuối năm 2012, bằng những giải pháp đồng bộ và khả thi, địa phương tập trung phát triển mạnh lĩnh vực thương mại- dịch vụ- du lịch, thực hiện hiệu quả chương trình “tam nông” gắn với “xây dựng nông thôn mới”, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng. Theo đó, địa phương tiếp tục triển khai và thực hiện đề án “Phát triển thương mại và tổ chức thực hiện văn minh thương mại - dịch vụ”, giai đoạn 2011-2015 và Chương trình Khuyến công. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, duy trì các ngành nghề truyền thống (mắm, khô, đường thốt nốt…), nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, đặc thù của địa phương để phục vụ khách du lịch, góp phần tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện cho người dân và các doanh nghiệp.