Bình sinh có chí ngao du bốn biển, hôm nay phải nghỉ ngơi thoải má

Một phần của tài liệu Giờ Phút Cuối Cùng Của 9 Vị Nguyên Soái Trung Quốc (Trang 59 - 60)

Tháng 7 năm 1971, Trần Nghị đề nghị được đi điều dưỡng ở Bắc Đới Hà, các bác sỹ đã đồng ý với đề xuất của ông.

Khi ấy thư ký Đỗ Dịch, người luôn ở bên cạnh ông cũng không thể hiểu nổi yêu cầu này. Thư ký Đỗ nghĩ: Hiện nay anh Trần Nghị đang phải điều trị ở bệnh viện, các bác sỹ đã nói là các tế bào ung thư đang lan rộng đến phổi, vậy mà không để anh Nghị chữa bệnh tại Bắc Kinh mà lại cho đi điều dưỡng ở Bắc Đới Hà, liệu có xẩy ra biến cố gì không nhỉ?.

Thư ký Đỗ đã nói cho các bác sỹ biết những thắc mắc của mình.

Các bác sỹ đã nói thẳng: "Ông Trần đã muốn đi thì phải để cho ông đi. Đây có lẽ là lần cuối cùng của ông!". Nghe xong thư ký Đỗ thấy mắt mình tối sầm lại, anh không tin vào đôi tai của mình, lẽ nào căn bệnh ung thư đáng ghét đã đi nhanh đến mức đáng sợ như vậy sao?. Anh hỏi lại các bác sỹ: "Bệnh của ông Nghị đã thực sự nặng đến mức đấy sao?".

"Đúng vậy!" Bác sỹ đành phải thừa nhận.

"Có phải là ông Trần Nghị đã biết rồi? Các anh đã báo cho ông biết à?" Đỗ Dịch vội hỏi.

"Hiện nay ông vẫn chưa biết mà dường như cũng chưa cảm nhận được điều đó". Rời khỏi bệnh viện, thư ký Đỗ liền nói lại ngay sự việc với bà Trương Tây, cả việc tại sao ông Nghị không muốn điều trị ở Bắc Kinh mà muốn đi điều dưỡng ở Bắc Đới Hà. Bà Trương Tây cũng cho rằng đã lâu ông Nghị không đi Bắc Đới Hà. Mấy năm qua luôn phải sống trong cảnh bị đấu tố, bị phê bình khốn khổ. Từ tháng 10 năm 1969 đi Thạch Gia Trang chấp hành quyết định sơ tán chuẩn bị chiến đấu của Trung ương; tháng 8 năm 1970 bị lên án tại Hội nghị Lư Sơn thì mỗi lần hội họp dù là họp Trung ương hay của Quân uỷ thì ông ấy đều phải làm kiểm điểm, bị đấu tố nên tinh thần luôn bị giày vò. Bây giờ ông ấy đề nghị thay đổi môi trường đi ra ngoài hít thở không khí trong lành mà các bác sỹ đã đồng ý thì cứ làm. Điều đó cũng có ích cho sức khoẻ của ông ấy.

Bà Trương Tây đã nói như vậy thì thư ký Đỗ cũng không ý kiến gì.

Mấy năm chưa đến Bắc Đới Hà rồi. Vừa nhìn thấy sóng dập dờn, bầu trời cao trong xanh, từng đàn hải âu tung bay thì tinh thần ông Trần Nghị tốt hơn rất nhiều. Bình sinh phải đi đây đó suốt ngày, hôm nay phải thư giãn cho thoải thích. Ông đi bộ dọc theo bờ biển lắng nghe tiếng thì thầm của biển cả.

Ít lâu sau thì vợ chồng Chu Đức và Nhiếp Vinh Trăn cũng đến Bắc Đới Hà nghỉ ngơi. Ba người bạn chiến đấu thân thiết có cơ hội được thường xuyên gặp nhau. Trời đẹp thì sáng đi cùng nhau, chiều về cùng nhau. Họ đi bộ dọc bờ biển, để lại những dấu chân của lịch sử. Trời mưa thì rủ nhau lên tầng thượng của Viện điều dưỡng Quân uỷ trên núi ngắm nhìn trời đất bao la.

Họ đã gần gũi bên nhau sớm tối, nói chuyện tâm tình, không giấu diếm nhau điều gì, đây là dịp hiếm có trong bao nhiêu năm nay.

Nhưng họ vẫn không quên là có người đang giám sát mình, họ đã sống qua ngày đêm dưới những ánh mắt lạnh lẽo, lời nói độc ác. Dù là ở bệnh viện, bạn bè chiến đấu thân thiết gặp nhau ở buồng bệnh thì họ cũng lo sợ là không biết mình có nói thừa điều gì không?.

Nơi ở của Nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn cách chỗ ông rất gần, hai người bạn chiến đấu già thường ngồi bệt xuống đất, nói các chuyện trên trời dưới biển, từ cổ đến kim. Họ cùng nhau nhắc về những năm tháng dùi mài học tập trên đất Pháp, về những năm tháng kề vai đánh giặc...

Các Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng thường xuyên đến Bắc Đới Hà thăm Trần Nghị và được ông tiếp đón rất nhiệt tình, họ nói cười rất vui vẻ. Thấy Trần Nghị vẫn lạc quan, mạnh khoẻ như xưa thì rất vui, ai ai cũng mong ông sớm bình phục để lãnh đạo công tác ngoại giao như xưa. Mùa hè năm ấy, Thủ tướng Chu Ân Lai đã dành thời gian đến Bắc Đới Hà để thăm Hoàng thân Sihanuc. Ăn tối xong ông và bà Trịnh Dĩnh Siêu đã đến thăm Trần Nghị. Hai ông đã ngồi nói chuyện với nhau hơn một tiếng đồng hồ ở ban công leo đầy dây mây. Thủ tướng đã dặn dò Trần Nghị cần phải yên tâm điều dưỡng; không được tắm biển. Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá 4 sắp họp rồi, ai ai cũng muốn ông chóng bình phục để tham dự.

Ngày 30 tháng 7 âm lịch là ngày Trần Nghị tròn 70 tuổi. Ông đã mời Nguyên soái Nhiếp đến mừng thọ cho mình. Trong buổi lễ mừng thọ, mọi người đều nâng cốc chúc Trần Nghị mạnh khoẻ, sống lâu. Con gái út của Trần Nghị là San San còn đọc một bài thơ mừng sinh nhật cha rất xúc động. Kết thúc bữa tiệc, Trần Nghị vẫn không muốn rời xa mọi người, khoác vai Nguyên soái Nhiếp cười nói vui vẻ: "Năm nay là năm kỷ niệm 45 năm ngày thành lập quân đội, chúng mình đã tòng quân 45 năm rồi đấy nhỉ. Chúng ta là hai người bạn chiến đấu sống chết có nhau, lại còn là bạn thân, đồng hương nữa chứ... Nào anh bạn, chúng ta cùng chụp một tấm ảnh kỷ niệm với nhau!".

Nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn vui vẻ tán thành: "Nào chúng ta cùng chụp ảnh!" Hai người bạn qua hơn nửa thế kỷ chiến đấu cùng nhau đã để lại một tấm ảnh chụp chung hiếm có như vậy.

Một phần của tài liệu Giờ Phút Cuối Cùng Của 9 Vị Nguyên Soái Trung Quốc (Trang 59 - 60)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(138 trang)
w