Tôi chết rồi hãy mang tro xương về quê nhà

Một phần của tài liệu Giờ Phút Cuối Cùng Của 9 Vị Nguyên Soái Trung Quốc (Trang 28 - 32)

Sau khi phẫu thuật được nửa năm, bệnh tình của Bành Đức Hoài ngày càng xấu đi. Các tế bào ung thư lan rất nhanh đến tận phổi, trị liệu phóng xạ cũng để lại nhiều tác dụng phụ như cả ngày nôn mửa, ngồi đứng không yên, tinh thần hoảng loạn, vô cùng đau đớn.

Tết Nguyên đán năm 1974, rất nhiều người nhà bệnh nhân đến Bệnh viện thăm bệnh nhân, chỉ có duy nhất giường bệnh của Bành Đức Hoài là không có ai thăm. Một mình ông phải chịu đựng sự giầy vò của đau đớn trong sự buồn bã, cô đơn, nhiều khi ông còn lẩm bẩm một mình: "Lại hết một năm rồi", "Đây là năm cuối cùng nhỉ!" Ông đã dự cảm được ngọn lửa cuộc sống của mình đã cháy hết. Cuộc vận động đấu tố của "Đại cách mạng văn hoá" vẫn diễn ra mạnh mẽ, Bành Đức Hoài yếu ớt cầm tờ "Nhân dân nhật báo" mới lên đọc. Trong lời chúc mừng đầu năm mới cũng nhắc đến tên ông, bỗng chốc ngọn lửa tức giận trong người ông lại sục sôi, ông ném tờ báo sang một bên và tức giận đến nỗi thở hổn ha hổn hển.

Đồ con lợn!" Bành Đức Hoài chửi đổng một câu, ném tờ báo rồi lại cầm bát ăn cơm đặt trên bàn ném xuống đất vỡ toác, thở dốc nói: "Quân Nhật xâm chiếm phía Bắc Trung Quốc, ta đã dẹp tan quân Nhật ở phía Bắc Tổ quốc, lúc ấy chúng mày ở đâu? Lẽ nào đó là những quân giả trong chiến tranh chống Nhật, thu hồi Diên An và dành được thắng lợi ai ai cũng biết, đó đều là thực hiện đường lối của Khổng Lão Nhị và Vương Minh? Đấu Khổng Lão Nhị thì đấu chứ tại sao còn kéo Bành Đức Hoài ta vào làm gì? Lại còn đấu tố cái gì Chu Công, một nhà nho vĩ đại của Trung Quốc, rốt cuộc thì các người muốn dẫn đất nước của chúng ta đi về đâu, lại còn nói là đất nước rất yên bình hay sao...

Nói những lời này rồi mà Bành Đức Hoài vẫn thấy chưa hả giận, tay phải ông ôm lấy chiếc gối rồi cắn và gắng sức xé thành từng sợi, từng sợi.

Có thể là lính gác báo cho y tá nên y tá vội vàng chạy đến ngăn cản, Bành Đức Hoài vẫn lớn tiếng chửi: "Đồ con lợn! Đặc vụ của Quốc dân Đảng!"

Y tá ấm ức nói: "Ông đừng như thế này nữa, đừng có trách chúng cháu, chúng cháu đều là những quần chúng bình thường mà thôi".

Tôi phải cảm ơn các anh!" Bành Đức Hoài nói, "Tôi chửi là chửi bọn đặc vụ Quốc dân Đảng, xé là xé gối của đặc vụ Quốc dân Đảng. Một người sắp chết rồi mà cái án vẫn chưa được làm rõ, các cậu thấy đấy, làm sao mà tôi không không căng thẳng cho được?

Nhân viên Tổ chuyên án đến, Bành Đức Hoài càng chửi dữ tợn hơn đến khi ông không còn sức, mê man nằm trên giường, thở hắt ra mới thôi.

Từ ấy, đầu óc của Bành Đức Hoài lúc tỉnh lúc mê. Sự sống của ông đã đến giai đoạn cuối cùng.

Ban ngày, cháu gái và cháu trai ông được vào thăm, ôngliên tục dặn dò các cháu những lời cuối cùng.

Với sự sống này đã nhiều lần bác chuẩn bị không cần rồi mà. Bác sống đến ngày hôm nay cũng là thọ lắm rồi, cũng được rồi. Cái gì có thể làm được bác đều làm rồi, chỉ là làm không tốt mà thôi. Bác đã nghĩ kỹ, bác sống như vậy cũng xứng đáng lắm,

bác đã làm được chút ít nhưng tròn trách nhiệm cho cách mạng và nhân dân. Tuy kết thúc của bác không được hay ho lắm nhưng bác không trách móc và cũng không hối hận.

Cuộc đời bác có quá nhiều khuyết điểm, thích chửi người khác và đã chửi nhầm không ít người, cũng đắc tội với không ít người. Nhưng không bao giờ bắt cá hai tay với cách mạng và với các đồng chí của mình. Bác chưa có âm mưu gì để hại mọi người. Về chuyện này bác có thể ngẩng cao đầu, ưỡn thẳng ngực mà hét lên: trong lòng tôi vô cùng trong sạch!

"Khi bác chết rồi các cháu hãy mang tro xương của bác về quê nhà chôn nhé. Hãy chôn dưới một gốc cây, để bác có thể đền đáp cuối cùng cho đất đai quê hương, đền đáp những ân tình của bố mẹ, họ hàng và làng xóm!"...

Diệp Kiếm Anh cũng cử người vào thăm ông, ông nói: "Chủ tịch Mao đã phát triển Chủ nghĩa Mác-Lê. Tôi tôn trọng Chủ tịch Mao, nhưng không tuân theo mù quáng. Tôi rất tin tưởng ởChủ tịch Mao nên mới viết thư cho đồng chí ấy”.

Còn thủ tướng Chu, chúng tôi đã quen nhau hơn 30 năm rồi. Trong Đảng, đồng chí ấy là người nắm vững và vận dụng đúng sách lược và tư tưởng của Chủ tịch Mao nhất, nên tôi tin rằng chúng ta sẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công!

"Bản thân tôi cũng đã mắc nhiều sai lầm, nhưng tôi không có bầy ra âm mưu gì, về điểm này tôi hoàn toàn trong sạch".

"Xây dựng chiến lược phòng ngự và xây dựng quốc phòng của nước ta vẫn chưa được toàn diện, nghiên cứu và công nghiệp quốc phòng chưa theo kịp được thời đại. Tôi lo lắng nhất điều này, chỉ cần chúng ta có kế hoạch, có chuẩn bị thì có thể chiến thắng được kẻ thù".

Nửa đêm tĩnh mịch, ông đau quá không chịu đựng được hét lên: "Vô duyên vô cớ nhốt tôi vào trong này bao nhiêu năm như vậy. Cả đời tôi chinh chiến trong mưa bom bão đạn đến ngày hôm nay lại có kết cục này, ông trời ơi, đúng là ông không có mắt thật rồi!"

"Tôi không có công lao gì lớn thì cũng có công vất vả, tại sao lại đối xử với tôi như vậy. Tại sao cứ bắt tôi phải nhận mình là kẻ đầu trâu mặt ngựa, là tên phản Đảng, phản xã hội chủ nghĩa?".

"Đừng có nói nữa, ngủ đi thôi!" Cậu lính gác nói.

"Tôi không nói cho anh nghe, anh đi đằng anh đi!" Bành Đức Hoài nói.

Anh lính gác đưa cho ông vài viên thuốc giảm đau, ông uống xong nhưng vẫn không có tác dụng gì. Y tá lại mang thuốc giảm đau nhập khẩu đến, uống xong một lúc thì ông cũng thấy đỡ đỡ, nhưng một lát sau lại đau dữ dội.

Bành Đức Hoài đau đến mức co gập cả người, lăn từ trên giường xuống đất và đập đầu vào thành giường. Cậu lính gác và y tá cùng nhau đỡ ông lên giường. Ông vật nài y tá: "Tiêm cho tôi một mũi cho chết đi cho rồi, tôi đau không chịu nổi nữa rồi!".

Y tá chỉ đứng ở xa xa, không dám tiến đến gần. Ông nói với cậu lính gác: "Tôi ra lệnh cho cậu bắn tôi một phát, tôi thực sự không chịu nổi nữa!".

Cậu lính gác cũng chẳng động đậy gì, vô thức sờ sờ khẩu súng ngắn giắt ở thắt lưng.

Bành Đức Hoài đã bao nhiêu lần ra lệnh cho y tá tiêm để chữa bệnh cho cấp dưới của mình, nhưng ngày hôm nay lại yêu cầu y tá tiêm cho mình một mũi để chết. Ông đã ra lệnh cho lính của mình nhằm thẳng vào quân thù mà bắn bao nhiêu lần thì hôm nay lại ra lệnh cho lính gác nhằm vào mình bắn...

Do bệnh tình phát triển nguy kịch, ông đã bị liệt nửa thân dưới, không thể tự vệ sinh, chăm sóc cho mình. Khi ấy Tổ chuyên án mới cho phép các cháu ông đến thăm vào ngày chủ nhật.

Mỗi lần Bành Đức Hoài nhìn thấy các cháu thì đều gắng sức ngồi dậy. Ông nói rất đau khổ: "Bác bị liệt rồi, không thể chăm sóc được cho bản thân, nhưng mà vụ án của bác vẫn chưa được điều tra rõ!". Ông căn dặn các cháu: "Bác chết rồi hãy mang tro xương của bác về quê chôn dưới đất, trên đó trồng cây ăn quả, dù sao thì tro xương cũng làm được phân bón".

Ngay cả khi ấy Bành Đức Hoài cũng không quên cần phải kiên trì chân lý, ông luôn luôn luyến tiếc việc nuôi dạy những thế hệ tiếp nối trên đất nước Trung Hoa to lớn của mình. Nhưng lúc ấy ông không còn sức mà tức giận nữa. 6 tháng sau, do các tế bào ung thư ngày càng lan mạnh nên ông rất gầy gò, thường xuyên hôn mê. Trên giường bệnh ông vẫn lấy hết sức mình tức giận kêu gào: "Tôi bị đặc vụ của Quốc dân đảng hại chết!", "Tôi không phản bội tổ quốc!", "Trả lại cho tôi bức thư tôi viết để xem thế nào, rốt cuộc có phải là công kích, có phải là phản Đảng hay không?". Mặc dù nói năng rất khó khăn nhưng ông liên tục nói với nhân viên Tổ chuyên án đứng ở bên cạnh giường: "... Bản thân tôi cũng đã mắc nhiều sai lầm, nhưng tôi không có bày ra âm mưu gì, về điểm này tôi hoàn toàn trong sạch". "Đã thẩm tra tôi 8 năm rồi, bây giờ đã có kết luận hay chưa!" Qua tháng 9 thì Bành Đức Hoài đã mất cảm giác, đi vào hôn mê sâu, nhưng trái tim của ông vẫn đập rất quật cường.

Ngày 29 tháng 11 năm 1974.

Hôm ấy thời tiết Bắc Kinh rất lạnh, gió mùa đông bắc thổi rin rít, lay động cả các cành cây trơ trọi, hất hết cát bụi vào người đi đường. Bên ngoài cửa sổ buồng bệnh số 14 ở Bệnh viện gió lạnh gào thét, thổi hất tung những mảnh giấy báo bị xé vụn, cây cối vẫn kiên cường chống lại cái lạnh. Trong phòng, Bành Đức Hoài đã mất đi hết cảm giác, mồm và mũi cùng bị chảy máu.

14h52 phút chiều cùng ngày, trái tim ấy đã ngừng đập. Một trái tim vĩ đại đã ngừng đập mà bên cạnh không có lấy một tiếng khóc của người thân.

Một nguyên soái có những đóng góp, công lao to lớn tạm biệt thế giới này mà bên cạnh không có một lời chia buồn của nhưng đồng đội.

Bành Đức Hoài đã đi qua 76 mùa xuân huy hoàng và đau thương.

Sau khi Bành Đức Hoài ngậm oan về nơi chín suối thì Tổ chuyên án vội vã báo cáo về cái chết lên Trung ương: "Bành Đức Hoài là phần tử phản bội tổ quốc, âm mưu đoạt quyền, phản cách mạng. Chúng tôi xin đề nghị đổi tên hắn thành "Vương Xuyên" và hoả táng thi thể, sau đó chôn tro xương ở một nghĩa địa công cộng". Vương Hồng

Văn, lúc ấy đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phê duyệt báo cáo này.

Mấy hôm sau, trong phòng lưu trữ của Nhà hoả táng ngoại ô phía Đông thành phố Thành Đô, Tứ Xuyên xuất hiện một hộp đựng tro xương được làm bằng tấm gỗ thô kệch bên trên được viết bằng sơn "số 273" và dán một tờ giấy có ghi "Vương Xuyên, đàn ông".

Sau khi Bành Đức Hoài qua đời được 4 năm, tháng 12 năm 1978, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ ba nhiệm kỳ 11 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được tổ chức, cả hội nghị đã xem xét và sửa chữa những kết luận sai lầm đối với Bành Đức Hoài ở Hội nghị Lư Sơn, và đã khẳng định lại công lao to lớn vĩ đại của ông trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân Trung Quốc.

Ngày 24 tháng 12 năm 1978, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã long trọng tổ chức lễ truy điệu cho đồng chí Bành Đức Hoài và Đào Thọ ở Đại lễ đường Nhân dân. Đồng chí Đặng Tiểu Bình đã thay mặt Trung ương Đảng đọc lời chia buồn, chính thức khôi phục lại danh dự cho đồng chí Bành Đức Hoài, trong lời chia buồn có nói: "Đồng chí Bành Đức Hoài là Đảng viên xuất sắc của Đảng chúng ta, cả đời ông là một nhà cách mạng của giai cấp vô sản, là người lãnh đạo quan trọng trong cuộc khởi nghĩa Bình Giang, là người sáng lập ra lữ đoàn hồng tam quân, là một lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước và quân đội chúng ta..."

Một phần của tài liệu Giờ Phút Cuối Cùng Của 9 Vị Nguyên Soái Trung Quốc (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(138 trang)
w