Tháng 11 năm 1967, Tổ chuyên án về Bành Đức Hoại được chuyển sự chỉ đạo về Văn phòng 2 Tổ chuyên án Trung ương của hệ thống Quân uỷ Trung ương.
Từ ngày 10 đến ngày 17 tháng 1 năm 1968, Bành Đức Hoài đã bị đưa ra thẩm vấn liên tục 10 lần, mỗi lần đều đề cập đến việc "phản bội tổ quốc" của ông. Bành Đức Hoài đã lớn tiếng với nhân viên thẩm vấn: "Tôi không thể đáp ứng được yêu cầu chủ quan của các anh!" và đập bàn mắng: "Các cậu sẽ không bao giờ đạt được mục đích đâu!"
Tổ chuyên án đã thông qua một loạt kế hoạch, bắt đầu từ ngày 19 đã đột ngột thẩm vấn ông theo kiểu chiến tranh bánh xe.
Hàng ngày bắt đầu từ khoảng 7 giờ tối đến 3 giờ sáng ngày hôm sau, hàng loạt người thẩm vấn đã bao quanh Bành Đức Hoài, lớn tiếng gào thét, từng trận từng trận một, hết trận này đến trận khác, chúng hỏi ông liên tục cho đến khi Bành Đức Hoài mệt mỏi vô cùng, thần trí hoang mang cực độ mới thôi.
Thành viên của Tổ chuyên án thuộc Văn phòng Quân uỷ Trung ương, Lý Tác Bằng, một viên tướng quan trọng của Lâm Bưu còn cố ý thúc giục Tổ chuyên án cần "nhanh chóng tìm các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ", cần phải "nắm lấy thời gian, đấu tố mạnh, thẩm vấn nhiều", cần phải "tập trung sức mạnh để chiến đấu, giải quyết vấn đề, cần phải huy động nhiều người, người nhiều thì sẽ nói thấu tai ông ta, nhiều người thì sẽ trấn áp được ông ta". Do đó, hoạt động thẩm vấn của Tổ chuyên án ngày càng điên cuồng hơn.
Trước và sau Tết Nguyên đán năm đó, mật độ thẩm vấn ông càng dày hơn và thời gian thẩm vấn càng muộn và dài hơn. Nhiều cuộc thẩm vấn bắt đầu từ 2h30 phút và kéo dài hơn 11 giờ đồng hồ. Nhân viên thẩm vấn thì thay phiên nhau nghỉ ngơi, ăn uống nhưng ông thì không được ăn, cũng không được uống. Ông thực sự không thể chịu nổi nên đã nhiều lần ngất đi.
Mặc dù bị những hành động dã man theo kiểu phát xít của Tổ chuyên án giày vò đau khổ đến độ gần như không chịu nổi nhưng khí chất kiên cường của ông thì vẫn còn đó. Ông đã bất chấp mọi hậu quả sau này, mắng luôn nhân viên Tổ chuyên án nắm quyền sinh quyền sát trong tay:
"Tôi cứ ngoan cố như vậy đấy và sẽ ngoan cố đến cùng!". "Các anh hãy bắn tôi chết đi! Tôi chẳng sợ gì đâu"...
Dưới sự khống chế của Giang Thanh và Khang Sinh, Tổ chuyên án đã tiến hành thẩm vấn ông liên tục trong hơn 10 tháng trời, kể cả ép cung, nhưng cũng không đạt được "kết quả chiến thắng" như họ dự tính. Cuối cùng, họ đã tự bịa đặt ra "báo cáo thẩm tra liên quan đến vấn đề câu kết với nước ngoài phản bội Tổ quốc của Bành Đức Hoài". Báo cáo đã vu khống: Năm 1959, Bành và Thích đã cấu kết tại Dilana, đó là
một âm mưu được chuẩn bị sẵn, ông ta đã công kích trắng trợn lá cờ đỏ ba mặt của Đảng đối với Jiluxiaofu và bày tỏ dã tâm chống Đảng với Liên Xô.
Tháng 4 năm 1969, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9 Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức. Bành Đức Hoài cảm thấy thất vọng vô cùng khi nghe những tin tức có liên quan của Đại hội qua máy thu thanh trong trại giam. Lính canh giám sát ông đã ghi lại trong nhật ký như sau: "Sau khi Bành Đức Hoài đọc được thông báo chung của Đại hội lần này đã thường xuyên mất ngủ, lúc nào cũng than ngắn thở dài, khóc lóc, nhiều lúc ông ấy còn ngồi thừ mặt một chỗ, cũng có lúc bỗng nhiên lại bật cười một mình. Khi đọc được danh sách Uỷ viên Trung ương được bầu trong lần này, ông ấy đã ôm lấy mặt và khóc rất lâu”. Sau Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 9 kết thúc, dưới sự thúc giục của Giang Thanh, Tổ chuyên án về Bành Đức Hoài đã bịa đặt báo cáo theo ý họ và đề nghị với Trung ương biện pháp xử lý ông: "Cách chức mọi chức vụ trong và ngoài Đảng của Bành Đức Hoài, mãi mãi khai trừ khỏi Đảng, phạt tù chung thân và tước bỏ quyền lợi công dân suốt đời".
Trong những ngày thẩm vấn liên tục những "tên tù quan trọng" như Bành Đức Hoài, để có được chứng cứ, Giang Thanh đã ra lệnh cho Tổ chuyên án "cần phải viết tự truyện, tìm người làm chứng, tài liệu, qua đó nghiên cứu, tìm ra mâu thuẫn cũng như mầm mống manh nha".
Thực hiện chỉ thị của Giang Thanh, Tổ chuyên án đã ra lệnh cho Bành Đức Hoài viết tự truyện. Ông Hoài đã nói: "Hơn 3 năm phải trải qua các cuộc thẩm vấn, tôi cũng đã viết hai lần sơ yếu lý lịch rồi, đây là lần thứ ba. Tôi không muốn viết nữa vì chẳng có ích và cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Nhân viên Tổ chuyên án đã trả lời: "Cần phải viết mà phải viết lại từ đầu". Thêm nữa chúng còn quy định: "Không được tấn công Bộ Tư lệnh của giai cấp vô sản", "Không được chống đối chính sách của Đảng và cũng không được nói khoác về mình".
Bành Đức Hoài đành phải gắng gượng viết lại sơ yếu lý lịch của mình trong đau khổ giày vò.
Ông viết lần này coi như là cuộc chiến đấu cuối cùng vì cách mạng và vì chân lý. Sau lần viết "tám vạn lời" năm 1962, ông lại một lần nữa nhớ về những năm tháng đã qua của cuộc đời. Ông nghĩ rất nhiều và cuối cùng thì vẫn cứ kiên định, không hề hối hận với lòng tin của mình. Ông đã quên mình là một kẻ tội phạm, thân thể đầy thương tích, và trong căn phòng giam 12 m2 , ông đã ngày đêm
trăn trở, viết rất xúc động, chân thành, tâm trí như đang trở về chiến trường ngày xưa.
Nhiều khi ông còn lẩm bẩm, rồi bỗng rơi nước mắt, nhớ thương những người bạn chiến đấu đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng nhân dân và vì cách mạng. Đôi lúc ông đang viết mà hứng khởi, ông còn ngân nga điệu hò Hồ Nam, nhiều khi thì nhăn mặt đăm chiêu, thậm chí còn ném bút lên bàn...
Những kẻ ngày đêm giám sát ông đều không hiểu được tình cảm, suy nghĩ sâu xa của ông, có người còn viết về ông rằng: "Hình như ông ta đang nhớ lại điều gì đó", có
người lại viết: "Tình cảm của án phạm rất thất thường", có người còn phán đoán: "hắn là một tên giảo quyệt, ngoan cố, không thật thà".
Đầu tháng 1 năm 1972, Bành Đức Hoài và 24 "án phạm" bị bí mật đưa về trường cán bộ ở Phục Hưng, Bắc Kinh. Bành Đức Hoài bị giam trong một căn buồng lớn hơn một chút, gọi là buồng số 5, thực ra đó là số hiệu của "tội phạm vụ án". Ở nơi này, thái độ của lính gác cũng dễ chịu hơn một chút nhưng các hoạt động thẩm vấn của Tổ chuyên án vẫn tiến hành như cũ.
Trong quá trình thẩm vấn bọn họ đã bịa ra những vấn đề ngoài ý muốn của ông khiến cho mọi người rất ngạc nhiên. Ví dụ như Tổ chuyên án ép Bành Đức Hoài phải nhận là mình đã cố ý hại chết Mao Ngạn Anh chứ không phải là do bom Mỹ giết chết ở tiền tuyến Triều Tiên! Đây đúng là sự bịa đặt thâm độc và trắng trợn, khiến ông vô cùng tức giận và đau lòng. Chính vì vậy mà ông đã bị mất ngủ nhiều ngày, tinh thần bị hoảng loạn. Sau khi thẩm vấn, quay về phòng giam, ông còn đi nhầm cả đường vì tinh thần không còn được minh mẫn, lính gác phải dẫn ông về phòng. Về đến nơi ông đã "đổ gục xuống nền nhà". Lính gác phải đỡ ông dậy, ông rơi nước mắt nói: "Tôi không thể biết anh là ai".
Hai hôm sau, Tổ chuyên án lại đến tiếp tục thẩm vấn. Bành Đức Hoài bước vào buồng thẩm vấn được một lát thì tức giận quá, gào thét ầm lên. Tổ chuyên án không thẩm vấn được nữa đành phải đưa ông về phòng.
Từ năm 1967 đến cuối năm 1971, Tổ chuyên án đã tiến hành thẩm vấn ông dã man và tàn khốc tổng cộng hơn 150 lần, khiến cho tinh thần và cơ thể ông bị tổn thương và tàn phế.
Từ đó, tình trạng sức khoẻ của ông ngày càng xấu đi, đến mùa xuân năm 1972 thì ông bắt đầu đi đại tiện ra máu. Bác sỹ của Trại giám sát không thể chữa chạy được nên mới đưa ông đến Bệnh viện Quân giải phóng. Cứ như vậy đến cuối đời ông không hề ra khỏi bệnh viện.
Chương III: Trần Nghị gừng càng già càng cay 1. Tôi không có ý kiến gì đối với bệnh viện
Trung tuần tháng 8/1969, Uỷ ban Quân sự Trung ương đã ban hành mệnh lệnh, cần phải làm tốt công tác chuẩn bị đối với sự khiêu khích của kẻ thù bên ngoài, ngăn chặn các đợt đột kích bất ngờ. Trong tình hình ấy, đồng chí Mao Trạch Đông đã có những đánh giá rất quan trọng về sự nguy hiểm của chiến tranh, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất khoá 9, đồng chí Mao Trạch Đông đã đưa ra khẩu hiệu: "Cần phải chuẩn bị chiến đấu". Ngày 17 tháng 10, Lâm Bưu đã đưa ra "Mệnh lệnh thứ nhất". Nội dung chủ yếu là yêu cầu bộ đội phải lập tức trong trạng thái chuẩn bị chiến đấu, cả nước bắt đầu chuẩn bị chiến đấu với quy mô lớn, sơ tán phần lớn dân cư ra khỏi thành phố nhằm cảnh giác với những đợt tấn công đột ngột của kẻ thù. Bộ Chính trị Trung ương đã triệu tập cuộc họp quyết định sơ tán về ngoại ô những đồng chí có tuổi như: Chu Đức, Trần Nghị, Từ Hướng Tiến, Nhiếp Vinh Trăn... Cũng trong ngày hôm đó, Trần Nghị nhận được giấy mời tham dự buổi dạ hội biểu diễn thể thao tại Sân vận động thủ đô.
Cũng trong thời gian đó, Trần Nghị nhận được điện thoại thông báo của Văn phòng Trung ương đề nghị ông có mặt.
Đến rồi ông mới biết, những đồng chí có tuổi ở Bắc Kinh cũng nhận được "Giấy mời" như ông. Các đồng chí lão thành cách mạng như Chu Đức, Diệp Kiếm Anh, Trần Vân, Nhiếp Vinh Trăn... đã lần lượt đến.
Sau khi buổi dạ hội kết thúc, đồng chí Chu Ân Lai đã tiến hành triệu tập cuộc họp các đồng chí lão thành cách mạng tại phòng nghỉ và tuyên bố quyết định của Bộ Chính trị Trung ương: Trước ngày 20 tháng 10, toàn bộ các đồng chí lão thành cách mạng ở Bắc Kinh sẽ phải đi sơ tán hết, đồng thời thông báo địa điểm các đồng chí này phải đến: Đồng chí Trần Nghị đi Thạch Gia Trang, Từ Hướng Tiến đi Khai Phong, Diệp Kiếm Anh đi Hồ Nam...
Theo kế hoạch là Trần Nghị đi đến Khai Phong và Từ Hướng Tiến đi về Thạch Gia Trang, nhưng tướng Từ đã nêu ý kiến là điều kiện chữa trị ở Thạch Gia Trang tốt hơn ở Khai Phong mà bản thân ông có sức khoẻ tốt hơn tướng Trần Nghị nhiều nên đã chủ động đổi địa điểm cho tướng Nghị, hơn nữa Thạch Gia Trang gần với Bắc Kinh hơn, nếu như sức khoẻ của Trần Nghị có chuyển biến xấu thì có thể nhanh chóng đưa ngay về Bắc Kinh. Đúng là trong hoạn nạn mới hiểu được tấm lòng chân thật. Trần Nghị rất cảm động trước tấm lòng chân thành của tướng Từ. Trước khi lên đường ông định gọi điện cám ơn nhưng lúc ấy tướng Từ đã không còn ở Bắc Kinh. Chiều ngày sau hôm nhận được thông báo, ông đã triệu tập họp cán bộ nhân viên làm việc bên mình để bàn bạc kế hoạch sơ tán.
10h50 sáng ngày 20 tháng 10, đoàn gồm 5 người là ông Trần Nghị, bà Trương Tây, Thư ký Thạch Quốc Bảo, Cảnh vệ Quan Hằng Chinh và lái xe Lý Kế Nguyên với những hành lý đơn giản, gọn nhẹ đáp tàu hoả rời Bắc Kinh đi Thạch Gia Trang.
Đến Thạch Gia Trang, ông được bố trí ở Nhà khách Kiều Tây trong thành phố. Những lãnh đạo chủ chốt của Uỷ ban cách mạng tỉnh rất lạnh nhạt với ông, không giới thiệu tình hình gì với ông; đồng thời cũng cắt luôn liên hệ với Trung ương, ông không thể đọc được những văn bản của Trung ương, ngay cả tạp chí "Cộng vận Quốc tế" do ông đặt cũng bị giữ lại Bắc Kinh. Theo bố trí của Uỷ ban cách mạng tỉnh thì ông Nghị hàng tuần phải dành ra ba ngày rưỡi đến lao động chân tay tại Xí nghiệp đường sắt của Thạch Gia Trang, còn những lúc rỗi rãi thì ông cùng vợ học những tác phẩm tư tưởng của Mác và tuyển tập Mao Trạch Đông. Nửa năm nhanh chóng trôi qua như vậy. Đến tháng 7 năm 1970, Trần Nghị cảm thấy rất đau bụng và thường xuyên bị tiêu chảy. Bác sỹ của Xí nghiệp đường sắt cũng đã kê một số loại thuốc giảm đau cho ông nhưng uống rồi cũng không có hiệu quả. Bà Trương Tây rất đau lòng vì ông Trần Nghị ngày một gầy yếu. Bà bàn với ông báo cáo với Quân uỷ Trung ương đề nghị cho về Bắc Kinh chữa trị, nhưng vì phải đến Lư Sơn tham gia Cuộc họp lần thứ hai khoá 9 của Trung ương nên đành phải trì hoãn.
Không ngờ dự định đó phải trì hoãn đến đúng một năm trời. Ông Trần Nghị từ Bắc Kinh cùng một số người phụ trách các tỉnh thuộc khu vực Hoa Bắc đều ôm bệnh đến dự cuộc họp Trung ương ở Lư Sơn từ ngày 23 tháng 8 đến ngày 6 tháng 9. Ngờ đâu
tham dự Hội nghị này trong tình trạng cơ thể đầy bệnh tật chưa được chữa trị, ông lại bị sốc mạnh về tinh thần.
Trong cuộc họp Trung ương lần hai này, Lâm Bưu đã công kích bất ngờ làm dấy động cả Lư Sơn và vô tình Trần Nghị cũng bị cuốn vào theo, một con người trong sạch bỗng bị gắn cho cái tội "tụ họp làm phản".
Trong chốc lát ông bị coi là "đồng mưu" của Trần Bá Đạt, và đã bị vây đánh, phê phán nặng nề
Tinh thần ông cảm thấy vô cùng ức chế, nặng nề. Ngay cả khi ăn uống và đi bộ ông cũng không muốn gặp người quen. Sau này, thư ký biết được chuyện đó cảm thấy rất bực mình, nói với Trần Nghị: "Chúng là những kẻ độc ác, anh Trần Nghị, hay là anh đến gặp Chủ tịch để nói rõ sự thật ra. Như vậy không tốt hơn sao?" Ông Trần Nghị chỉ lắc đầu rồi thở dài nói: "Mình đang ở cái thế bị chỉnh đốn, ai có thể chấp nhận nghe mình giải thích! Mà có giải thích thì cũng không thể rõ ràng được. Người xưa có câu: càng giải thích thì càng rắc rối. Có nhiều việc anh càng giải thích gì càng không rõ ràng. Bây giờ tôi không thể nói được mà cũng không muốn nói. Nhưng tôi nghĩ sự việc rồi cũng đến ngày phân rõ trắng đen cả thôi”.
Khi sắp sửa kết thúc cuộc họp Trung ương ấy, một số đồng chí lão thành cách mạng như Trần Nghị, Từ Hướng Tiền đề nghị với Hoàng Vĩnh Thắng xem có thể cho họ về Bắc Kinh kiểm tra sức khoẻ được hay không. Lúc ấy Hoàng Vĩnh Thắng chỉ nói lạnh nhạt trong điện thoại là: "Khám bệnh ư! Tốt nhất là ai ở đâu đến thì về chỗ đó!"
Cứ như vậy đến ngày 20 tháng 10 năm 1970, ông Trần Nghị mới được rời Thạch Gia Trang về Bắc Kinh.
Bà Trương Tây thấy chồng ngày càng gầy yếu và thường xuyên bị đau bụng tiêu chảy nên ngay tối hôm đến Bắc Kinh bà đã viết thư gửi cho Chu Ân Lai xin phép được cho ông Trần Nghị chữa bệnh tại Bệnh viện Quân giải phóng. Đồng chí Chu Ân Lai nhận được thư liền đồng ý ngay. Ngày hôm sau, Trần Nghị đã nói với thư ký Đỗ Dịch:
"Gần đây tôi thấy bụng rất đau, huyết áp lại tăng cao, trong người thấy rất khó chịu. Tôi phải viết báo cáo gửi Trung ương và Thủ tướng để xin về Bắc Kinh chữa bệnh. Được sự đồng ý của Thủ tướng tôi mới về được Bắc Kinh và đang chuẩn bị đi bệnh viện".
Theo dặn dò của ông Trần Nghị, thư ký Đỗ Dịch lập tức liên hệ với Vương Lương Ân, Phó Chánh Văn phòng Trung ương để đề nghị nhanh chóng thu xếp cho Trần Nghị được kiểm tra và điều trị.
Vương Lương Ân trả lời điện thoại ngay: “Hiện nay bệnh viện chưa có giường