thường dân của hoa viên nhà họ Ngô
Trước ngày kỷ niệm 10 năm quốc khánh Trung Quốc năm 1959, Bành Đức Hoài bị buộc thôi chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và tạm biệt cuộc đời mấy chục năm làm lính, chuyển đến một môi trường bị giám sát đặc biệt vào mọi lúc và với mọi hành động, từ một nguyên soái của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa bỗng chốc biến thành một người dân rất mực bình thường. Năm ấy ông 61 tuổi. Ngày 30 tháng 9 cùng năm, Bành Đức Hoài rời lầu Vĩnh Phúc ở Trung Nam Hải, nơi ông đã từng sống 7 năm chuyển đến một nơi khác do Văn phòng Trung ương bố trí, đó là một khu vườn gần Di Hoà Viên phía Tây Bắc Kinh.
Trước khi chuyển nhà vài ngày, Bành Đức Hoài đã trả lại cho Trung ương Đảng bộ lễ phục của nguyên soái mới toanh, vài bộ quân phục và rất nhiều huân chương, ông chỉ giữ lại cho mình một vài hòm sách, mấy bộ quần áo để thay giặt hàng ngày và đồ dùng cá nhân, và còn một số món đồ có ý nghĩa kỷ niệm rất đặc biệt như: một khẩu súng ngắn ổ quay, một huân chương hồng tinh, một túi tư liệu lịch sử và 8 đồng bạc tiền trợ cấp được cất giữ trong mấy chục năm là chiến binh của hồng quân. Ông quyết tâm sắp xếp lại từ đầu cuộc sống của mình.
Sau khi chuyển đến hoa viên nhà họ Ngô, ông dành mấy ngày liền để sắp xếp lại sách báo, giấy tờ lộn xộn, sau đó ngồi yên lặng một chỗ, trầm tư suy nghĩ. Vào đúng ngày 1 tháng 10, ông đã cùng mấy nhân viên làm việc ngồi bên cạnh chiếc ti vi đen trắng xem lễ chúc mừng kỷ niệm 10 năm quốc khánh của nước nhà, tiếng hát quốc ca, tiếng bắn pháo chào, tiếng reo mừng của nhân dân đã làm rung động trái tim
ông. "Đường lối lớn muôn năm", "Đại nhảy vọt muôn năm", "Hợp tác xã nhân dân muôn năm". Những khẩu hiệu này đã làm đau nhói lòng ông, khiến ông không thể giữ nổi tinh thần bình tĩnh.
Sau ngày quốc khánh, Trung Quốc đã không tránh khỏi một tai hoạ mang tính toàn quốc.
Lễ kỷ niệm quốc khánh vừa xong, Bành Đức Hoài liền vào trong vườn đi lại, suy ngẫm. Ông thấy có nhiều chỗ ở vẫn trống, và có rất nhiều hồ nước bẩn, tinh thần ông thấy phấn chấn hẳn lên. Ông lên kế hoạch mùa thu năm nay cần phải vét hết bùn bẩn ở trong hồ nước lên làm phân bón, sau đó sẽ sửa thành một cái vườn thật đẹp. Tuy lúc ấy đã là giữa mùa thu, và tuổi đã cao nhưng ông vẫn xắn quần lên đi chân trần lội xuống hồ và lấy hai tay vét từng đám bùn đất bẩn, đen xì đưa lên mũi ngửi và luôn mồm khen ngợi: "Bùn rất tốt! Bùn tốt quá! Vậy là đã giải quyết được vấn đề phân bón trồng cây!" Tiếp đến ông liền điều động những chiến sỹ cảnh vệ đến để cùng gánh bùn lên trên, ông làm việc rất chăm chỉ, mồ hôi túa ra đầy người, mọi người đều khuyên ông không nên lao động vất vả quá ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhưng ông cười ha hả nói: "Làm như vậy đã là gì đâu, ra đầy mồ hôi thì mới thoải mái chứ!". Khí phách rong ruổi trên sa trường năm ấy lại được dịp bộc lộ ra.
Đầu mùa xuân năm sau, Bành Đức Hoài càng bận rộn hơn. Đầu xuân, ông đã trồng lên mảnh đất đó một ít rau xanh và một ít lúa mạch, khoai lang, ngô; nuôi cá giống trong ao sen. Trồng trọt chăm chỉ nên đã thu hoạch được rất khá. Ông đã đưa cho các chiến sỹ cảnh vệ, những người dân sống chung quanh phần lớn số cá bắt được và số rau trồng được. Mấy năm sau ông còn trồng các cây ăn quả trên mảnh vườn đó, các loại cây ăn quả như đào, lê, táo, hồng và nho. Ông đã biến mảnh đất hoang thành một mảnh vườn sai cây trái.
Ông đã trở thành một người nông dân thực thụ, lúc nào cũng quan tâm đến cuộc sống của những người dân trong thôn. Ông đã là bạn của những nông dân và thường đến nhà họ chơi, thấy nhà ai có cuộc sống khó khăn liền giúp đỡ bằng cách cho một ít tiền. Ông thấy nguồn nước, nguồn điện của người dân trong thôn rất khó khăn nên đã tự bỏ tiền ra lắp ống dẫn nước và bóng điện. Trong lòng ông lúc nào cũng quan tâm, chú ý đến những nỗi vất vả của dân. Thời gian đầu khi Bành Đức Hoài mới đến sống trong hoa viên nhà họ Ngô thì cuộc sống cũng khá đầy đủ. Nhưng sau đó thì tai hoạ đã vô tình nhanh chóng từ đâu ập đến. Năm 1960, do ảnh hưởng của tư tưởng chỉ đạo "tả khuynh", sản xuất công - nông nghiệp của cả nước lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nghiêm trọng, sản lượng dầu giảm sút nhiều vì thiếu nguyên vật liệu, rất nhiều các công trình xây dựng phải đình lại, nông thôn bị mất mùa trên diện rộng, một số tỉnh như An Huy, Hà Nam, Cam Túc... vẫn thường xẩy ra những vụ người chết đói thật đau thương. Hậu quả của tai hoạ "Đại nhẩy vọt" và "khuynh hướng phản hữu" đã khiến cho Chủ tịch Mao Trạch Đông và Trung ương Đảng không thể không chú ý.
Tháng 11, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phê duyệt khẩn cấp chính sách hiện nay về hợp tác xã nhân dân (thường gọi tắt là "12 Điều"). Tinh thần chủ yếu của chính sách này là sửa chữa sai lầm của "phái tả". Một hôm, Bành Đức Hoài
phát hiện thấy trên tường trong khu nhà ông ở có dán toàn văn "12 Điều" này liền đứng ở đó chép hết mang về nhà nghiên cứu tỉ mỉ và viết một bài về "Bút ký đọc công văn phê duyệt khẩn cấp của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc". Trong đó có đoạn: "Sau khi đọc được công văn phê duyệt khẩn cấp này tôi cảm thấy về cơ bản là rất tốt, đặc biệt là nhấn mạnh sửa chữa phong cách cộng sản "một bình hai điều", trả lại quyền sử dụng nhà ở và đất đai cho nông dân. Những biện pháp cụ thể này đã có tác dụng cho việc đoàn kết nông dân, hồi phục nền sản xuất và củng cố chế độ sở hữu tập thể khiến tôi vô cùng vui sướng".
Bành Đức Hoài rất muốn báo cáo với Trung ương Đảng Cộng sản và đồng chí Chủ tịch Mao những ý kiến này để góp phần giúp Trung ương từng bước sửa chữa sai lầm, giảm bớt tổn thất. Ông tỉnh táo nhận thức được rằng, nếu thực sự phản ánh lên trên thì sẽ không đạt được tác dụng như mong muốn, ngược lại càng làm vấn đề phức tạp thêm. Cũng chính vì vậy mà ông đành phải viết ra nỗi khổ trong trái tim mình: "Tôi là một đảng viên Đảng Cộng sản nên nói ra suy nghĩ của mình với cấp trên, thành thật đưa ra trước Trung ương Đảng, không nên che giấu quan điểm của mình. Nhưng Hội nghị Lư Sơn, Đại hội toàn quốc lần thứ tám khoá 8 đã ra nghị quyết hoàn toàn tách tôi ra khỏi tình hình thực tế, và trên thực tế không chỉ đã khai trừ công việc của tôi mà còn đang tiến hành xoá bỏ hình ảnh của tôi trong lịch sử. Nếu nay lại nêu ra ý kiến của mình thì sẽ không có tác dụng gì mà còn gây ra sự hiểu nhầm không cần thiết, và không có ích gì đối với công việc thực tế".