PHƯƠNG PHÁP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Một phần của tài liệu Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp tại địa bàn thành phố Đà Nẵng (Trang 47 - 49)

Phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật là các cách thức, biện pháp tổ chức quá trình phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Các phương pháp áp dụng trong một hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể. Đó là các cách thức, biện pháp để đặt vấn đề, tiếp cận vấn đề cần thông tin, phổ biến, giáo dục; để giải thích, làm rõ các tư tưởng chính trị, pháp luật, các nguyên tắc pháp luật, nội dung của các quan hệ pháp luật; để lý giải bản chất các hiện tượng pháp lý một cách dễ hiểu, có sức thuyết phục, đảm bảo tính mục đích của phổ biến giáo dục pháp luật và đảm bảo tác động hai chiều giữa chủ thể và đối tượng phổ biến giáo dục pháp luật.

- Các phương pháp tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật. Các phương pháp này nhằm đưa ra những mô hình lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật... có hiệu quả trong những điều kiện cụ thể ở địa phương.

Trong doanh nghiệp là nơi tổ chức các hoạt động sản xuất ra của cải, vật chất cho toàn xã hội, lấy hiệu quả sản xuất làm thước đo cho sự tồn tại của một doanh nghiệp, nên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng để người lao động nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, lao động sản xuất theo quy định pháp luật, bên cạnh đó tự bảo vệ quyền lợi của mình trong các quan hệ lao động. Do có đặc thù về đối tượng, chủ thể, nội dung, nên hình thức, phương tiện và phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp thì mới có thể phát huy hết hiệu quả.

Phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phải bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, trình độ của đối tượng, rèn luyện kỹ năng vận dụng pháp luật vào cuộc sống, vào hoạt động lao động sản xuất cụ thể.

Phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp là hệ thống các cách thức để tiến hành hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho những người lao động, ít am hiểu về pháp luật. Đó là cách thức, biện pháp giúp người lao động tiếp cận thông tin pháp luật, cách giải thích làm rõ các tư tưởng chính trị pháp lý, các nguyên tắc, các quy phạm pháp luật...

Trong phổ biến, giáo dục pháp luật, chủ thể phổ biến, giáo dục là các chuyên gia không chỉ am tường về pháp luật mà còn phải nắm bắt nhiều lĩnh vực liên quan. Phương pháp sư phạm được coi là phương pháp quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Phương pháp sư phạm trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động điều quan trọng là bảo đảm "cung - cầu". "Cung" của người lao động là biểu hiện khả năng đáp ứng của sự nghiệp, mục tiêu, chính sách, hệ thống tổ chức đào tạo, phổ biến trong từng thời kỳ nhất định. "Cầu" của người lao động bao gồm về số lượng, chất lượng (kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, đạo đức, phẩm chất...).

Ngoài phương pháp sư phạm, chủ thể phổ biến, giáo dục pháp luật cần sử dụng nhiều phương pháp khác như: phương pháp tư duy logic, tâm lý, thực hành, giải quyết tình huống,... Một nguyên tắc chung nhất khi sử dụng các phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động đó là kết hợp lý luận với thực tiễn thi hành pháp luật, thông qua việc xử lý tình huống, kết hợp giữa điều luật cụ thể và đặt những tình huống, cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để người lao động tiếp thu một cách nhanh nhất.

Một phần của tài liệu Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp tại địa bàn thành phố Đà Nẵng (Trang 47 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)