Nguyên nhân hạn chế

Một phần của tài liệu Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp tại địa bàn thành phố Đà Nẵng (Trang 99 - 101)

II Tuyên truyền viên

2.5.2.4.Nguyên nhân hạn chế

* Nguyên nhân chủ quan

- Việc đầu tư kinh phí của chính quyền và công đoàn các cấp cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động chưa được đầu tư thích đáng. Do đó, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cũng như chế độ, chính sách cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn hạn chế, chưa thực sự khuyến khích và phát huy được tiềm năng của đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động.

- Một số cấp chính quyền, Công đoàn, doanh nghiệp chưa xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm của từng cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị mình nên còn thụ động và thiếu sự phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức, triển khai. Ở một số đơn vị, cấp công đoàn việc phổ biến, giáo dục pháp luật chỉ mới dừng lại ở việc triển khai, quán triệt trong cán bộ quản lý, cán bộ Ban chấp hành Công đoàn, chưa triển khai rộng rãi trong công nhân lao động.

- Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động nhiều lúc, nhiều nơi còn chạy theo mùa vụ, theo chủ điểm, theo phong trào. Các hình thức tuyên

truyền chưa được sáng tạo, đội ngũ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở doanh nghiệp còn hạn chế nhiều mặt, nhất là kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền miệng nên hiệu quả mang lại chưa cao. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp Công đoàn thành phố đã được củng cố, kiện toàn nhưng hầu hết báo cáo viên làm kiêm nhiệm, thiếu kỹ năng tuyên truyền nên gặp nhiều khó khăn trong việc truyền đạt nội dung pháp luật đến người nghe.

- Công tác tham mưu, phối hợp của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật từ Liên đoàn Lao động thành phố đến cơ sở đối với cấp ủy, chính quyền, chủ doanh nghiệp về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động nhiều khi thiếu chủ động, chưa thường xuyên, kịp thời, cơ chế phối hợp với các cơ quan có liên quan chưa được quan tâm, chậm đổi mới.

- Thể chế của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động chưa hoàn thiện. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp Công đoàn hoạt động theo cơ chế phối hợp, các thành viên làm việc kiêm nhiệm nên không thể dành nhiều thời gian đầu tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trình độ không đồng đều. Số cán bộ có trình độ chuyên môn về pháp luật, nhất là pháp luật chuyên ngành còn ít; cán bộ có kinh nghiệm và nghiệp vụ tập trung chủ yếu tại cấp thành phố.

- Trình độ, năng lực của một số cán bộ Công đoàn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cán bộ Công đoàn cấp cơ sở còn thiếu về số lượng, phần lớn là kiêm nhiệm nên hạn chế về nghiệp vụ, không có kinh nghiệm hoạt động, không nắm và hiểu biết pháp luật nên không dám đấu tranh khi quyền lợi của người lao động bị vi phạm vì quyền lợi bản thân bị đe dọa.

* Nguyên nhân khách quan

- Việc ban hành quá nhiều văn bản pháp luật cũng như các chương trình, kế hoạch của nhà nước cần triển khai, thực hiện cùng một thời điểm, trong khi điều kiện nhân lực, vật lực có hạn chế. Hệ thống pháp luật nước ta chưa đồng bộ, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống, chất lượng các văn bản luật chưa cao, số lượng các văn bản pháp luật của Nhà nước ban hành ngày càng nhiều, lại thường xuyên

sửa đổi, bổ sung... do vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Cơ chế hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động còn bất cập. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động là hoạt động liên quan đến tất cả các ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp và toàn bộ đời sống xã hội, song trong quá trình triển khai và phối hợp thực hiện còn nhiều khó khăn và vướng mắc. Tổ chức thi hành pháp luật còn thiếu chặt chẽ, ý thức một bộ phận người lao động trong chấp hành pháp luật còn nhiều hạn chế, cơ chế quản lý nhà nước bằng pháp luật chưa đồng bộ gây khó khăn không ít cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động nói riêng.

- Cơ chế, điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với cán bộ Công đoàn còn nhiều bất cập; không có cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn nên không thu hút được người có năng lực, tâm huyết.

- Một số chủ doanh nghiệp chưa thực sự tôn trọng tổ chức Công đoàn, né tránh việc thành lập, gây khó khăn cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến toàn thể người lao động.

- Điều kiện sống, làm việc của người lao động còn nhiều khó khăn do vật giá tăng nhanh, lương thấp, cường độ lao động cao, chủ doanh nghiệp chưa có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động. Cùng với những tác động của cơ chế thị trường, tình trạng tham nhũng, lãng phí, lạm phát, khủng hoảng kinh tế,… đã gây nhiều khó khăn không nhỏ cho hoạt động này.

Một phần của tài liệu Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp tại địa bàn thành phố Đà Nẵng (Trang 99 - 101)