Những hạn chế, khuyết điểm

Một phần của tài liệu Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp tại địa bàn thành phố Đà Nẵng (Trang 94 - 99)

II Tuyên truyền viên

2.5.2.3.Những hạn chế, khuyết điểm

Bên cạnh những kết quả đạt được và những ưu điểm nêu trên, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thời gian qua còn những hạn chế, khuyết điểm và bất cập đó là

Thứ nhất, người lao động làm việc trong các công ty, xí nghiệp, trình độ nhận thức thấp, cường độ lao động cao, căng thẳng phải tăng ca, tăng giờ để đảm bảo thu nhập, đời sống và sản xuất ra của cải vật chất cho toàn xã hội. Do phụ thuộc hoàn toàn vào giới chủ, thời gian lao động, cường độ lao động hàng ngày của công nhân thường kéo dài và khá căng thẳng, nên công nhân ít có thời gian dành cho sinh hoạt cá nhân, học tập nâng cao trình độ, sinh hoạt tìm hiểu thông tin pháp luật và tham gia các hoạt động văn hóa tinh thần và hoạt động tập thể. Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp; chưa thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Lao động, nhất là các quy định về chế độ tiền lương, bảo hiểm, bảo hộ lao động... đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, tư tưởng của công nhân. Hoạt động của các doanh nghiệp theo ca, kíp, dây chuyền sản xuất, nên khó khăn về thời gian sinh hoạt của công nhân. Việc tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật còn phụ thuộc nhận thức của lãnh đạo trong các doanh nghiệp. Thực tế nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không quan tâm hoặc không ủng hộ vì cho rằng phổ biến, pháp luật cho người lao động hiểu sẽ đấu tranh đòi quyền lợi, ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp.

Hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được nghiên cứu cụ thể cho phù hợp với tính chất công việc, điều kiện làm việc của từng đối tượng người lao động trong các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật vẫn mang nặng tính hành chính, thiếu sự chủ động tham gia từ phía các đối tượng được tuyên truyền.

Nhận thức của người lao động về pháp luật không rõ ràng, ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành nội quy lao động của người lao động trong các doanh nghiệp còn yếu.

Phần lớn đội ngũ công nhân trong các doanh nghiệp Đà Nẵng chủ yếu xuất thân từ nông thôn, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn; trình độ chuyên môn, tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tính làm chủ và tự rèn luyện còn kém, trên 80% chưa qua đào tạo nghề ở các trường chuyên nghiệp, hiểu biết pháp luật thấp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của công nhân chưa cao. Vì vậy, một số không ít công nhân nhận thức về tầm quan trọng của việc tìm hiểu pháp luật chưa cao, nên không có ý thức tìm hiểu pháp luật.

Thứ hai, nếu nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp, dễ hiểu, dễ đi vào cuộc sống thì sẽ mang lại hiệu quả cao. Trong phổ biến, giáo dục pháp luật cần kết hợp giữa phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật sâu cho người lao động, không chỉ dừng ở việc tìm hiểu pháp luật chung mà còn có ý thức phát hiện những quy định pháp luật không phù hợp với thực tế đời sống người lao động từ đó có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật này. Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng nhiều với số lượng lớn, lại liên tục sửa đổi, bổ sung nên việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến tất cả các đối tượng chưa kịp thời, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Vì vậy, trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật cần quan tâm đến vấn đề này để có biện pháp đưa pháp luật vào đời sống người lao động một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại doanh nghiệp còn ít về số lượng, trình độ pháp lý thấp, nhưng luôn biến động nên chưa được đào tạo, bồi dưỡng thích hợp về kiến thức pháp luật và kỹ

năng truyền đạt, phần đông trong số họ làm việc kiêm nhiệm, do đó chất lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa cao. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở cấp thành phố và quận, huyện, ngành, Công đoàn các khu công nghiệp, chế xuất chưa đảm bảo đủ số lượng, trình độ pháp lý còn thấp; báo cáo viên pháp luật toàn hệ thống Công đoàn thành phố đào tạo chuyên ngành luật chiếm 16,14% tổng số, còn đa số là tốt nghiệp các ngành khác và được bồi dưỡng kiến thức pháp luật qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng. Đội ngũ tuyên truyền viên có kiến thức chuyên luật mới chiếm 10,89% tổng số, còn đa số là thông qua tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật do Liên đoàn Lao động và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức. Chưa có đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các doanh nghiệp. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các công đoàn ngành, Liên đoàn Lao động quận, huyện và công đoàn cấp trên cơ sở chưa thực sự tạo được bước đột phá, chương trình hoạt động chưa cụ thể, có nơi còn hình thức, cơ cấu cho đủ ban bệ nhưng không tổ chức hoạt động. Chất lượng hoạt động của Hội đồng hòa giải cơ sở và hòa giải viên lao động tại các doanh nghiệp và cấp quận, huyện chưa đáp ứng yêu cầu. Văn phòng tư vấn pháp luật tại thành phố hoạt động chưa hiệu quả do đặt xa các Khu công nghiệp nên không thu hút người lao động đến tư vấn pháp luật, đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật trình độ pháp lý và khả năng tư vấn, trợ giúp pháp lý chưa đảm bảo. Hoạt động của một số Công đoàn cơ sở còn yếu, chưa khẳng định được vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình trong phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Thứ tư, việc đầu tư kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức; công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động. Tuy nhiên, trong phân bổ Ngân sách hàng năm cho hoạt động này chưa có, các đơn vị tổ chức tốt hoạt động chủ yếu từ sự hỗ trợ kinh phí của phía chuyên môn và Hội đồng phổ biến pháp luật cấp quận, huyện, riêng công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất, công đoàn ngành với số lượng lao động chiếm 60% tổng số lao động toàn thành phố nhưng vẫn chưa có nguồn kinh phí để đầu tư cho công tác này. Các chủ Doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư kinh phí cho

các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp, chưa tạo điều kiện để Công đoàn tổ chức tốt hoạt động này. Còn hiện tượng khoán trắng cho tổ chức công đoàn thực hiện, doanh nghiệp không quan tâm đến; chưa chủ động, còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật từ chính quyền, công đoàn cấp trên. Chưa có cơ chế rõ ràng để vận động thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động.

Thứ năm, trong những năm qua công tác phối, kết hợp giữa Liên đoàn Lao động thành phố, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố đã được quan tâm. Tuy nhiên, sự phối hợp với các cơ quan còn lại như: Sở Tư pháp, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, quận, huyện chưa thực sự đồng bộ và chặt chẽ, dẫn đến bỏ trống địa bàn hoặc trùng lặp, gây lãng phí.

Thứ sáu, với kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động như trên, cho thấy 9 năm qua với số lượng Luật, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người lao động được ban hành, sửa đổi, bổ sung lớn, nhưng phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động tổng các biện pháp, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mới đạt 62,1% so với tổng số công nhân lao động. Việc cung cấp tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn ít mới đạt 45,47% số công nhân lao động hiện có trên địa bàn. Việc xây dựng các tủ sách pháp luật, các túi pháp luật tại các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, mới xây dựng được tủ sách pháp luật ở Công đoàn cấp trên, hiệu quả hoạt động của tủ sách còn nhiều hạn chế. Số công nhân lao động được phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp mới đạt 16,6% so với tổng số. Hiện nay, trên địa bàn có hơn 1.000 lao động người nước ngoài đến đầu tư, lao động sản xuất nhưng chưa xây dựng được bộ tài liệu riêng và quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng là người nước ngoài này.

Thứ bảy, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua ở một số công đoàn ngành, địa phương vẫn còn mang tính thời sự, phong trào, chưa đi sâu phân tích, giải thích một cách cụ thể những nội dung chủ yếu người lao động cần tìm hiểu, chưa xuất phát từ nhu cầu bức xúc của đối tượng này và chưa mang tính giải đáp pháp luật từ những vụ việc thực tế. Một số nơi còn nặng về hình thức, chưa chú trọng tới hiệu quả thực sự. Tài liệu biên soạn còn chung chung, dàn trải, khó

hiểu chưa xuất phát từ nhu cầu của người lao động; chưa biên soạn được những tài liệu về các tình huống pháp luật trong thực tế, các câu hỏi đáp ngắn gọn, súc tích, các hình ảnh, vụ án cụ thể minh hoạt còn ít, còn lý thuyết suôn.

Thứ tám, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó tác động đến toàn bộ quá trình tổ chức, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động nói riêng. Những năm qua, các cấp, các ngành nhận thức chưa đầy đủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động, còn xem nhẹ công tác này. Việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương chưa kịp thời, chưa thực sự xem công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị. Ở một số đơn vị xem công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động là nhiệm vụ của các cấp Công đoàn, do đó thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, hoặc lúc đầu triển khai mạnh sau đó lại không duy trì thường xuyên việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra. Mặc dù Chỉ thị số 32-CT/TW đã xác định rõ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là trách nhiệm của các ngành, các cấp nhưng đến nay việc chỉ đạo, lãnh đạo công tác này của cấp ủy và chính quyền một số nơi chưa sát, chưa gắn kết chặt chẽ hoạt động chuyên môn với phổ biến pháp luật.

Thứ chín, chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động chưa đồng đều, đơn vị nào dễ thì tập trung phổ biến, giáo dục liên tục, đơn vị nào khó thì hầu như bỏ qua. Hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tuy có nhiều đổi mới song vẫn chưa theo kịp với tình hình thực tiễn, nhất là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc chỉ đạo tổng kết, khen thưởng, nhân rộng mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động tốt tại cơ sở còn ít. Thời lượng và chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc ứng dụng công nghệ tin học vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nhìn chung

chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Cập nhật các văn bản pháp luật mới trên các trang thông tin điện tử chưa kịp thời. Chưa sử dụng hết cơ sở hiện có để phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như hệ thống 864 lao truyền thanh các quận, huyện và hệ thống loa nội bộ tại các doanh nghiệp để phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ mười, việc xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về chủ thể, đối tượng, nội dung, phương pháp, hình thức và yếu tố tác động chưa được quan tâm. Phổ biến, giáo dục pháp luật mới ở một chiều là chủ thể phổ biến, giáo dục pháp luật tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đến người lao động, nhưng hiệu quả như thế nào thì chưa được đánh giá một cách cụ thể. Số vụ việc người lao động vi phạm pháp luật còn cao, sự hiểu biết pháp luật, các quyền và nghĩa vụ của người lao động còn thấp. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật chưa chú trọng nhiều đến quyền con người của người lao động, mới chỉ phổ biến chung chung.

Một phần của tài liệu Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp tại địa bàn thành phố Đà Nẵng (Trang 94 - 99)