Nhận thức quyền con người trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động ở các loại hình doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp tại địa bàn thành phố Đà Nẵng (Trang 40 - 42)

cho người lao động ở các loại hình doanh nghiệp

Tư tưởng về quyền con người và việc bảo vệ quyền này đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử nhân loại. Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước xã hội chủ nghĩa đã đi đầu trong việc nêu bật các quyền dân tộc cơ bản như bộ phận thiết yếu của các quyền tập thể, đưa ra cách đề cập toàn diện và biện chứng hơn về nhân quyền. Còn ở Châu Âu, kể từ thời Phục Hưng trở đi, tư tưởng về quyền tự nhiên ngày càng trở nên phổ biến. Có thể kể đến một số đại biểu xuất sắc là Lôccơ (Anh), Rútxô (Pháp), Xpinôda (Hà Lan), I.Can tơ, Pruphenđóocphơ (Đức), Jepphécxơn (Mỹ). Mặc dù, khái niệm về quyền con người hiện đại chủ yếu bắt nguồn từ Châu Âu nhưng ngày nay cần khẳng định rằng những khái niệm cơ bản của quyền con người về tự do và công bằng xã hội có tính chất phổ biến trên toàn thế giới. Các nội dung đầu tiên của quyền con người quốc tế thực sự có thể được tìm thấy trong các Hiệp định về Quyền tự do tôn giáo, Công ước Westphalia năm 1648 và việc cấm

chế độ chiếm hữu nô lệ như tuyên ngôn về việc buôn bán nô lệ của Quốc hội Vienna vào năm 1815, việc sáng lập xã hội chống chế độ chiếm hữu nô lệ Mỹ vào năm 1833 và Công ước quốc tế về chống chế độ chiếm hữu nô lệ năm 1926. Đặc biệt, thể hiện một cách tiêu biểu nhất nội dung quyền con người là hai văn bản nổi tiếng - Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1789. Theo đó, lời tuyên bố sau đã mãi mãi đi vào lịch sử phát triển của khái niệm nhân quyền trên phạm vi toàn thế giới: "Những chân lý sau đây đã được chúng tôi công nhận như những sự thật hiển nhiên là tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng; tạo hóa đã cho họ các quyền không thể thay thế được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc". Đây là những văn bản xác nhận chính thức về mặt pháp lý của Nhà nước về quyền con người và việc bảo vệ nhân quyền.

Như vậy, cốt lõi của khái niệm quyền con người là khát vọng bảo vệ nhân phẩm của tất cả con người hay "điều cốt yếu là các quyền con người phải được bảo vệ bằng pháp luật". Về quyền con người có nhiều quan điểm khác nhau, theo tạp chí Triết học quyền con người là "những đòi hỏi chính đáng về tự do và những nhu cầu cuộc sống cơ bản cần được đáp ứng của con người" [51]. Cũng có thể hiểu quyền con người là những đặc quyền vốn có tự nhiên của con người, chỉ có con người mới có và các quyền này phải được bảo vệ bằng pháp luật quốc gia và quốc tế. Đối với Hiến pháp năm 1992 quyền con người được xen lẫn với quyền công dân và quy định ở Chương V từ Điều 49 đến Điều 82.

Trong nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức quyền con người. Quyền con người trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động là quyền của người lao động được các chủ thể phổ biến, giáo dục pháp luật cung cấp các kiến thức pháp luật cần thiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình trong các quan hệ xã hội và quan hệ lao động. Do đó, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã quy định ở Điều 1 "Luật này quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật" và Điều 2 về quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của

công dân: "Công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật".

Quyền của người lao động được tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật đó là: quyền được làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử; quyền hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể; quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại với người sử dụng lao động, thực hiện quy chế dân chủ và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; quyền đình công. Bên cạnh đó cần giáo dục các nghĩa vụ của người lao động đó là thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể; chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động; thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.

Một phần của tài liệu Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp tại địa bàn thành phố Đà Nẵng (Trang 40 - 42)