HÌNH THỨC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Một phần của tài liệu Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp tại địa bàn thành phố Đà Nẵng (Trang 42 - 47)

Mục đích và nội dung của phổ biến, giáo dục pháp luật không thể tự thân đi vào nhận thức, tình cảm của người được phổ biến, giáo dục pháp luật, mà phải qua những kênh chuyển tải thông tin, là các dạng hoạt động cụ thể để tổ chức quá trình phổ biến, giáo dục pháp luật, thể hiện nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật. Các dạng hoạt động cụ thể đó phải phù hợp với khả năng tiếp cận của đối tượng. Do đó, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ phụ thuộc vào việc xác định đúng mục đích và nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật mà còn phụ thuộc vào việc xác định đúng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Có nhiều quan niệm khác nhau về hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Xuất phát từ giáo dục học, khái niệm hình thức phổ biến, giáo dục được hiểu là: Các hình thức tổ chức hoạt động phối hợp giữa người phổ biến, giáo dục và người được phổ biến, giáo dục

nhằm chiếm lĩnh nội dung phổ biến, giáo dục và đạt mục đích phổ biến, giáo dục.

Trên cơ sở của khái niệm này, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được coi là các dạng cụ thể, có tổ chức phối hợp giữa chủ thể phổ biến, giáo dục pháp luật và đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật để thể hiện nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật và đạt mục đích phổ biến, giáo dục pháp luật. Từ khái niệm hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, người ta còn phân chia hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật ra thành nhiều loại khác nhau. Qua thực tiễn và qua nghiên cứu lý luận về nguyên tắc, nội dung, chủ thể, đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được chia làm hai loại:

- Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mang tính phổ biến, truyền thống của giáo dục chính trị tư tưởng như: phổ biến, nói chuyện pháp luật tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức quần chúng, các doanh nghiệp, các địa bàn dân cư; các hội nghị, hội thảo pháp luật; các câu lạc bộ pháp luật; các đội thông tin cổ động pháp luật; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác; các hình thức văn học nghệ thuật; dạy và học pháp luật trong các nhà trường.

- Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đặc thù như: Các hoạt động định hướng phổ biến, giáo dục pháp luật trong các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp của các cơ quan nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án và Viện kiểm sát); phổ biến, giáo dục pháp luật qua các hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức quần chúng (tổ hòa giải, tư vấn pháp luật, hội đồng hòa giải cơ sở,...).

Phương tiện phổ biến, giáo dục pháp luật được hiểu là các công cụ, các kênh truyền tải nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật từ chủ thể đến đối tượng để đạt mục tiêu phổ biến, giáo dục pháp luật. Hiện nay, các phương tiện chủ yếu để phổ biến, giáo dục pháp luật là: bằng lời nói trực tiếp (tuyên truyền miệng); bằng các phương tiện thông tin đại chúng (báo nói, báo viết, báo hình); bằng những hiện vật nhìn thấy được (panô -áp phích, bảng, biển...); bằng các loại hình văn hóa nghệ thuật,...

Về hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp được thực hiện trong từng đối tượng, điều kiện vật chất, điều kiện

sản xuất, lao động, trình độ của người lao động mà có hình thức phù hợp. Những hình thức phổ biến, giáo dục cơ bản cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp sau:

- Tuyên truyền miệng trong phổ biến, giáo dục pháp luật: đây là hình thức người nói trực tiếp nói với người nghe về một nội dung pháp luật nào đó nhằm nâng cao nhận thức, niềm tin và ý thức chấp hành pháp luật cho người nghe. Ưu điểm của hình thức này là tính linh hoạt, có thể tiến hành với nhiều người, ở mọi lúc, mọi nơi. Tuyên truyền miệng sử dụng được thế mạnh của văn học nghệ thuật giúp cho quá trình truyền tải tri thức pháp luật ít khô cứng. Tuyên truyền miệng kết hợp với các giáo cụ trực quan minh họa như: đèn chiếu, máy vi tính, pa nô, ảnh,... có tác dụng lôi cuốn người nghe. Với hình thức này thì người tuyên truyền cần rèn luyện cho mình cách biểu cảm trong quá trình tuyên truyền, thể hiện bằng giọng nói, ngữ điệu, cử chỉ, vẻ mặt. Đồng thời rèn luyện khả năng nắm bắt tâm lý người nghe, đặt câu hỏi cho người nghe, vừa để đánh giá mức độ tiếp thu, vừa để người nghe tập trung, bên cạnh tính sinh động của văn nói, cần chú ý tính chính xác của các thuật ngữ pháp lý. - Phổ biến, giáo dục pháp luật qua phương tiện thông tin đại chúng: trong đời sống pháp lý, các phương tiện thông tin đại chúng là công cụ, phương tiện hết sức hữu hiệu đưa pháp luật đến với người lao động, giúp họ hiểu biết pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Với đặc trưng là tính phổ cập, thường ngày và rộng khắp, với mục đích tác động và góp phần tạo dựng cuộc sống xã hội lành mạnh, các phương tiện thông tin đại chúng khi đã được định hướng thông tin và đảm bảo tính chân thực, không gây dư luận trái chiều sẽ là kênh tuyên truyền pháp luật hiệu quả đến người lao động. Các phương tiện thông tin đại chúng bao gồm báo nói, báo viết, báo hình, báo điện tử. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có thể mở chuyên trang, chuyên mục, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc đưa tin phản ánh lồng ghép với các chuyên mục khác.

- Thi tìm hiểu pháp luật: đây là một trong những hình thức phổ biến giáo dục pháp luật hấp dẫn, có hiệu quả cao, được sử dụng nhiều trong thực tế. Thi tìm hiểu pháp luật có lợi thế là dễ dàng mở rộng được phạm vi đối tượng phổ biến đó là: cả người dự thi và người theo dõi cuộc thi; đáp ứng được yêu cầu phổ cập pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là người lao động trong các loại hình doanh nghiệp,

phát huy được tính tích cực, chủ động của đối tượng dự thi và giúp họ nhận thức sâu sắc hơn nội dung pháp luật cần tìm hiểu, từ đó nâng cao ý thức pháp luật cho họ. Một lợi thế khác của thi tìm hiểu pháp luật là có thể sử dụng được nhiều phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức khác nhau và do đó có thể tổ chức được ở nhiều nơi, nhiều lúc, với phạm vi mức độ khác nhau tùy theo yêu cầu và tình hình đặc điểm cụ thể. Thông qua các hình thức thi, những nội dung pháp luật được chuyền tải đến các đối tượng một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sinh động, tránh được sự cứng nhắc, khô khan; đối tượng tiếp nhận các kiến thức pháp luật một cách thỏa mái và hoàn toàn chủ động. Hiểu biết về pháp luật và khả năng áp dụng pháp luật của đối tượng được nâng cao. Bên cạnh đó, kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật của người tổ chức cũng được gọt giũa, được tôi luyện, trở nên tinh gọn, hiệu quả hơn. Nhờ vậy, pháp luật có điều kiện lan tỏa, dễ đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tốt hơn. Đây vừa là yêu cầu, đòi hỏi, vừa là vai trò của thi tìm hiểu pháp luật. Thông qua thi tìm hiểu pháp luật, pháp luật được truyền tải đến cán bộ, nhân dân một cách trực tiếp và gián tiếp: trực tiếp là đối tượng dự thi phải tìm hiểu pháp luật để thi, trả lời các câu hỏi trên sân khấu hội thi; gián tiếp là tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc thi, thể lệ, câu hỏi thi trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó pháp luật được phổ biến đến nhân dân và người lao động.

- Phổ biến giáo dục pháp luật qua tài liệu và công cụ trực quan khác: đây là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được sử dụng thường xuyên nhất, tài liệu thực hiện dưới nhiều dạng như: đề cương phổ biến, giáo dục pháp luật, sổ tay, sách bỏ túi, tờ gấp, tờ rơi, panô, áp phích, đĩa CD, VCD,... người lao động có thể tận dụng thời gian để tìm hiểu pháp luật mọi lúc, mọi nơi. Biên soạn và phát hành tài liệu cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp cần phù hợp với trình độ, nhu cầu, quỹ thời gian của người lao động. Tờ gấp có thể phát đại trà cho người lao động trong các buổi tuyên truyền miệng. Tài liệu bỏ túi có thể chuyển tới từng chuyền sản xuất để người lao động tìm hiểu vào những lúc rảnh rỗi. Đĩa CD có thể dùng cho hệ thống loa truyền thanh nội bộ vào giờ nghỉ giữa ca, nghỉ ăn cơm trưa, hay trên xe đưa đón công nhân. Panô, khẩu hiệu, tranh cổ động, bảng tin là những phương tiện tuyên truyền mang tính trực quan sinh động, thông qua hình ảnh để nắm bắt nội dung.

- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý: Tư vấn pháp luật là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài xử sự đúng pháp luật; cung cấp, trợ giúp các dịch vụ pháp lý nhờ đó cá nhân, tổ chức thực hiện và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người tư vấn cần có chuyên môn giỏi, có kỹ năng tư vấn, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tư vấn, nếu tư vấn sai phải bồi thường. Trong quá trình tư vấn cán bộ tư vấn nên kết hợp hòa giải (nếu có thể). Cán bộ tư vấn phải trung thực, khách quan, kiên nhẫn, phát triển vấn đề trên cơ sở pháp lý, luôn đứng về phía khách hàng nhưng không thiên vị, chủ quan.

Phương pháp tư vấn cũng rất đa dạng, có thể bằng miệng, bằng văn bản, qua thư tín, điện thoại, hướng dẫn, soạn thảo văn bản hoặc góp ý kiến vào đơn từ, văn bản có liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân, hướng dẫn những thủ tục cần thiết và cung cấp địa chỉ cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc, hoặc tạo điều kiện cho đối tượng được tiếp cận những văn bản pháp luật cần thiết nhằm giúp họ nâng cao nhận thức và vận dụng pháp luật. Phương thức tư vấn còn được thể hiện bằng việc đại diện hoặc trực tiếp tham gia trong các hoạt động thương lượng, ký kết, hòa giải trước các cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật, tham gia bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng trước tòa khi có yêu cầu.

- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải cơ sở: Hòa giải cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thiết phục các bên đạt được thỏa thuận, tự giải quyết với nhau tận gốc những xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp những việc vi phạm pháp luật có tính chất nội bộ, nhằm phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật. Hòa giải là một hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với từng vụ việc cụ thể, có hiệu quả trực tiếp, rất thiết thân với người lao động. Một vụ việc được hòa giải thành có tác dụng truyền tải pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống người lao động một cách tự nhiên. Cán bộ làm công tác hòa giải cần quán triệt tinh thần: giáo dục, thuyết phục, cảm hóa, công bằng, khách quan, thận trọng, kiên nhẫn trên tinh thần xây dựng, vận dụng mọi mối quan hệ để giải quyết mâu thuẫn.

- Phổ biến, giáo dục pháp luật qua các sinh hoạt văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở: lồng ghép nội dung pháp luật vào các hoạt động văn hóa truyền thống sẽ mềm mại, không khô cứng, dễ hiểu, dễ nhớ, có độ thẩm thấu cao. Bên cạnh

đó, thì sinh hoạt văn hóa cộng đồng sẽ thu hút được đông đảo các đối tượng tham gia. Một số đơn vị đã lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, vào xây dựng tổ công nhân tự quản khu nhà trọ.

- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua xây dựng tủ sách pháp luật: tủ sách pháp luật là nơi lưu giữ, khai thác và sử dụng sách báo, tài liệu pháp luật để phục vụ nhu cầu công tác, nghiên cứu, tìm hiểu của người đọc. Tủ sách pháp luật cần được đặt ở vị trí thuận lợi để người lao động tiện tìm hiểu; tài liệu trong tủ sách bên cạnh những văn bản pháp luật chung, cần có những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động; tùy theo điều kiện từng đơn vị, bố trí cán bộ làm nhiệm vụ quản lý và hướng dẫn khai thác tủ sách pháp luật. Chúng ta cũng có thể tìm hiểu ở trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp tại địa chỉ http://www.moj.gov.vn mục phổ biến, giáo dục pháp luật.

Từ những hình thức đó, tùy vào điều kiện khác nhau của đơn vị, đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật, trình độ đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật mà lựa chọn một hoặc một vài hình thức kết hợp với nhau để phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động, nhằm đạt được mục đích và đem lại hiệu quả cao nhất trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

Một phần của tài liệu Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp tại địa bàn thành phố Đà Nẵng (Trang 42 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)