Người xứ Nghệ rất bộc trực, thẳng thắn. Sự bộc trực thẳng thắn là nghĩ sao nói vậy. Đây là một nét tính cách đẹp trong mối quan hệ giữa người với người. Chàng trai xứ Nghệ khi yêu muốn nói thẳng rằng yêu, yêu thủy chung, yêu mãnh liệt chứ không chấp nhận sự lấp lửng, hời hợt:
Có thương thì thương cho chắc Có trục trặc thì trục trặc cho luôn Đừng như con thỏ đứng đầu truông Khi vui giỡn bóng, khi buồn giỡn trăng
(ca dao) Có yêu thì nói rằng yêu
Không yêu thì nói một điều cho xong Làm gì dở đục giở trong
Lờ đờ nước hến cho lòng tương tư
(ca dao)
Câu ca dao xứ Nghệ đã phần nào thể hiện khá rõ tính cách của con người Nghệ Tĩnh, thẳng thắn bộc trực nhưng cũng rất thông minh hóm hỉnh và tinh tế. Minh Huệ và Trần Hữu Thung lớn lên trong cái nôi văn hóa quê hương, thơ ca của họ cũng nằm trong tầm ảnh hưởng đó.
Tính cách của nhà thơ Trần Hữu Thung trung thực, bộc trực và thẳng thắn. Ông rất lãng mạn nhưng cũng rất chỉn chu, cụ thể, hiện thực. Đói là nói đói, ngon là nói ngon. Tính cách ấy, lối sống ấy đã đi vào thơ ông một cách tự
nhiên, mà rõ nhất là ở những nhân vật trữ tình. Cô gái trong bài thơ Có đây với đó xa chi của Trần Hữu Thung đã không ngại ngần khi bộc lộ tâm trạng,
khát khao mong muốn được gặp người mình thương:
Đêm nay đó nhớ sang cùng,
Ngọn đèn thêm ấm, đây lòng thêm vui (Có đây với đó xa chi)
Chúng ta cũng cảm nhận được lời yêu rất thật của chàng trai qua cách nói rất chân thành trong thơ Minh Huệ:
Em ơi, xích gần lại Thêm ấm áp đêm dài, Hẹn một ngày lễ cưới Sương tan giữa nắng mai.
(Đêm trường)
Còn đối với kẻ thù cướp nước phá hoại quê hương, Minh Huệ và Trần Hữu Thung luôn thể hiện thái độ căm thù sâu sắc :
Trăm năm cho đến ngàn năm Đất còn gót giặc, còn bầm máu ta.
Tang thương còn đến từng nhà, Sông đài còn vọng lời ca hận thù…
( Người khách - Trần Hữu Thung) Và một tối, đầy thôn đuốc đỏ,
Trống mõ dồn kéo gỗ về đình Mổ lợn kêu tên dưới ánh sao xanh, Lần lượt đóng đinh thề: Quyết đánh!
( Chuyện bắt đầu - Trần Hữu Thung)
Chúng ta cũng bắt gặp cách nói bộc trực, tỏ rõ thái độ căm phẫn như thế trong thơ Minh Huệ qua bài Loạt đạn mẹ hiền:
Mẹ thoa nòng pháo xanh rờn Thép đang nóng rực căm hờn, mẹ ơi.
Nỗi nhức nhối, căm thù quân giặc đạn cày, bom nổ đã đè nặng lên trái tim của thi nhân làm bật lên những vần thơ đau xé:
Ai qua trước ngõ Có nghe
Quanh cây cột nhà cháy dở Nhức nhối như bia căm thù
(Ta lại dựng nhà ta - Minh Huệ)
Thơ có tài là thơ nói rõ ra được cái thật, nói cho sung sướng thấy mình trong đó (Tố Hữu), quả đúng vậy. Thơ Minh Huệ - Trần Hữu Thung là những
tiếng nói rất thật thể hiện một phần nào cốt cách của người xứ Nghệ.