Định hướng về mô hình để phát triển cây công nghiệp lâu năm

Một phần của tài liệu phát triển cây công nghiệp lâu năm ở đồng nai thời kinh tế thị trường và hội nhập (Trang 151)

Trong tương lai, để hình thành được những vùng chuyên canh mang tính hàng hóa có năng suất cao, chất lượng tốt, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thuận lợi, tăng hiệu quả sản xuất, tăng giá trị trên đơn vị diện tích trên 20%, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn thì Đồng Nai cần xây dựng “Mô hình phát triển CCNLN theo hướng GAP và ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm (TTK) và bón phân qua đường ống”. Khi ứng dụng mô hình này, nông dân sẽ tiếp cận được với mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp. Trước hết, nông dân sẽ tiếp nhận được những kiến thức khoa học tiên tiến về trồng các CCNLN theo tiêu chuẩn VietGap, cũng như các tiêu chuẩn về giống, phương thức canh tác, chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch theo hướng GAP. Việc triển khai và phát triển sản xuất theo hướng GAP sẽ giúp tạo ra các nông sản đạt chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và các thị trường xuất khẩu. Từ đó sẽ giúp các sản phẩm CCNLN của Việt Nam có vị thế hơn trên thị trường thế giới. Ngoài việc áp dụng phát triển sản xuất CCNLN theo hướng GAP thì cần ứng dụng hệthống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống. Ba mô hình tưới nước tiết kiệm đang được ứng dụng phổ biến hiện nay là: dùng hệ thống ống nhựa với các kích thước khác nhau đưa nước từ bồn chứa nước trên cao do bơm điện đưa nước từ giếng khoan lên để tưới trên diện rộng vào từng thời điểm thích hợp cho loại cây trồng mỗi tuần cần tưới 1 lần; mô hình thứ 2 là dùng các ống nhựa có kích thước nhỏ hơn cũng đưa nước từ trên bồn xuống tưới nhỏ giọt cho từng gốc cây đối với loại cây cần tưới nước hàng ngày; mô hình thứ 3 kết hợp cả 2 hệ thống nói trên để tưới cho những vườn cây trên những địa hình không bằng phẳng. Tất cả các hệ thống dẫn nước đều được trang bị hệ thống khóa mở nước tùy nhu cầu tưới nước cho các loại cây trồng và dùng hệ thống tưới theo mô hình nào cũng phải đắp bờ bao và dùng các loại cỏ khô để ủ gốc cây, hạn chế bốc hơi nước. Ngoài ra, phương thức đưa phân bón lên bồn chứa nước khuấy tan để tưới trên diện rộng; phương pháp này vừa tiết kiệm nguồn nước tưới, phân bón và nhân công. Theo tính toán, trên 1 ha cây trồng chỉ cần một người đảm nhiệm từ khâu tưới nước, bón phân

có thể thay thế cho 4 lao động trước đây, tiết kiệm được 1/4 lượng phân bón so với cách bón thủ công, giảm được từ 30 - 50% lượng nước tưới so với cách tưới tràn trước đây góp phần giảm chi phí đầu vào. Nhiều hộ nông dân tỉnh đã áp dụng mô hình TTK trong việc sản xuất một số CCNLN đã đem lại đã đem lại năng suất và lợi nhuận khá cao cho cây trồng. Anh Trần Hữu Thắng, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) chỉ trồng một ha tiêu, năng suất tiêu đạt hơn 10 tấn/ha, tăng gấp gần bốn lần trước đó, đây là năng suất cao nhất từ trước đến nay tại Đồng Nai, thu lãi ròng gần 300 triệu đồng. Ông Lê Nam ở ấp Gia Lào, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc cho biết: Trước đây, trồng cà phê theo phương pháp truyền thống, 3 năm cây mới cho quả và năng suất quả vụ đầu chỉ đạt gần 1 tấn/ha. Sau khi trồng mới vườn cà phê, gia đình lắp đặt hệ thống TTK thì sang năm thứ 2 cây đã cho quả (rút ngắn thời gian cho quả 1 năm), thu hồi được vốn, năng suất ngay vụ đầu đạt trên 2 tấn/ha, tiết kiệm đầu tư hơn 30 triệu đồng/ha/năm. Hiện vườn cà phê của ông Nam sinh trưởng rất tốt, dự kiến vụ cà phê tới sẽ cho năng suất gần 3 tấn/ha. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp tưới nước tiết kiệm là các nhà vườn không phải tốn công đào mương dẫn nước và đưa phân lên tưới cho từng cây như trước đây; không phải làm bồn quanh gốc cây để giữ nước mà vẫn giữ được độ ẩm thích hợp cho vườn cây theo từng chu kỳ sinh trưởng, chủ động nước tưới được vào mùa khô, tiết kiệm phân bón, hạn chế lây lan dịch bệnh, cây ít bị rụng hoa, quả non, góp phần tăng năng suất vườn cây từ 20% đến 25%. Đặc biệt, đối với các vườn tiêu, do ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nhỏ giọt, không tạo thành dòng chảy, nên cây ít bị bệnh thối rễ...

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, chỉ có hơn 1% trong khoảng 200 nghìn hộ sống bằng nông nghiệp ở Đồng Nai có thu nhập 70 triệu đồng/ha/năm trở lên đồng thời trồng CCNLN phải có thời gian thu hoạch khoảng sau bốn đến năm năm. Như vậy vẫn còn nhiều hộ làm nông nghiệp trên địa bàn Đồng Nai còn gặp khó khăn nên phần lớn các hộ nông dân không có tiền để đầu tư mô hình TTK. Mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây ăn trái và cây lâu năm ở Đồng Nai khởi điểm từ gần 10 năm nay, song khoảng 3 năm trở lại đây được các nhà vườn trong tỉnh áp

dụng rộng rãi. Hiện nay, Đồng Nai mới có khoảng 1.400 ha cây trồng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống cho cả CCNLN và cây ăn quả.

Tuy nhiên, cũng theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai: Hiện mức đầu tư cho hệ thống tưới nước tiết kiệm khoảng 10 triệu đồng/ha, là mức đầu tư không nhỏ cho các hộ nông dân có diện tích vườn cây ăn trái lớn. Song với mức đầu tư trên, hệ thống tưới nước tiết kiệm có thể duy trì cho việc tưới nước từ 3 đến 5 năm và chỉ cần các nhà vườn thu hoạch thắng lợi 1 năm/1ha cây trồng đã có thể bù đắp được chi phí nói trên. Hiệu quả của mô hình đã làm năng suất cây trồng tăng cao, cây ít sâu bệnh, giảm được nhiều chi phí đầu vào. Nói tóm lại, việc phát triển mô hình CCNLN theo hướng GAP và ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống sẽ giúp Đồng Nai tạo ra những nông sản có chất lượng cao đáp ứng được với nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới.

Một phần của tài liệu phát triển cây công nghiệp lâu năm ở đồng nai thời kinh tế thị trường và hội nhập (Trang 151)