kinh tế thị trường và hội nhập
Hiện trạng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai
Những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội góp phần tạo cho Đồng Nai lợi thế so sánh trong phát triển, hội tụ đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho phép kinh tế Đồng Nai phát triển theo hướng đa dạng các ngành nghề, nhất là ngành công nghiệp. Đồng Nai luôn là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị, nhưng đến nay vẫn còn gần 69% dân cư và 54% lao động sống, làm việc và có thu nhập từ khu vực nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phát triển một nền nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, nhằm giảm bớt sức ép gia tăng dân số cho khu vực thành thị, rút ngắn khoảng cách về thu nhập và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tạo sự phát triển cân đối và hài hòa cả về kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn tỉnh luôn là một trong những yêu cầu cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn được chú trọng đầu tư và phát triển.
Giai đoạn 2001-2005, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh cào cào (năm 2003), dịch cúm gia cầm (năm 2004), giá vật tư tăng, giá tiêu thụ một số nông sản chủ lực của tỉnh giảm mạnh làm thu nhập và đời sống của người nông dân giảm sút. Trong điều kiện khó khăn nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển toàn diện và đi vào chiều sâu. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 5 năm (2001-2005) là 5,1%/năm, trong đó trồng trọt tăng 4,1%/năm, chăn nuôi tăng 7,97%/năm, nâng cơ cấu chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp từ 22,97% năm 2000 lên 26,3% năm 2005; thủy sản tăng 14,4%/năm, riêng lâm nghiệp giảm 0,28%/năm. Giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 5 năm là 5,47%/năm. Năm 2005, GDP ngành nông nghiệp giảm nhanh từ 22,2% năm 2000 còn 15% tổng trong GDP toàn tỉnh [9, tr.13], cao hơn so cả nước. Cơ cấu sản xuất nông lâm thủy sản chuyển dịch nhanh và đúng hướng, đến năm 2005, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 92,4% so với 94,27% năm 2001; lâm nghiệp chiếm 1%, thủy sản chiếm 6,6% giá trị sản xuất toàn ngành. Bình quân 1 ha đất sản xuất nông nghiệp tạo ra 19,43 triệu đồng (theo giá cố định) [41, tr.132], tăng bình quân 6,1% trong vòng 5 năm (2001-2005). Tốc độ tăng này tương đương với tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, sự tăng trưởng hoàn toàn dựa vào thâm canh, chứ không phải từ mở rộng quỹ đất sản xuất nông nghiệp.
+ Chăn nuôi: Mặc dù thị trường, giá cả sản phẩm chăn nuôi biến động, dịch
bệnh nhưng do sử dụng giống mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nguồn cung ứng thức ăn ổn định, hệ thống thú y hoạt động hiệu quả nên tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 23,3% năm 2001 lên 26,3% năm 2005. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng từ 5,1% năm 2001 lên 7,6%, tốc độ tăng trưởng bình quân 8%/năm [40].
Chăn nuôi gia súc phát triển nhanh về số lượng, tiến bộ về chất lượng, đàn bò phát triển với quy mô 86.639 nghìn con, tăng 31.031 nghìn con so năm 2001 (55,6%), tăng mạnh ở Tân Phú, Long Thành, Xuân Lộc, chiếm 60% tổng đàn; heo 1,14 triệu con, tăng 564.592 nghìn con (98,1%), tăng nhiều ở Biên Hòa, Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom, Cẩm Mỹ (chiếm 63,8% tổng đàn). Giá trị sản xuất gia súc
chiếm 81,8% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Như vậy, có thể khẳng định phát triển chăn nuôi gia súc là thế mạnh của Đồng Nai. Dù ảnh hưởng dịch cúm nhưng quy mô đàn gia cầm đạt 5.166 triệu con, giảm 3.799 triệu con (giảm còn 42,4%) so năm 2001, trong đó gà chiếm 4.659 triệu con, giảm còn 43,84%. Sản phẩm chăn nuôi ngày càng cung cấp nhiều hơn cho nhu cầu của xã hội; so với năm 2001, sản lượng thịt bò tăng 23,8%, thịt heo tăng 66,5%, thịt gia cầm giảm còn 51,4%, trứng gia cầm giảm 43,4%, sữa tươi tăng 17,9% [3]. Ngoài ra, tỉnh còn khuyến khích phát triển chăn nuôi cừu, đà điểu, cá sấu, ba ba...
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôikhông còn mang tính tự phát mà theo định hướng, quy hoạch; chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện của địa phương và nhu cầu thị trường. Diện tích cây trồng hiệu quả thấp được thu hẹp và thay thế bằng cây công nghiệp, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản có giá trị hàng hóa cao như cà phê, bắp, đậu nành, mía, thuốc lá, cao su, tiêu, điều, nuôi tôm… những loại cây này đến năm 2005 trở thành những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn trong tỷ trọng sản xuất nông nghiệp.
* Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, đã tạo 27 giống cây trồng mới, có một số giống được công nhận giống quốc gia như bắp VN 25-99, bưởi đường lá cam (công nhận tạm thời). Khoảng 100% diện tích lúa, 90% diện tích bắp, đậu, 70% diện tích mía, 40% diện tích cây ăn quả được gieo trồng bằng giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt [41, tr.131]. Cây ngắn ngày sử dụng phổ biến các loại giống lai (bắp) hoặc giống được tuyển chọn; cây ăn quả sử dụng phổ biến công nghệ ghép, nuôi cấy mô (chuối, mía) trong khâu sản xuất giống. Nhờ sử dụng giống mới nên năng suất cây trồng liên tục tăng, cá biệt có cây cho năng suất tăng đến 50% như cây mì, điều ghép, dứa cayen, bông vải. Trong chăn nuôi đã nghiên cứu và ứng dụng thành công công thức lai 2-3 máu lợn ngoại đạt tỷ lệ nạc trung bình 55%, áp dụng công nghệ cấy truyền phối để tạo đàn bò hạt nhân hướng sữa cho năng suất cao gấp 1,5 lần giống bò sữa thường [41, tr. 131-132]. Các dự án phát triển đàn bò thịt, bò sữa, nạc hóa đàn heo được người chăn nuôi tiếp nhận và thực hiện làm tăng nhanh đàn giống gốc,số lượng đàn và chất lượng sản phẩm.
Trong 5 năm 2006-2010, mặc dù suy giảm kinh tế, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả không ổn định đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân Đồng Nai nói riêng. Với sự chỉ đạo tích cực và nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn của toàn Đảng bộ, kinh tế - xã hội tiếp tục đạt những thành tựu khá toàn diện. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định và đi vào chiều sâu. GDP nông nghiệp tăng 4,5%/năm trong tổng sản phẩm quốc nội và giảm từ 14,9% còn 8,6% năm 2010. Mức tăng GDP không cao hơn nhiều mức tăng tỷ trọng nông nghiệp của tỉnh Bình Dương 4,4%.
Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,6%/năm, trong đó, nông nghiệp tăng 5%, lâm nghiệp tăng 9,3%, thủy sản tăng 12,2%, cao hơn so giá trị sản xuất ngành nông nghiệp với tỉnh Bình Dương 4,7%. Chăn nuôi tăng 10,3%, nâng tỷ trọng chăn nuôi chiếm 33,6% trong sản xuất nông nghiệp [50, tr.1-2]; dù ngành chăn nuôi của Bình Dương tăng 13,7%, tăng cao hơn Đồng Nai, nhưng tỷ trọng chỉ chiếm 29,4% trong sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản xuất năm 2010 đạt 55 triệu đồng/ha đất nông nghiệp, tăng bình quân 12,2%/năm, tăng hơn 2,4 lần năm 2005 [50, tr.5]. Sở dĩ giá trị sản xuất trên một ha tăng là vì: năm 2010, diện tích cây hàng năm và cây lâu năm giảm, trong khi đó giá các loại cây tiêu, cà phê, cao su tăng.
+ Trồng trọt: Diện tích cây hàng năm 175.803 ha, giảm 48.737 ha so 2001,
giảm 28.069 ha so 2005, giảm ở hầu hết các nhóm cây, giảm nhiều ở nhóm cây lương thực 13,8%, công nghiệp hàng năm 13,4% [35, tr.2]. Cây công nghiệp lâu năm có diện tích 124.624 ha, tăng 9.554 ha so 2001, tăng 6.673 ha (5,7%) so năm 2005, chủ yếu tăng cây cao su, cà phê, tiêu, điều. Cây ăn quả có diện tích 47.579 ha, tăng 15.800 ha so 2001, nhưng giảm 311 ha (0,7%) so năm 2005. Tuy nhiên, diện tích nhóm cây chủ lực tăng nhiều như xoài, bưởi, sầu riêng [7, tr.3].
Tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng giống mới và cơ giới hóa ngày càng sâu rộng nên năng suất, sản lượng cây trồng ngày càng tăng, nhất là nhóm cây chủ lực. Năng suất lúa đạt 45,78 tạ/ha, tăng 11,2% so năm 2005, tăng 32,4% so năm 2001; bắp đạt 58,9 tạ/ha, tăng 19,8% năm 2005, tăng 69% so 2001; khoai mì tăng 3,8% so 2005, tăng 24,1% năm 2001; nhóm cây công nghiệp hàng
năm tăng 4,2% so 2005, tăng 7,8% so năm 2001, trong đó tăng nhiều ở cây đậu nành, đậu phộng, mía, thuốc lá, bông vải. Năng suất nhóm cây lâu lăm tăng cao, cà phê tăng 41,5% so 2005, tăng 40,9% so 2001; cao su tăng 29,1% so 2005, tăng 47,6% so 2001; tiêu tăng 11,9% so 2005, tăng 22,8% so 2001; xoài tăng 3,5% so 2005, tăng 13,6% so 2001; chôm chôm tăng 1,9% so 2005, 31,5% so 2001; sầu riêng tăng 11,6% so 2005, tăng 30,4% so 2001. Riêng bưởi giảm 4,5% so 2005, tăng 3,2% so 2001; điều giảm 23,7% so 2005 và tăng 16% so 2001 [7, tr.6-7].
Sản lượng lương thực đạt 604.834 tấn, giảm 2,36% so 2005 nhưng tăng 18,79% so 2001; cây công nghiệp hàng năm tăng 10,41% so năm 2005, tăng chủ yếu mía, thuốc lá, đậu phộng, nhưng giảm 12,98% so 2001, chủ yếu giảm cây đậu nành, mía, thuốc lá, bông vải [7, tr.5-6]. Giai đoạn 2006-2010, năng suất, sản lượng hầu hết các nhóm cây đều tăng nên giá trị sản xuất cây hàng năm tăng 0,33%/năm, cây lâu năm tăng 4,39%/năm.
Chỉ sau 2 năm (2009-2010) thực hiện Chương trình phát triển các loại cây con chủ lực, diện tích trồng mới các cây chủ lực đạt 257,6 ha, cao nhất xoài 49,3 ha, thấp nhất bưởi 4,4 ha; trồng thâm canh 559,6 ha, cao nhất sầu riêng 155,2 ha, cà phê 190,2 ha, tiêu 126,7 ha, xoài 73,9 ha, thấp nhất bưởi 13,6 ha. Như vậy, chỉ tiêu về trồng mới các cây chủ lực không đạt, thậm chí có loại đạt rất thấp như: bưởi 2,58%, sầu riêng 6,93%… Năng suất đạt 75 tấn/ha, trong đó xoài đạt 27 tấn/ha, bưởi 25 tấn/ha, sầu riêng 15 tấn/ha, tiêu đạt 5 tấn/ha, cà phê 3 tấn/ha [36, tr.3]. Nhờ thâm canh mà năng suất bình quân các loại cây trồng chủ lực đều tăng, hiệu quả kinh tế thu được trên 1 ha diện tích thâm canh đã tăng vượt bậc. Trong đó, xoài, bưởi tăng xấp xỉ 2 lần, đặc biệt là tiêu tăng 2,5 lần, đem lại lợi nhuận từ 28 triệu (đối với xoài) đến trên 236 triệu đồng (đối với tiêu)/ha/năm [66, tr.6]. Tuy nhiên, năng suất cây điều bị tụt giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là tác động bất lợi của thời tiết (mưa trái mùa) và không có điều kiện thâm canh.
Tập trung phát triển phát triển vùng nông sản chuyên canh theo hướng đa dạng hóa, thâm canh một số cây trồng chủ lực như: cây công nghiệp, cây màu, cây
ăn trái nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh cung cấp cho khu vực đô thị, công nghiệp chế biến và xuất khẩu, đó là:
. 5 vùng chuyên canh đủ điều kiện sản xuất rau sạch ở Biên Hòa, HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Đông (Nhơn Trạch), HTX thương mại dịch vụ Trường An (Xuân Lộc), câu lạc bộ IPM ấp 4a, 2b Xuấn Bắc (Xuân Lộc), Công ty cổ phần giống cây trồng Đồng Nai (Trảng Bom) [32, tr.5].
. Vùng nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến: bắp ở Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán, Trảng Bom; mía ở Xuân Lộc, Định Quán, Nhơn Trạch, Trảng Bom; thuốc lá ở Định Quán, Tân Phú; cà phê ở Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú, Trảng Bom; điều ở Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom; tiêu ở Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú.
. Vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản: bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu), xoài (Xuân Lộc, Định Quán, Vĩnh Cửu), sầu riêng (Long Khánh, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc), chôm chôm (Long Khánh, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ) [53 tr.4].
Việc hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn trái tạo tiền đề cho việc ứng dụng quy trình VietGAP vào sản xuất và nâng cao thương hiệu cho nông sản địa phương. Một số sản phẩm đã tham gia thị trường xuất khẩu như xoài Suối Lớn, điều Donafoods và thay thế nhập khẩu như sầu riêng.
+ Chăn nuôi: Do dịch bệnh heo tai xanh, lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm làm số lượng đàn gia súc gia cầm giảm trong các năm 2007: 10,4%, 2008: 8,4%, trong đó gia súc giảm nhiều nhất 2007: 10,45%, 2008: 8,51% [5, tr.205]. Có hơn 800 trang trại chăn nuôi nằm trong vùng quy hoạch với trên 700 ngàn heo, 4 triệu gia cầm, 50 ngàn trâu, bò, gần 50 ngàn dê, cừu chiếm gần 60% tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh [49, tr.4].
Phát triển ngành chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai được đưa vào hoạt động với công suất chế biến 2.000 con gà, 100 con heo/giờ. Công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi phát triển rất nhanh với 14 doanh nghiệp, đây là ngành có quy mô lớn nhất so với các ngành chế biến khác với tổng công suất trên 2,95 triệu tấn/năm, năm 2007 sản lượng đạt 2,9 triệu tấn [32, tr.5].
* Ứng dụng khoa học, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp
+ Trong trồng trọt, xây dựng các dự án kỹ thuật cao như khu liên hiệp công-
nông nghiệp Donataba, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học, thành lập trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học, xây dựng 63 điểm thông tin khoa học công nghệ xã, chuyển giao 44 thư viện điện tử khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xây dựng mô hình xã điểm về “phát triển nông thôn theo hướng CNH, HĐH, hợp tác hóa, dân chủ hóa” tại 03 xã Thiện Tân (Vĩnh Cửu), Long An (Long Thành), Phú Thạnh (Tân Phú) [44, tr.5], tổ chức hội chợ thiết bị phục vụ nông thôn… nhằm phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân.
Cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả chủ yếu sử dụng các giống tạo bằng phương pháp vô tính (không sử dụng giống trồng bằng hạt (trừ cây măng cụt)) như sầu riêng SDN 01L, S13ĐL, bưởi đường lá cam BC 12, chôm chôm CĐN 9J, CĐN 13J; những giống được phép sản xuất kinh doanh như sầu riêng DONA, Chín hóa, Ri 6, chôm chôm DONA, xoài cát Hòa Lộc, điều PN1, LG1, CH1, ca cao ghép [33, tr.4-5]; 100% diện tích lúa, bắp, rau và 90% diện tích khoai mì được gieo trồng giống mới (được tạo ra từ biện pháp lai tạo, nuôi cấy túi phấn, đột biến), kháng sâu bệnh tốt, chịu thâm canh, năng suất cao phù hợp với điều kiện địa phương, với nhu cầu chế biến và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như: lúa, bắp lai đơn F1, đậu xanh HL2, HL89-E3, đậu nành ĐT 90, ĐT 96, dưa leo H1, ớt, cà, tím F1 [33, tr.3]… Qua đó, tuyển chọn một số giống mới có lợi thế so sánh: đậu nành G87-5, MTĐ 176, DT84, HL92, đậu xanh G89-E3, HL115, khoai mì, xoài, bưởi, sầu riêng cà phê, tiêu… làm giống cây chủ lực [26, tr.3-4].
Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, canh tác thâm canh theo quy trình công nghệ cao tiêu chuẩn GAP như: xử lý ra hoa rải vụ, hệ thống tưới nước tự động tiết kiệm, bón phân qua đường ống, sử dụng giống phù hợp cho mỗi vụ, trồng dồn hàng, xen canh, trồng trong nhà lưới… đã cho năng suất cao hơn từ 100-400%, lợi nhuận tăng từ 30-95% triệu đồng/ha so với kỹ thuật cũ [33, tr.5], sản phẩm dễ tiêu thụ, bán giá cao và tránh được thời điểm thu hoạch tập trung. Ngành nông nghiệp
xây dựng hoàn chỉnh bộ quy trình trồng, thâm canh các loại cây chủ lực theo công nghệ cao và đã chuyển giao đến người sản xuất. Nếu như năm 2008, có 150 ha cây trồng chủ lực ứng dụng quy trình sản xuất công nghệ cao, thì đến cuối năm 2010 tăng gần 4.000 ha [36, tr.5]. Chất lượng nông phẩm ngày càng được nâng lên với nhiều giống cây ăn quả chất lượng cao như: xoài cát Chu, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Dona, sầu riêng hạt lép Đồng Nai, chôm chôm Dona, bòn bon Dona, bưởi đường lá cam, nhãn xuồng cơm vàng… Như vậy, việc ứng dụng quy trình này đã trở thành nhu cầu của những người trồng cây ăn quả và cây công nghiệp.