Ưu điểm:
- Ở các phân xưởng sản xuất có tổ chức quản lý chặt chẽ, tổ trưởng các tổ nghiệp vụ thường xuyên lập báo cáo kết quả công việc trình Giám đốc xí nghiệp.
- Hệ thống thông tin nội bộ được kết nối tốt nên thông tin được cập nhật kịp thời theo nhu cầu. Hàng ngày, kế toán các xí nghiệp sản xuất AGF7, AGF8, AGF9 gửi báo cáo về phòng Kế hoạch – điều độ sản xuất và Ban giám đốc qua internet, thuận lợi cho việc theo dõi thông tin một cách liên tục.
- Để kiểm soát giá thành sản xuất, các xí nghiệp có tiến hành lập bảng phân tích biến động các khoản mục giá thành của sản phẩm cá fillet và sản phẩm giá trị gia tăng qua các tháng.
- Hệ thống tài khoản được sử dụng để hạch toán các chi phí phát sinh ở xí nghiệp rất chi tiết, dễ dàng kiểm tra và truy xuất dữ liệu theo từng đối tượng khi cần.
- Việc phân bổ các khoản mục của chi phí sản xuất cho các sản phẩm hoàn thành được tiến hành phù hợp với đặc trưng của qui trình sản xuất thủy sản: từ một nguyên liệu đầu vào tạo ra nhiều thành phẩm khác nhau.
- Ban tổng giám đốc công ty là những nhà quản lý có kinh nghiệm, hoạt động lâu năm trong ngành thủy sản nên khi đánh giá các báo cáo hiệu quả sản xuất, báo
cáo thành phẩm của các xí nghiệp sản xuất sẽ dễ nhận ra những dấu hiệu bất thường khi xem xét sự phù hợp của chi phí với kết quả hoàn thành.
Hạn chế:
- Công ty không lập dự toán chi phí cho các xí nghiệp sản xuất cá fillet cũng như xí nghiệp dịch vụ thủy sản và xí nghiệp kho vận Mỹ Thới, nếu chỉ kiểm soát các chi phí dựa vào kết quả thực hiện mà không so sánh với dự toán đã lập thì sẽ không đủ cơ sở để đánh giá đúng hiệu quả hoạt động của xí nghiệp.
- Đối với xí nghiệp 360, xí nghiệp Dịch vụ thủy sản và xí nghiệp Kho vận Mỹ Thới, ngoài các chi phí phát sinh, xí nghiệp còn ghi nhận các khoản doanh thu từ những sản phẩm và dịch vụ cung cấp của xí nghiệp nhưng khi đánh giá hiệu quả hoạt động của các xí nghiệp này, công ty không dựa trên mối quan hệ giữa doanh thu và chi phí. Các báo cáo về doanh thu thực hiện và chi phí phát sinh do kế toán xí nghiệp lập để kế toán công ty cập nhật dữ liệu và lập báo cáo kế toán tài chính.
- Trên các bảng báo cáo, chi phí được phân loại theo chức năng chứ không phân loại theo cách ứng xử vì vậy rất khó để xem xét các biến động chi phí khi năng suất thay đổi cũng như theo dõi hiệu quả của việc sử dụng các TSCĐ.
- Chỉ tiêu trên các bảng báo cáo của các xí nghiệp chủ yếu thể hiện kết quả chứ chưa thể hiện hiệu quả hoạt động.
2.5.2.2 Phương thức đánh giá trách nhiệm đối với các phòng ban chức năng
Ưu điểm:
Các trưởng phòng được giao quyền chủ động giải quyết công việc ở phòng ban mình quản lý và đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn.
Hạn chế:
- Công ty không lập dự toán ngân sách cho các phòng ban. Để đánh giá thành quả hoạt động của các phòng ban, Ban giám đốc chủ yếu dựa vào thời hạn hoàn thành công việc mà không quan tâm đến việc kiểm soát chi phí phát sinh ở các phòng ban.
- Tiêu chí đánh giá trách nhiệm đối với các phòng ban là không rõ ràng, hơn nữa nếu đánh giá dựa vào thời hạn hoàn thành công việc hay thời gian hoàn thành các báo cáo thì sẽ không đánh giá được quá trình thực hiện của các phòng ban.