- Kitô giáo ở VP hiện nay phát triển hay suy tàn
3.1.6. Những tác động của Phậtgiáo đến đời sống của người dân Vĩnh Phúc hiện nay
Kể từ khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc và thành lập Ban trị sự Phật giáo tỉnh, sinh hoạt tôn giáo của tăng, ni, Phật tử ngày càng trở nên sôi động. Chùa chiền được trùng tu và xây mới, số người đến chùa làm lễ và vãn cảnh ngày một gia tăng, nhất là từ khi Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đi vào hoạt động. Để tìm hiểu nguyên nhân ngày càng có nhiều người đến chùa, chúng tôi tiến hành điều tra 1.000 người trên trên địa bàn Vĩnh Phúc vào dịp rằng tháng Giêng năm 2012. Kết quả cho thấy, có tới 80% số người được hỏi cho rằng, do điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển nên người ta mới có điều kiện đến chùa nhiều hơn, hiểu theo nghĩa “phú quý sinh lễ nghĩa”, còn 20% số người được hỏi cho rằng do đức tin đối với Phật giáo ngày càng lớn.
78
Đối tượng đến chùa hiện nay rất phong phú và đa dạng với nhiều mục đích khác nhau. Tùy thuộc vào lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp mà động cơ đến chùa khác nhau. Trong khi đó, chỉ có 30% số người được hỏi thừa nhận họ đi chùa vì mục đích du xuân hay “du lịch tâm linh” đầu năm, còn tới 70% số người được hỏi thừa nhận họ lên chùa cầu an đầu năm.
Theo quan điểm của chúng tôi, đi chùa đầu năm là nét văn hóa của người Việt Nam. Trước đây khi điều kiện kinh tế còn khó khăn người ta ít đi chùa, hiện nay điều kiện kinh tế xã hội đã có nhiều thay đổi, ngày càng có nhiều người đi chùa hơn. Khi không có gì dâng lên lễ Phật, người ta thường không “đòi hỏi” gì ở Ngài. Ngược lại, khi điều kiện kinh tế khấm khá hơn, người ta có lễ vật dâng lên lễ Phật, càng dâng nhiều lễ vật người ta càng “đòi hỏi” ở Ngài nhiều hơn. Chính điều này giải thích tại sao người ta thường lui tới những ngôi chùa lớn, nổi tiếng thiêng, chứ ít ai lui tới những ngôi chùa làng nhỏ bé. Sự phân hóa giàu nghèo cũng diễn ra giữa các ngôi chùa và nhà chùa như nó từng diễn ra giữa các giai tầng xã hội trong nền kinh tế thị trường và sự phân hóa này ngày một gia tăng. Chùa lớn, chùa thiêng ngày càng đông khách và càng giàu thêm, từ đó càng có điều kiện để tu sửa hoặc xây mới, sắm sửa trang thiết bị cho chùa chiền của mình khang trang thêm, còn chùa làng bé nhỏ ngày càng vắng khách và càng thêm tiêu điều. Đây là một thực tế không thể phủ nhận được trong đời sống tôn giáo ở nước ta nói chung và ở Vĩnh Phúc nói riêng.
Có thể nói rằng điều kiện kinh tế xã hội và Phật giáo tác động lẫn nhau, chi phối lẫn nhau rất lớn. Trước đây đội ngũ tăng ni có đời sống khó khăn hơn hiện nay. Trong thời gian gần đây, việc các chùa mua sắm xe máy, ô tô là chuyện hết sức bình thường, thậm chí có người thừa nhận đi xuất gia vì lý do kinh tế.
79
Bên cạnh đạo Mẫu, Phật giáo tác động rất lớn đến đời sống của cư dân Vĩnh Phúc hiện nay. Sau khi quan sát các hoạt động của người dân sinh sống xung quanh các chùa, đặc biệt là chùa lớn như chùa Hà Tiên, Thiền viện Trúc Lâm, Thiền viện An Tâm, v.v … chúng tôi thấy rằng, đời sống kinh tế của người dân gắn liền với hoạt động tôn giáo. Sự xuất hiện các dịch vụ ăn theo ngày càng phát triển như dịch vụ vận tải, dịch vụ nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn và đặc biệt là dịch vụ sắm lễ và khấn thuê. Có những nơi các hoạt động dịch vụ này được quản lý có bài bản, ngược lại, cũng có những nơi mạnh ai người nấy làm, thiếu sự quản lý của chính quyền địa phương, dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây mất trật tự trị an trên địa bàn, nhất là trong những dịp lễ hội.
Cũng như các chùa ở khắp nơi trên đất nước ta, các chùa ở Vĩnh Phúc không chỉ thờ Phật mà còn thờ cả Mẫu và các thánh của Đạo giáo, Nho giáo, các thần của tín ngưỡng dân gian cũng như những người có công với dân với nước đã được phong thần. Bên cạnh đó, các chùa đều duy trì truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam. Mỗi chùa đều có Nhà Tổ, thờ các vị sư trụ trì đã viên tịch.
Ngoài ra, mỗi chùa ở đây đều có Hội các vãi và Hội quy. Ngoài việc đến chùa tụng kinh, niệm Phật, Hội các vãi và Hội quy là những thành phần không thể thiếu trong đám tang các tín đồ đạo Phật. Thành viên của các hội “đội cầu” cho vong hồn người quá cố được siêu thoát trên đường về Tây Thiên cực lạc.Các thành viên của Hội quy ở các chùa hằng tháng chia nhau đến chùa thắp hương vào các ngày mồng Một và Rằm. Ngoài các sinh hoạt tín ngưỡng tại chùa, các hội còn đứng danh nghĩa như một tổ chức xã hội đến phúng viếng người quá cố trong các đám tang. Họ xem việc đó vừa là trách nhiệm vừa là lợi ích tâm linh của mình đối với những người đồng hương, đồng hội đang trên đường về cõi vĩnh hằng.
80
Những sinh hoạt tôn giáo nói trên trong các chùa là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Nét văn hóa tâm linh độc đáo này được tiếp tục duy trì trong điều kiện đô thị hóa của thời hiện đại.
Trong điều kiện xã hội hiện nay, những di sản văn hóa của Phật giáo đang tiếp tục phát huy tác dụng, tạo nên sắc thái dân tộc, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam. Gần đây, nhiều tổ chức và cá nhân đã quyên góp, công đức tiền của để khôi phục, tôn tạo chùa chiền, xây cất tịnh xá, niệm Phật đường, đúc chuông, đắp tượng, dựng tháp, v.v… Ngoài ý nghĩa tâm linh, nhiều ngôi chùa đã trở thành những danh thắng nổi tiếng để du khách đến chiêm ngưỡng. Những giá trị văn hóa Phật giáo không chỉ tồn tại trong tư tưởng, mà còn đang hiện diện thông qua sự nỗ lực của hàng triệu tín đồ nhằm vươn tới một lẽ sống vì Tổ quốc giàu mạnh, nhân sinh hạnh phúc. Điều đó càng khẳng định được vị trí, vai trò của Phật giáo trong suốt quá trình đồng hành cùng dân tộc.
Có thể nói, khi đời sống xã hội được nâng cao, chính sách, pháp luật được đổi mới, người dân càng có ý thức hơn về các di sản văn hóa - tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu...Các cơ sở thờ tự này, một thời gian dài bị lãng quên, bị bỏ hoang phế, thậm chí bị phá dỡ, nay hầu hết đã được tu sửa hoặc xây dựng lại.
Vĩnh Phúc đang chịu tác động mạnh của nếp sống đô thị hóa lan nhanh tới các vùng nông thôn. Tuy vậy, tín ngưỡng Phật giáo trong dân cư không những không suy giảm mà còn hồi phục mạnh mẽ, nhất là trong lớp người trung niên. Một bộ phận đáng kể trong giới trẻ cũng thường xuyên đi lễ chùa. Việc đi lễ chùa trở thành một nhu cầu, không những như một cách thực hành tu nhân tích đức mà còn là một phương thức để thiết lập mối quan hệ với cộng đồng.
81
Trong thời gian gần đây, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của nhân dân Vĩnh Phúc ngày càng cao, thể hiện qua việc xây dựng, tôn tạo nhà chùa và xin được đón sư về trụ trì tại chùa làng. Những bằng chứng cụ thể là: Chùa Bảo Sơn, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên do đại đức Thích Thanh Lâm trụ trì, xin lại đất cũ của chùa mở rộng khuôn viên; chùa Bồ Sao xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường, chùa Bản Hậu xã Tử Du, chùa Quảng Cư xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch được tu sửa; chùa Vân Ổ xã Văn Xuân, huyện Vĩnh Tường được xây dựng mới. Ban Trị sự Phật giáo các cấp trên địa bàn tỉnh có nhiều hoạt động phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân và các hoạt động từ thiện - xã hội khác. Các hoạt động này rất đa dạng như: tổ chức lễ giỗ, lễ cầu siêu cho các linh hồn tử trận, thả đèn hoa đăng, làm lễ cầu quốc thái dân an, viếng nghĩa trang liệt sỹ ngày 27 tháng 7 hằng năm, v.v…
Trước sự phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, đặc biệt là nhu cầu đến với Phật giáo ngày càng tăng. Bên cạnh những mặt tích cực, thực tế cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề cần quan tâm. Tất cả các vấn đề mới nảy sinh cần được nghiên cứu tổng thể, đồng bộ để có giải pháp kịp thời nhằm phát huy vai trò của Phật giáo Vĩnh Phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.