- Kitô giáo ở VP hiện nay phát triển hay suy tàn
3.1.4. Các thiền viện Trúc Lâm trên địa bàn VĩnhPhúc
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên: Đây là thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm ở xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây. Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong ba thiền viện lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự (Chùa Tây Thiên, Đền Thánh Mẫu Tây Thiên, Đền Cô, Đền Cậu, Đền Thõng, Thác Bạc). Thiền viện Tây Thiên là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng Phật giáo của các nước khác.
Vào tháng 5 năm 2004, sau khi được Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất lâm nghiệp sang đất xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, ngày 29/7/2004, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định số 2609/QĐ - UB phê duyệt quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Ngày 31/8/2004 (tức ngày 16 tháng 7 năm Giáp Thân), Thiền viện cử hành lễ khai móng xây dựng ngôi Chính điện. Sau 15 tháng thi công, các hạng mục chính của công trình như: Chính điện, nhà trưng bày, cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống, nhà tổ, nhà khách, trai đường, nhà vệ sinh công cộng đã hoàn thành và Thiền viện chính thức đi vào hoạt động. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một công trình kiến trúc mang dấu ấn của Phật giáo thế kỷ XXI. Thiền viện không sao chép kiến trúc của những ngôi
70
chùa cổ Việt Nam ở các thế kỷ XVI - XVII, mà mang tính hiện đại, nhưng vẫn giữ được những nét độc đáo của ngôi chùa Việt Nam truyền thống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của Phật tử ngày nay.
Nằm trên quả đồi với diện tích rộng khoảng 4,5 ha, rừng ngoại vi rộng 50ha, trên độ cao khoảng 300m so với mực nước biển, công trình mang đậm dấu ấn một ngôi chùa Việt Nam với phong cách kiến trúc đương đại. Phía sau chùa là núi rừng xanh tươi, trước là một cánh đồng thẳng cánh cò bay. Phía ngoài là cổng tam quan với dòng chữ Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên và câu đối. Để lên cổng tam quan phải qua nhiều bậc đá. Chính điện (Đại hùng bảo điện) nằm chính giữa Thiền Viện có chiều cao 17m, diện tích 675m2, có 4 trụ đỡ, đường kính mỗi trụ gần 1m nên có thể dành cho 600 Phật tử, du khách ngồi thiền hoặc ngồi nghe giảng Phật pháp. Trong chính điện thờ tượng Phật Tổ cùng với hai câu đối:
Phước đức sâu dầy do gieo nhân đạt quả, Tuệ giác tròn đầy bởi bát nhã gội nhuần. Và
Phật giáo chỉ đường lìa mê về bến giác, Thiền tông không lối trực ngộ đến chân như.
Bên trái tòa chính điện là lầu chuông, bên phải là lầu trống. Phía sau chính điện là nhà tổ thờ tượng Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Các bức tượng Phật ở chính điện và nhà tổ đều được làm từ đá sa thạch có độ bền lâu dài. Trong nhà tổ có hai câu đối:
Tổ tổ truyền đăng phát huy tâm ấn Phật, Tăng tăng tục diện lưu biến chính tông thiền. Và
Tây Thiên khởi nguồn Phật kiếp kiếp truyền đăng tục diện mãi truyền hằng, Yên Tử mở lối thiền đời đời đức hóa lưu phương luôn chuyển khắp.
71
Trong khu Thiền viện còn có: nhà ăn phục vụ cơm chay cho các Phật tử và du khách, nhà sách bán kinh Phật và đồ lưu niệm, thư viện, khu nội viện gồm tăng đường, thiền đường và trai đường. Thiền viện dành khoảng 40 phòng để khách tăng và khách ni ở xa đến có thể nghỉ lại thăm quan và nghiên cứu Phật pháp trong khoảng thời gian từ 1- 2 tuần. Hằng năm thường vào dịp nghỉ hè có các Phật tử, chủ yếu là sinh viên, từ Hà Nội lên tu tập.Việc ăn ở, thiền viện không thu bất cứ khoản phí nào.
Thiền viện Trúc Lâm An Tâm: Thiền viện Trúc Lâm An Tâm là một thiền viện thuộc Tông môn Thiền phái Trúc Lâm được khởi công xây dựng từ năm 2007, hiện đã hoàn thành hơn 90% các hạng mục. Nằm gần cạnh Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, đặc biệt Thiền viện Trúc Lâm An Tâm còn là nơi
“an vị Tôn tượng của Đệ nhất Tổ ni giới - Ni Trưởng Kiều Đàm Di Tôn giả”. Thiền viện đã và đang là nơi tu tập của các chư ni, cùng với các thiền viện, thiền tự trong Tông môn góp phần xiển dương chính pháp và xiển dương dòng thiền Trúc Lâm.
Mặc dù là thiền viện chỉ dành cho ni nhưng những nghi thức cơ bản cũng tương tự như các thiền viện dành cho cả tăng và ni như: Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức. Chẳng hạn như nghi thức tụng lễ Phật Đản, tham gia sinh hoạt văn hóa - xã hội ở các thiền viện đều như nhau.
Thiền viện Trúc Lâm An Tâm cùng với các thiền viện khác trong tỉnh là một công trình văn hóa kiến trúc nghệ thuật nhằm bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị phi vật thể của Thiền phái Trúc Lâm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng “du lịch văn hóa tâm linh” ở khu vực Vĩnh Phúc; gắn kết với hệ thống đình chùa, các di tích lịch sử, và danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Tam Đảo và các huyện khác cũng như trong không gian tôn giáo tín ngưỡng vùng đồng bằng Bắc Bộ.
72
Thiền viện Trúc lâm An Tâm còn là nơi lưu giữ thư tịch, văn hóa phẩm Phật giáo Việt Nam dành cho ni, để cho những người muốn nghiên cứu, học tập, thực hành theo Thiền phái Trúc Lâm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Thiền viện Trúc Lâm An Tâm cùng với Thiền viện Giác Tâm ở Quảng Ninh là hai thiền viện dành cho ni ở miền Bắc. Hiện nay ở nước ta Thiền viện Trúc Lâm dành cho ni chủ yếu tập trung ở miền Nam.
Theo Ni sư Thích Nữ Thuần Giác, Thiền viện Trúc Lâm An Tâm được quy hoạch 5 ha với các công trình kiến trúc chính như nhà tổ, tam bảo, trai đường, tu đường, nhà khách và khuôn viên. Hiện nay Thiền viện có 25 ni tham gia tu học. Cũng như các thiền viện khác trong cả nước, Thiền viện Trúc Lâm An Tâm có đường lối tu thiền của Thiền sư Thích Thanh Từ. Cũng theo Ni sư Thích Nữ Thuần Giác, so với các thiền viện dành cho ni, Thiền viện Trúc Lâm An Tâm có lượng người vào tu rất ít, trong năm 2012 chỉ có hai đợt vào tu và mỗi đợt chỉ có 6 người. Theo chúng tôi, sở dĩ như vậy là vì Thiền viện Trúc Lâm An Tâm mới xây dựng, chưa hoàn chỉnh, danh tiếng của Thiền viện chưa lan xa. Mặt khác, phương châm của Thiền viện là tập trung vào việc tạo không gian tĩnh lặng cho việc tu học của ni, không tập trung vào quảng bá và công tác xã hội nên phần nào ảnh hưởng đến số lượng ni tham gia tu học.
Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức: Được xây dựng trên nền chùa Kim Tôn, một ngôi chùa cổ đã có trên 700 năm tuổi nay đã bị đổ nát. Với công đức vô lượng của Phật tử gần xa, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức tại xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã được xây dựng và đi vào hoạt động.
Chùa cổ Kim Tôn được xây dựng vào khoảng thế kỷ XII - XIII, cuối thời Lý đầu thời Trần. Ngôi chùa được trùng tu, tôn tạo vào khoảng thế kỷ XVIII thời nhà Lê. Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX bị bỏ hoang. Trải qua thời gian dài, cùng sự tàn phá của chiến tranh nên toàn bộ kiến trúc chùa Kim
73
Tôn đã trở thành phế tích. Năm 2009, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, kết hợp cùng Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc tiến hành khai quật nền ngôi chùa Kim Tôn cổ và tìm thấy những di vật gốm sứ với họa tiết hoa văn cổ có niên đại hàng trăm năm.
Nhận thức được giá trị lịch sử, văn hoá của di tích, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân địa phương, trên nền chùa cổ Kim Tôn, ngày 4 tháng 4 năm 2010, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khởi công xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức. Việc xây dựng Thiền viện trên nền chùa cổ Kim Tôn đã góp phần khôi phục, phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống, tạo tiềm năng kinh tế, du lịch tâm linh cho địa phương.
Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức được xây dựng trên một địa thế đẹp tựa núi nhìn sông, xung quanh ngôi chánh điện của Thiền viện được 03 quả núi bao quanh giống như chiếc ngai vàng. Từ ngôi chánh điện này có thể nhìn thẳng ra Sông Lô và hồ nước lớn hình một con rùa đang cõng cả quả núi trên lưng.
Về văn hóa - xã hội, các thiền viện trên địa bàn tỉnh vĩnh Phúc thường xuyên tổ chức tặng quà cho các cháu có thành tích học tập giỏi, xuất sắc, các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo…Tổ chức tết 1/6 và tết Trung Thu cho các cháu trên địa bàn.
Như vậy, việc xây dựng ba thiền viện Trúc Lâm tại Vĩnh Phúc đã đáp ứng nguyện vọng của tăng, ni, Phật tử và những người có duyên với Phật ở trong và ngoài tỉnh. Đây là ba thiền viện để các tăng, ni, Phật tử tu tâm dưỡng tính, là nơi để mọi người có nhu cầu học thiền được hướng dẫn một cách bài bản và thu hút khách hành hương, phát triển du lịch tâm linh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân địa phương.