Chuẩn kiến thức kỹ năng

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động dạy học theo Chuẩn kiến thức, kỹ năng ở các trường THPT tỉnh Hưng Yên (Trang 25)

1.2.4.1. Khái niệm Chuẩn

Theo Từ điển Tiếng Việt, chuẩn được hiểu là cái được chọn làm căn cứ để đối chiếu, để hướng theo đó mà làm cho đúng; là vật được chọn làm mẫu; là cái được công nhận là đúng theo quy định hoặc theo thói quen trong xã hội [20,181]. Theo đó, chuẩn được coi là yêu cầu, mục tiêu hướng tới, thước đo đánh giá về các hoạt động, sản phẩm,…theo ý chí của chủ thể quản lý về các hoạt động, sản phẩm,… đó.

Trong tài liệu “Hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học” của Nhà xuất bản giáo dục – 2010, các tác giả đã nêu rõ:

a) Chuẩn là những yêu cầu, tiêu chí (gọi chung là yêu cầu) tuân thủ những nguyên tắc nhất định, được dùng để làm thước đo đánh giá hoạt động, công việc, sản phẩm của lĩnh vực nào đó. Đạt được những yêu cầu của chuẩn là đạt được mục tiêu mong muốn của chủ thể quản lý hoạt động, công việc, sản phẩm đó.

Yêu cầu là sự cụ thể hóa, chi tiết, tường minh Chuẩn, chỉ ra những căn cứ để đánh giá chất lượng. Yêu cầu có thể được đo thông qua chỉ số thực hiện. Yêu cầu được xem như những “chốt kiểm soát” để đánh giá chất lượng đầu vào, đầu ra cũng như quá trình thực hiện.

b) Những yêu cầu cơ bản của chuẩn:

- Chuẩn phải có tính khách quan, nhìn chung không lệ thuộc vào quan điểm hay thái độ chủ quan của người sử dụng Chuẩn.

- Chuẩn phải có hiệu lực ổn định cả về phạm vi lẫn thời gian áp dụng. - Đảm bảo tính khả thi, có nghĩa là Chuẩn đó có thể đạt được (là trình độ hay mức độ dung hòa hợp lí giữa yêu cầu phát triển ở mức cao hơn với những thực tiễn đang diễn ra).

- Đảm bảo không mâu thuẫn với các chuẩn khác trong cùng lĩnh vực hoặc những lĩnh vực có liên quan.

1.2.4.2. Chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông

Theo các tác giả của tài liệu “Hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học” do Bộ GD&ĐT ban hành [33,5]:

a. Chuẩn KT - KN của Chương trình môn học: là yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức, kỹ năng của môn học mà HS cần phải và có thể đạt được sau mỗi đơn vị kiến thức (mỗi bài, chủ đề, chủ điểm).

Chuẩn KT - KN của một đơn vị kiến thức là các yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức, kỹ năng của đơn vị kiến thức mà HS cần phải và có thể đạt được.

Yêu cầu về kiến thức, kỹ năng thể hiện mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng.

Mỗi yêu cầu về kiến thức, kỹ năng có thể được chi tiết hơn bằng những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cụ thể, tường minh hơn; minh chứng bằng những ví dụ thể hiện được cả nội dung kiến thức, kỹ năng và mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng.

b. Chuẩn KT - KN của Chương trình cấp học là các yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức, kỹ năng của các môn học mà HS cần phải và có thể đạt được sau từng giai đoạn học tập trong cấp học.

- Chuẩn KT - KN ở chương trình các cấp học đề cập đến những yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng mà HS cần và có thể đạt được sau khi hoàn thành chương trình giáo dục của từng lớp học và cấp học. Các chuẩn này cho thấy ý nghĩa quan trọng của việc gắn kết, phối hợp giữa các môn học nhằm đạt được mục tiêu giáo dục của cấp học.

- Việc thể hiện Chuẩn KT - KN ở cuối chương trình cấp học thể hiện hình mẫu mong đợi về người học sau mỗi cấp học và cần thiết cho công tác quản lý, chỉ đạo, đào tạo, bồi dưỡng GV.

- Chương trình cấp học đã thể hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng không phải đối với từng môn học mà đối với từng lĩnh vực học tập.

1.2.4.3. Các mức độ về kiến thức, kỹ năng

Các mức độ về kiến thức, kỹ năng được thể hiện cụ thể trong Chuẩn KT - KN của chương trình giáo dục phổ thông [33,6].

- Về kiến thức: yêu cầu HS phải nhớ, nắm vững, hiểu rõ các kiến thức cơ bản trong chương trình, SGK, đó là nền tảng vững vàng để có thể phát triển năng lực nhận thức ở cấp cao hơn.

- Về kỹ năng: biết vận dụng các kiến thức đã học để trả lời câu hỏi, giải bài tập, làm thực hành; có kỹ năng tính toán, ứng dụng …

Kiến thức, kỹ năng phải dựa trên cơ sở phát triển năng lực, trí tuệ HS ở các mức độ, từ đơn giản đến phức tạp; nội dung bao hàm các mức độ khác nhau của nhận thức.

Mức độ cần đạt được về kiến thức được xác định theo 6 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá và sáng tạo.

Như vậy, việc xác định Chuẩn KT - KN không chỉ dừng lại ở nội dung chương trình tổng thể, mà còn xác định rõ tới từng mức độ nhận thức của HS. Điều này là cơ sở quan trọng, giúp tạo thuận lợi cho GV thực hiện hoạt động dạy học cũng như hoạt động KTĐG HS, giúp nhà quản lý căn cứ vào Chuẩn KT – KN xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tốt hơn hoạt động dạy học trong nhà trường.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động dạy học theo Chuẩn kiến thức, kỹ năng ở các trường THPT tỉnh Hưng Yên (Trang 25)