1.2.6.1. Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh:
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được thành lập ngày 26 tháng 3 năm 1931, là một tổ chức chính trị - xã hội của Thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, phấn đấu và rèn luyện. Đoàn bao gồm những thanh niên tiên tiến, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Được xây dựng, rèn luyện và trưởng thành qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Đoàn đã tập hợp đông đảo thanh niên phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ mới, Đoàn tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc và bản chất tốt đẹp của mình, kế tục trung thành, xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng; tổ chức động viên đoàn
viên, thanh niên cả nước đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam, là lực lượng xung kích cách mạng, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, đại diện chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tuổi trẻ; phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; là lực lượng chính trị trong phong trào thanh niên và trong các tổ chức thanh niên Việt Nam”. [15, tr.9, 10]
Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có các nhiệm vụ: - Đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên. - Tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh niên.
- Tổ chức các hoạt động, các phong trào hành động cách mạng.
- Tham gia xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, xây dựng, bảo vệ chính quyền nhân dân và các đoàn thể nhân dân là trách nhiệm và quyền lợi của ĐV, TN và tổ chức Đoàn; là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của các cấp bộ Đoàn.
- Phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.
Từ ngày 26/3/1931 đến nay, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Đoàn đã đổi tên nhiều lần:
Từ 1931 - 1936: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương Từ 1936 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương
Từ 1939 - 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương Từ 1941 - 1955: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam Từ 1955 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam Từ 1970 - 1976: Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh Từ 12/1976 đến nay: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
1.2.6.2. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong trường THPT:
Về vị trí, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là thành viên trong hệ thống tổ chức của nhà trường, góp phần cùng nhà trường thực hiện tốt mục tiêu GD. Đoàn trường THPT hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng nhà trường và Quận, Huyện Đoàn nơi trường trú đóng. Tổ chức Đoàn là nơi trực tiếp giáo dục, rèn luyện thực hiện quyền làm chủ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của ĐV, HS.
Tại khoản 3 Điều 97 của Luật Giáo dục đã qui định “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có trách nhiệm phối hợp với nhà trường giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; vận động đoàn viên, thanh niên gương mẫu trong học tập, rèn luyện và tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục”
Tại khoản 2 Điều 22 Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng khẳng định “Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội khác trong nhà trường hoạt động theo quy định của pháp luật nhằm giúp nhà trường thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục”.
Như vậy, những quy định về tổ chức và hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng khẳng định rõ chức năng và nhiệm vụ của đoàn là: Tổ chức, vận động, thu hút ĐV, HS tích cực tham gia các hoạt động nhằm góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện của nhà trường phổ thông thông qua phong trào thi đua “dạy tốt và học tốt”, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, hoạt động thực tiễn xã hội. Đoàn trong trường THPT có nhiệm vụ GD chính trị tư tưởng, đạo đức, nếp sống cho HS; tổ chức tốt các hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động xã hội góp phần xây dựng nhân cách, đạo đức cách mạng cho ĐV, HS. Bên cạnh đó, Đoàn trong trường THPT cần thường xuyên làm tốt công tác xây dựng Đoàn, có trách nhiệm GD, giúp đỡ TN trở thành ĐV. Thường xuyên xin ý kiến của Chi bộ về các mặt công tác của mình. Luôn tranh thủ sự giúp đỡ của BGH, Chi ủy và Công đoàn nhà trường, Hội đồng sư phạm, Hội phụ huynh HS đối với hoạt động của Đoàn.