Cơ sở khoa học bón phân viên nén cho có

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm một số giống cói đang trồng phổ biến và biện pháp kỹ thuật tăng năng suất cói tại Ninh Bình và Thanh Hóa (Trang 48)

Theo Nguyễn Tất Cảnh và cs. (2006) cho rằng cói là một loại cây, trồng một lần cho thu hoạch nhiều lần. Thông thường chu kì kinh doanh của cói kéo dài trong khoảng 5 năm. Trước kia đất đai được bồi đắp phù sa, bón nhiều phân hữu cơ thì chu kỳ kinh doanh của cói kéo dài 7 - 8 năm hoặc hơn. Từ năm thứ hai đất trồng cói trở nên rắn chắc hơn do sự phát triển mạnh của bộ rễ cói và do kỹ thuật canh tác theo phương thức tưới tràn, tháo kiệt và tàn dư cây cói để lại (bổi cói). Khi bón phân (đạm và kali) vãi ở trên bề mặt các chất dinh dưỡng rất khó đi xuống lớp đất phía dưới, nơi ít chịu ảnh hưởng của tác động rửa trôi và bay hơi cho nên hiệu quả sử dụng phân bón cho cói rất thấp. Theo kết quả điều tra, lượng phân đạm trung bình bón cho cói ở khu vực Ninh Bình và Thanh Hóa lên đến 350 kg N/ha.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón cho cói, qua đó giảm bớt lượng phân bón cho cói, nâng cao hiệu quả kinh tế trong trồng cói, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cần nghiên cứu và sản xuất loại phân viên chuyên dụng cho cói. Loại phân này cần đáp ứng: 1) là loại phân chậm tan, giải phóng từ từ các chất dinh dưỡng cho cói; 2) rất ít hoặc không bị rửa trôi theo dòng nước khi rút nước ra khỏi ruộng cói để tránh cho cói khỏi bị “chân cua” ảnh hưởng xấu đến chất lượng cói; 3) bón được trên mặt ruộng cói.

Để đáp ứng được 3 yêu cầu trên, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học Viện Nông nghiệp Việt Nam) đã nghiên cứu thành công dạng phân viên nén. Phân có dạng viên đủ lớn để bị giữ lại giữa các gốc cói đồng thời lại không quá lớn ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, bón phân và sự phân bố quá xa và không đồng đều của các viên phân trên mặt ruộng. Viên phân có nhiều trọng lượng kích cỡ và tỷ lệ (%) N : P : K khác nhau như (loại 1,5 g với tỷ lệ (%) N : P : K trong viên phân là 16 : 7 : 12 hoặc 17 : 7 : 10; loại 1,8 g với tỷ lệ (%) đạm Urê, lân Supe, Kaliclorua là 41,0 : 33,5 : 10,5) để phù hợp với từng loại cây trồng.

Để giải quyết vấn đề chậm tan hai loại chất phụ gia được sử dụng. Chất phụ gia 1 có tác dụng bọc các viên phân Ure và Kali và kết gắn các loại phân lại để tạo thành viên đủ độ bền. Như vậy Ure sẽ được bọc hai lớp, việc bọc này sẽ ngăn ngừa việc hòa tan nhanh của Ure và Kali do ngăn ngừa được việc thấm nước vào các loại phân bón này trong viên phân. Chất phụ gia 2 có tác dụng kìm hãm hoạt động của men Urease. Để tăng cường bám dính của chất phụ gia lên Ure chúng được hòa tan trong một loại keo. Ngoài ra Supe Lân trong viên phân sẽ làm thêm nhiệm vụ hấp thụ NH3 giải phóng ra để giữ chúng ở dạng octophotphat amôn, ngăn ngừa việc bay hơi NH3 vào không khí.

Nghiên cứu sử dụng phân viên nén trên các cây trồng khác nhau như cho cây lúa (Đậu Thị Triều, 2013), cho cây ngô (Phạm Đức Ngà và cs, 2012) đã cho quả tốt, nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng phân. Chính vì vậy, nghiên cứu dạng phân viên nén cho cây cói là giải pháp công nghệ hữu ích làm giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm một số giống cói đang trồng phổ biến và biện pháp kỹ thuật tăng năng suất cói tại Ninh Bình và Thanh Hóa (Trang 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)