Trước những năm 1980 việc khảo sát lồng ngực bằng chụp CLVT đã rất phổ biến ở Mỹ và châu âu nhằm tầm soát UTP ở giai đoạn sớm. Từ 1988 đến 2001 David Midthun và cộng sự ở tổ chức DPCCM (Division of Pulmonary and Critical Care Medicine – Bộ phận nghiên cứu về phổi và các vấn đề chăm sóc y tế) tại Mayo Clinic, Rochester (Mỹ), đã tiến hành việc sàng lọc UTP bằng CLVT liều xạ thấp cho một số lượng lớn những người có tiền sử hút thuốc lá. Nghiên cứu chỉ ra rằng CLVT có khả năng phát hiện những nốt rất nhỏ < 3mm ở phổi, sau đó những BN này được làm test sàng lọc tiếp theo và phần lớn được chẩn đoán giải phẫu bệnh bằng sinh thiết xuyên thành ngực (STXTN). Việc chẩn đoán sớm đã làm gia tăng đáng kể kết quả điều trị đặc biệt là bằng phẫu thuật và xạ trị, giúp BN kéo dài tuổi thọ và nhiều người khỏi bệnh. Ồng cũng khuyến cáo nếu những người nào có kết quả âm tính trong test sàng lọc này cũng đừng nên hiểu mình không bị UTP mà vẫn nên kiểm tra định kỳ, nên giảm bớt tiến tới dừng hút thuốc lá. Qua nghiên cứu này ông cũng chỉ ra rằng việc chẩn đoán sớm giai đoạn của UTP là rất quan trọng cho kết quả điều trị và CLVT có vai trò rất lớn trong vấn đề này với liều phóng xạ rất thấp không ảnh hưởng gì đến người được chụp .
Năm 2004 F. Kiessling và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu sự ngấm thuốc cản quang của u ở 124 BN UTP trên phim CLVT đa dãy. Kết quả cho thấy mức độ ngấm thuốc phụ thuộc nhiều vào thể tích, vị trí của u mà không phụ thuộc vào bản chất GPB của u. Đặc biệt hình chụp ngấm thuốc có sử dụng phần mềm dựng mạch MIP cũng chỉ ra được ĐM mạch nào cấp máu cho u phổi: ĐM phổi, ĐM phế quản hay cả hai. Ngoài ra nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng trong trường hợp xuất hiện mạch tân tạo có nguồn gốc từ ĐM liên sườn xâm nhập vào khối u thì đây là dấu hiệu rất có giá trị chẩn đoán chắc chắn khối u đã xâm lấn thành ngực [66].
Năm 2006 John F. Bruzzi và cộng sự ở khoa xạ trị, khoa phẫu thuật lồng ngực và tim mạch, trung tâm ung thư Anderson Houston, Mỹ, đã công bố công trình nghiên cứu các khối u vùng đỉnh phổi bằng sự phối hợp các thiết bị chẩn đoán MSCT, MRI, PET/CT. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong các thiết bị chẩn đoán nêu trên CLVT đa dãy rất có ưu thế trong việc nhận định sự xấm lấn của u, nhất là khi khối u đã phá hủy cung sườn, ăn mòn đốt sống thì đây là dấu hiệu chắc chắn khẳng định u đã xâm lấn thành ngực. Ngoài ra CLVT cũng góp vai trò đánh giá sự xâm lấn của u vào bó mạch dưới đòn. Trong những nghiên cứu này hình ảnh chụp CLVT đều được đối chiếu với hình ảnh PET/ CT với sự hiện diện của các nhân nóng khi tiêm đồng vị phóng xạ cho BN [30] .
Năm 2005 David Yankelevitz (Mỹ) đã nghiên cứu mối tương quan giữa kích thước u và giai đoạn của UTP. Kết quả cho thấy mối tương quan là rất lỏng lẻo. Nhiều trường hợp mặc dù khối u ở phổi còn rất nhỏ (ĐK < 2cm) không thấy hạch lớn rốn phổi, trung thất song đã di căn lên não. Ngược lại có trường hợp u > 5cm song không hề có hạch trung thất và không có di căn xa hoặc có những trường hợp chưa có hình ảnh u trên CT lồng ngực song tác giả đã phát hiện thấy u di căn xa lên não (Tis) [141].
Takashima và cộng sự (2003) nghiên cứu trên 80 trường hợp nốt đơn độc ở phổi được phát hiện qua sàng lọc bằng chụp CLVT liều thấp thấy tỉ lệ bờ có múi ở nhóm lành tính là 41%, nhóm ác tính là 50%, bờ tua gai ở nhóm lành tính là 34%, nhóm ác tính là 22%, nhưng sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Tỉ lệ bờ không nhẵn ở nhóm u lành tính là 48%, nhóm ác tính là 25%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Qua đó ta thấy không thể chủ quan trước một tổn thương có kích thước nhỏ, bờ nhẵn, cũng như một tổn thương có bờ tua gai chưa chắc đã là tổn thương ác tính [125].