Chụp CLVT là phương pháp CĐHA được sử dụng phổ biến nhất để đánh giá kích thước của khối u phổi. Tuy nhiên người ta nhận thấy có sự khác biệt giữa kích thước u đo được trên CLVT so với mẫu bệnh phẩm sau mổ, sự chênh lệch kích thước vào khoảng 18% (29,5mm so với 24mm) [73].
Kích thước u là một yếu tố quan trọng để phân loại giai đoạn UTP, vì vậy việc kích thước u to hơn so với kích thước thực có thể dẫn tới làm tăng giai đoạn ung thư thực của BN.
Theo các tác giả có hai nhóm yếu tố chính gây ra sự chênh lệch nói trên, đó là: sự biến đổi của nhu mô phổi (phổi nở khi chụp CLVT, xẹp trong mẫu bệnh phẩm sau phẫu thuật) và tình trạng phù nề, viêm hoặc thâm nhiễm quanh tổn thương (quan sát được trên CLVT nhưng mất đi trong mẫu bệnh phẩm sau phẫu thuật).
Ngoài ra còn một số yếu tố khác như: sự khác nhau giữa các loại máy CLVT, độ dày lớp cắt, cửa sổ đánh giá cũng ảnh hưởng tới vấn đề đo đạc kích thước u trên CLVT. Trên CLVT các nốt mờ thường biểu hiện dưới 3 dạng: nốt đặc hoàn toàn, nốt bán đặc và nốt kính mờ. Do hiện nay chưa có các nghiên cứu đánh giá về giá trị tiên lượng của tình trạng thâm nhiễm quanh u (gây hình ảnh kính mờ) do đó người ta vẫn khuyến cáo khi đo kích thước u nên lấy cả phần đặc và phần kính mờ (đo ở cửa sổ phổi) [38],[39].
Việc sử dụng ảnh MPR của MSCT để đo đạc các kích thước của u là rất cần thiết. Nếu chỉ căn cứ vào các lát cắt ngang để xác định các kích thước của u thường không chính xác, sai số lớn dẫn đến tình trạng tăng hay giảm khi
nhận định kết quả, ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp điều trị cho người bệnh.
Việc đo thể tích u trong việc phân loại và đánh gíá kết quả điều trị cũng đòi hỏi phải khá chính xác. Trong thực hành lâm sàng người ta thường sử dụng phương pháp ước tính thể tích u bằng đo 3 chiều khối u. Phương pháp này có ưu điểm dễ sử dụng, nhanh song thường có sai số lớn. Để có kích thước 3 chiều khối u một cách chính xác thì việc sử dụng ảnh MPR là rất cần thiết. Hiện nay phần lớn các máy đa dãy đều có phần mềm tính thể tích theo tiêu chuẩn của WHO, RECIST (response evaluation criteria in solid tumor). Đây là những tiêu chuẩn được dùng trong đánh giá ban đầu (chẩn đoán) và theo dõi kết quả điều trị, dựa trên sự mã hóa các số đo và thường cho kết quả khá chính xác. Trong thực hành kết quả đo đường kính lớn nhất của u qua mặt phẳng Axial theo tiêu chẩn của WHO hay RECIST cũng được coi là ĐK ngang lớn nhất của u (yếu tố T) có thể sử dụng vào việc xác định giai đoạn UTP [73].
Hình 1.12. Đo các ĐK u phổi theo tiêu chuẩn WHO ( AxB) và RECIST (A). A được coi là tiêu chí T trong đánh giá xếp giai đoạn UTP [20]