Các điều kiện phát triển CNTT may mặc

Một phần của tài liệu Phát triển công nghiệp thời trang may mặc thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 (Trang 26)

6. Nội dung nghiên cứu

1.2Các điều kiện phát triển CNTT may mặc

Việc phát triển CNTT may mặc là một vấn đề rất phức tạp trong quá trình hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp của mỗi quốc gia. Với các nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, khi các nguồn lực còn hẹp, qui mô các ngành kinh tế còn nhỏ, việc giải quyết bài toán phát triển CNTT may mặc lại càng khó khăn và phức tạp hơn. Phát triển CNTT may mặc chịu sự tác động của nhiều nhân tố ở các mức độ khác nhau. Sử dụng “Mô hình kim cương Porter” [tr.19] để xác định các điều kiện và mức độ ảnh hưởng của chúng đến sự phát triển CNTT may mặc.

Theo Michael E. Porter (1990) quan niệm rằng: Khả năng cạnh tranh của một ngành công nghiệp là khả năng sáng tạo và đổi mới của ngành đó. Khả năng này được hình thành bởi 4 yếu tố, bao gồm: (1) điều kiện các yếu tố sản xuất, (2) điều kiện cầu, (3) các ngành CNPT và các ngành liên quan, (4) chiến lược, cơ cấu và cạnh tranh nội bộ ngành. Cả 4 yếu tố này tác động qua lại lẫn nhau tạo thành “Mô hình kim cương Porter” nhằm để chỉ khả năng chịu “va đập” của một ngành công nghiệp ở mỗi quốc gia trước môi trường cạnh tranh gay gắt. Porter lý luận rằng Mô hình Viên kim cương là một hệ thống tác động tăng cường lẫn nhau. Hiệu quả của một thuộc tính này lệ thuộc vào tình trạng của các thuộc tính khác, chúng không phải hoàn toàn độc lập mà là tương trợ lẫn nhau. Porter cũng cho rằng hai biến số bổ sung sau có thể ảnh hưởng đến mô hình viên kim cương của quốc gia bằng các phương thức quan trọng: đó là (5) Thời cơ và (6) Chính phủ. Mối quan hệ 2 chiều giữa các yếu tố được thể hiện qua mô hình sau:

Hình 1.8: Mô hình Viên kim cương của Porter

(Nguồn: The Michael E. Porter (1990))

Theo hình 1.8, tác giả đi phân tích một số nội dung chủ yếu của từng điều kiện ảnh hưởng tới sự phát triển CNTT may mặc tạo lợi thế cạnh tranh như sau:

* Các đóng góp của yếu tố đầu vào sản xuất:

Các yếu tố đầu vào thường bao gồm nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên, nguồn tri thức, nguồn vốn, kết cấu hạ tầng. Tỷ lệ sử dụng yếu tố đầu vào của ngành khác nhau là khác nhau, vì vậy mỗi quốc gia có thể khai thác lợi thế cạnh tranh thông qua việc xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp với tỷ lệ sử dụng yếu tố đầu vào thích hợp.

Yếu tố đầu vào của CNTT may mặc cũng có đầy đủ đầu vào của nhiều ngành công nghiệp khác. Trong đó, các yếu tố đầu vào cơ bản lại chiếm tỷ trọng lớn, đóng vai trò quyết định như lao động, vải, giấy, phụ liệu, cơ sở hạ tầng hành chính –thông tin – khoa học công nghệ, tài nguyên thiên nhiên, thổ nhưỡng khí hậu.

Tuy vậy, khi khoa học công nghệ phát triển thì lợi thế cạnh tranh lại thuộc về những nước có nhiều yếu tố đầu vào cao cấp. Các nước này sản xuất ra được nguyên liệu đầu vào nhân tạo hoặc nâng cao chất lượng, nâng cao năng suất của sản phẩm đầu vào có nguồn gốc từ tự nhiên. Những nước có trình độ lao động cao, công nghệ cao sẽ sản xuất ra nhiều yếu tố đầu vào cao cấp như nguyên liệu cao cấp, chỉ, mex, nút,…

* Các điều kiện về mức cầu

Yếu tố về cầu thị trường bao gồm: các yếu tố cấu thành cầu thị trường, quy mô và sự tăng trưởng của cầu và phương thức chuyển ra thị trường nước ngoài. Các yếu tố thuộc nhóm này có ý nghĩa là căn cứ quan trọng nhất trong sự phát triển CNTT may mặc cả về quy mô, cơ cấu sản phẩm cũng như về tốc độ.

* Các ngành liên hệ và hỗ trợ

Ngành CNTT may mặc luôn chịu ảnh hưởng của các ngành công nghiệp liên quan, bao gồm:

- Ngành cơ khí chế tạo các thiết bị, dây chuyền sản xuất hàng may mặc, vải… Đây là một ngành rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã sản phẩm.

- Ngành sản xuất và cung cấp năng lượng mà chủ yếu là điện năng cho sản xuất cũng vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, sản xuất sản phẩm, có đạt được trình độ cơ khí hóa, tự động hóa cũng như ứng dụng các công nghệ hiện đại khác vào sản xuất hay không nó phụ thuộc vào sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất điện, vào sự cung cấp điện ổn định và với mức giá chấp nhận được. Ngoài ra, ngành cung cấp nước cũng rất quan trọng đối với tất cả các ngành nghề kinh doanh, vì nó phục vụ trực tiếp cho các công đoạn sản xuất sản phẩm.

- Các ngành cung cấp dịch vụ như giao thông vận tải, hải quan, bảo hiểm, y tế,…cũng rất ảnh hưởng đến sự phát triển của CNTT may mặc. Các ngành này nếu phát triển tốt thì phục vụ và có tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các DN. Trong đó, đặc biệt là giao thông vận tải, đây là ngành dịch vụ mà TP.HCM rất yếu, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí và tiến độ kinh doanh của các DN, từ đó ảnh hưởng đến việc thu hút vốn FDI. Các dịch vụ hải quan, với chính sách và thủ tục hành chính rườm rà, thường xuyên thay đổi cũng đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành có liên quan, trong đó có CNTT may mặc.

* Chiến lược, cơ cấu và cạnh tranh của DN

Yếu tố này bao gồm việc thiết lập, tổ chức quản lý một DN, một ngành cũng như tình hình cạnh tranh trên thị trường. Một DN, một ngành có được phương pháp quản lý tốt, có được các chiến lược tốt sẽ tạo lợi thế cạnh tranh của một ngành hay một quốc gia.

Các nội dung cụ thể của nhân tố này bao gồm:

- Thứ nhất, khả năng phân tích và xây dựng các chiến lược. Chủ DN xác định được DN đang ở đâu, khả năng cạnh tranh như thế nào, nguồn lực ra sao; DN muốn đến đâu, tầm nhìn, mục tiêu chiến lược là gì; DN phải làm gì để đến được đích, lên kế hoạch chiến lược, triển khai và giám sát thực hiện chiến lược.

- Thứ hai, chiến lược và cơ cấu tổ chức của các DN trong ngành. Phương pháp cạnh tranh và quản lý của một DN trong một quốc gia thường bị ảnh hưởng bởi đặc điểm của quốc gia đó. Ngành công nghiệp của một nước sẽ có lợi thế cạnh tranh khi các phương pháp và các thông lệ quản lý phù hợp với đặc trưng của quốc gia và khả năng cạnh tranh của ngành. Chiến lược phát triển DN phụ thuộc vào thông lệ quản lý, quan điểm của các lãnh đạo, đào tạo cán bộ, quan điểm làm việc của cá nhân, quan hệ với khách hàng, quan điểm mở rộng thị trường ra nước ngoài, mối quan hệ giữa lao động và quản lý.

- Thứ ba, các yếu tố mục tiêu. Mục tiêu của quốc gia và DN tạo động lực cho mỗi công dân, mỗi nhà quản lý. Lợi thế cạnh tranh mỗi quốc gia phụ thuộc vào nỗ lực và mục tiêu phấn đấu của mỗi DN và mỗi cá nhân. Nếu có sự thống nhất trong mục tiêu của Nhà nước, DN và mỗi cá nhân thì chắc chắn quốc gia đó sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh hơn các quốc gia khác.

- Thứ tư, yếu tố cạnh tranh nội địa. Nhiều nhà kinh tế cho rằng cạnh tranh nội địa không mang lại lợi ích cho chính quốc gia đó mà chỉ dẫn đến những hạn chế về lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác do cạnh tranh ngăn cản khai thác lợi thế kinh tế quy mô. Tuy nhiên, trên thực tế hiếm có ngành công nghiệp nào có thế mạnh cạnh tranh trên trường quốc tế lại không đã và đang chịu sức cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa. Cạnh tranh từ thị trường nội địa đòi hỏi DN phải không ngừng đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

* Thời cơ

Theo M.Porter, các sự kiện về thời cơ như các việc canh tân chủ yếu, tạo ra việc bất liên tục cũng có thể làm giải đông hay tạo hình DN của quốc gia hay lãnh thổ để hất cẳng các DN khác. Vì vậy, khả năng dự báo và phán đoán cũng như phản ứng lại của các chính phủ, ngành công nghiệp và DN có ý nghĩa quan trọng khi xem xét và phân tích yếu

tố này. Yếu tố cơ hội là một yếu tố khách quan, vì vậy, một DN, một đất nước nếu có khả năng phán đoán tốt, có chiến lược kinh doanh linh hoạt, hợp lý sẽ phát huy tốt các điểm mạnh, khắc phục điểm yếu và hạn chế nguy cơ. Trong phát triển CNTT may mặc hiện nay cần chú ý tới một số xu hướng tất yếu sau:

- Thứ nhất, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế và khu vực:

Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang diễn ra nhanh chóng, quyết liệt và trở thành xu thế phát triển không thể đảo ngược của nền kinh tế thế giới hiện nay. Xu thế này mang lại cho nền CNTT may mặc cả những cơ hội và nguy cơ không nhỏ.

Hiện nay, có một xu thế đẩy mạnh toàn cầu hóa kinh tế thế giới là sự chia nhỏ quá trình sản xuất thành các công đoạn đang diễn ra nhanh chóng. Các nước đều cố gắng đạt được ở mức độ nào đó về chuyên môn hóa và tham gia vào mạng lưới sản xuất trong khu vực hoặc trên thế giới. Điều này đặt ra yêu cầu các quốc gia phải định hướng lại các lựa chọn phát triển của mình về mặt cơ cấu. Vấn đề quan trọng là TP.HCM có thể đảm nhận bộ phận có tầm quan trọng và giá trị gia tăng cỡ nào trong chuỗi giá trị ấy.

Quá trình hội nhập quốc tế này cũng đem lại những cạnh tranh khốc liệt với các nước khác. Trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã tiếp nhận khá thuận lợi nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Nhưng các DN TP.HCM đang bỏ lỡ một cơ hội lớn là trong khi dòng vốn ĐTNN chảy vào rất mạnh thì khả năng hấp thu, tiếp thu chuyển giao công nghệ từ các DN có vốn ĐTNN lại rất hạn chế. Các DN TP.HCM cũng đang tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng đang ở vị trí nào. Theo lộ trình cắt giảm thuế quan, các sản phẩm CNPT sẽ đổ ồ ạt vào thị trường trong nước, tiếp tục nhấn sâu nước ta trong vòng gia công hàng hóa cho thế giới, chỉ được hưởng tiền công rẻ mạt, trong khi đó, chuỗi giá trị gia tăng lại tiếp tục rơi vào các nhà ĐTNN. Và trong tình thế này ngay các cơ sở sản xuất trong nước cũng sẽ ảnh hưởng tới dùng sản phẩm của CNPT nước ngoài, đồng nghĩa với việc thị trường nội địa bị lấn chiếm. Điều này đặt ra cho ngành và các nhà hoạch định chính sách phát triển với những trở ngại không nhỏ.

- Thứ hai, sự phát triển của các cụm liên kết ngành: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Cụm liên kết ngành “là khu vực tập trung các DNNVV cùng ngành, theo cùng một khu vực địa lý, cùng sản xuất và bán các loại hàng hóa phụ trợ hay có liên quan với nhau

và do đó gặp các khó khăn và thuận lợi tương tự” [3, tr.60]. Các DN trong một cụm có thể tạo nên chuỗi giá trị của sản phẩm, từ khâu cung cấp nguyên liệu cho đến việc đem sản phẩm tới người tiêu dùng. Do đó, một cụm liên kết ngành (CLKN) không chỉ bao gồm các DN sản xuất, mà còn bao gồm cả các nhà cung cấp nguyên liệu thô, các nhà thầu phụ, người mua, người xuất khẩu, các nhà cung cấp máy móc. Ngoài ra, rất nhiều tổ chức hỗ trợ, các hiệp hội, các cơ quan luật pháp, các nhà tư vấn, các nhà vận chuyển và các nhà cung cấp các dịch vụ khác, trực tiếp hoặc gián tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất của cụm.

* Chính phủ

Bằng các chọn lựa chính sách của mình, Chính phủ có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến các nhóm nhân tố ảnh hưởng trên. Chẳng hạn, chính sách nội địa hoá, chính sách đầu tư phát triển, chính sách thuế đánh vào khâu nhập khẩu và khâu sản xuất các sản phẩm hỗ trợ, mức độ đầu tư của Nhà nước vào nghiên cứu khoa học và công nghệ ở khu vực ngành… Các chính sách này tạo điều kiện hay kìm hãm phát triển CNTT là do quan điểm định hướng phát triển của Chính phủ về vấn đề này.

Một phần của tài liệu Phát triển công nghiệp thời trang may mặc thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 (Trang 26)