6. Nội dung nghiên cứu
3.3.2.2 Công tác quản trị doanh nghiệp
Hiện nay, công tác quản trị tại nhiều doanh nghiệp may thời trang còn nhiều bất cập, đặc biệt là DN nhỏ và vừa; các DN còn chủ quan trong việc tiếp cận mô hình quản lý tiên tiến, hiện đại. Để hiệu quả của công tác điều hành DN được nâng cao thì các DN cần quan tâm đến một số vấn đề:
- Xây dựng hệ thống mạng thông tin điều hành nhằm nâng cao hiệu quả của việc điều hành và quản lý mục tiêu. Tinh gọn bộ máy để phát huy hiệu lực trong quản lý và điều hành doanh nghiệp, đặc biệt là các DN có vốn Nhà nước. Xây dựng cơ chế quản lý mới nhằm khuyến khích cả về vật chất lẫn tinh thần và phát huy tối đa tính chủ động, tự chịu trách nhiệm, tự do sáng tạo của đội ngũ lao động, thu hút nguồn chất xám để phát triển DN.
- Tích cực trong việc chuẩn bị lực lượng từ việc quy hoạch lại sản xuất, bố trí năng lực, mở rộng hợp tác liên kết, đầu tư bổ sung. Xây dựng quy mô sản xuất phù hợp với năng lực, trình độ quản lý nhằm tạo ra sự linh hoạt và thích ứng nhanh với thị trường, từng bước sắp xếp lại sản xuất theo hướng chuyên môn hóa.
- Thành lập bộ phận nghiên cứu phát triển sản phẩm, trang bị cho bộ phận này các loại máy móc và các phương tiện thí nghiệm hiện đại, cùng với lực lượng cán bộ có đủ khả năng thiết kế các sản phẩm mới và giải quyết các vấn đề về kỹ thuật công nghệ. Cần thực hiện cơ chế đơn đặt hàng đối với bộ phận này, sẽ giúp họ tự chủ, sáng tạo và có trách nhiệm hơn trong công tác nghiên cứu cải tiến.
- Thành lập bộ phận phát triển thị trường: Bộ phận này phải nắm vững kỹ năng phát triển thị trường, marketing, xúc tiến thương mại; am hiểu thông lệ kinh doanh, các quy định của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam đang và sẽ gia nhập; nắm vững kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng, chăm sóc khách hàng; khai thác tối đa thế mạnh của internet, thương mại điện tử; …
- Các DN hầu hết là có quy mô nhỏ và vừa, nên thường khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, đàm phán giao dịch kinh doanh. Do đó, các DN có thể tổ chức liên kết dọc theo kiểu vệ tinh, hình thành các kiểu công ty mẹ con. Công ty mẹ chịu trách nhiệm tìm kiếm đối tác, đàm phán giao dịch, cung ứng yếu tố đầu vào cho các công ty con và tổ chức thu gom, xuất hàng, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định và phát triển bền vững.