6. Nội dung nghiên cứu
2.3.3 Đánh giá thực trạng phát triển ngành may mặc ở TP.HCM
* Về thành tựu: Ngành công nghiệp may mặc TP.HCM đã có những đóng góp đáng kể trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp của TP.HCM cũng như cả nước, chiếm gần 40% tổng giá trị sản xuất của cả nước.Trong các giai đoạn phát triển, ngành đã xác định được phương hướng phát triển, tập trung khai thác tốt một số tiềm năng, thế mạnh của mình, tạo nền tảng cho ngành phát triển trong các giai đoạn tới.
Trong các giai đoạn phát triển, ngành công nghiệp may mặc thành phố Hồ Chí Minh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, sản phẩm của ngành có vị trí quan trọng, có giá trị sản xuất lớn trong tổng thể giá trị sản xuất ngành dệt may của khu vực và cả nước. Tỷ trọng trong ngành công nghiệp giữ ổn định khoảng 12% trong suốt giai đoạn 2005-2012, chỉ đứng sau các ngành chế biến thực phẩm, đồ uống, hóa chất, cơ khí.
Hệ thống các công ty, xí nghiệp may từ Trung ương đến địa phương đều trưởng thành đáng kể. Số doanh nghiệp nộp ngân sách trong ngành dệt may thành phố tăng đều hàng năm. Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu cũng tăng hàng năm, đến 2010 đạt 2,7%. Mặc dù tỷ suất này vẫn là thấp so với toàn ngành công nghiệp thành phố và so với một số ngành công nghiệp khác, nhưng đã cho thấy, hoạt động của ngành may mặc từng bước đã có những hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh. Không những đội ngũ may xuất khẩu tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mà quy mô doanh nghiệp công nghệ sản xuất, chất lượng, đội ngũ công nhân lành nghề đang từng bước được nâng cao. Tất cả những điều này đang là dấu hiệu tốt cho sự khởi sắc của ngành may Việt Nam khi vươn ra thị trường thế giới. Hiện tại, TP.HCM có nhiều đơn vị may hàng đầu của Việt Nam, có tiếng tăm
trên thị trường thế giới như Công ty Legamex, Công ty may Nhà Bè, Công ty Việt Tiến, công ty may An Phước, Công ty may Việt Thắng….
* Về hạn chế: Tuy có nhiều lợi thế trong hoạt động sản xuất kinh doanh như vị trí thuận lợi, môi trường kinh doanh tốt, nguồn lao động dồi dào, ... nhưng hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng may mặc của các DN chưa phát huy hết tối đa được lợi thế. Cụ thể như sau:
- Một là, quy mô sản xuất của các DN kinh doanh hàng may mặc nhiều năm gần đây tăng không nhiều, diện tích mặt bằng của ngành tăng không đáng kể, vốn chủ sở hữu quá nhỏ. Điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DN.
- Hai là, lực lượng lao động trong các DN tương đối trẻ, nhiệt tình nhưng kỹ năng, kinh nghiệm làm việc và trình độ chuyên môn còn thấp. Hiện tượng lao động bỏ việc thường hay xảy ra. Bên cạnh đó, việc lao động làm thêm giờ, làm tăng ca diễn ra thường xuyên. Việc này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của DN.
- Ba là, các DN sản xuất hàng may mặc tại TP.HCM luôn bị động về nguồn nguyên phụ liệu. Theo số liệu thống kê thì có tới 60% đến 80% nguyên vật liệu để sản xuất hàng may mặc là nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí cao, nguyên liệu trong nước không đáp ứng được nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho các đơn hàng xuất khẩu.
- Bốn là, mặc dù giá trị sản xuất hàng năm lớn, nhưng đóng góp cho GDP không nhiều (chỉ khoảng 10% đến 15%). Sản phẩm may mặc chủ yếu mang tính gia công là chính, giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp. Các DN hoạt động theo phương thức gia công (CMT) chiếm đến 60%, xuất khẩu theo phương thức FOB chỉ khoảng 38% và xuất khẩu dựa trên nhãn hiệu của chính mình (ODM) chỉ có 2%, sản xuất theo mẫu mã và nguyên phụ liệu của họ mang đến và hưởng giá gia công rất thấp, các DN không quyết định được giá thành sản xuất. Hoạt động gia công mang nhiều yếu tố rủi ro, khi các DN nước ngoài lúc nào cũng có thể chuyển sang đối tác khác nếu ở đó giá gia công cạnh tranh hơn.
- Năm là, các DN may mặc còn hạn chế trong việc thiết kế mẫu hàng, chủ yếu các DN nhận mẫu mã được thiết kế sẵn từ các đơn hàng nước ngoài. Các DN trên địa bàn thành phố hiện nay sản xuất theo đơn hàng của DN nước ngoài nên chưa quan tâm nhiều đến việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và cải tiến sản phẩm do đó chất lượng sản
phẩm chưa cao, mẫu mã còn đơn điệu, điều đó kéo theo việc các DN không có khả năng cạnh tranh một cách toàn diện, nhất là về khía cạnh thời trang trong lĩnh vực CNTT. Vì thiếu năng lực cạnh tranh toàn diện, không có đội ngũ tạo ra giá trị thẩm mỹ cho sản phẩm, làm cho các DN không có được thương hiệu và niềm tin từ người tiêu dùng.
- Sáu là, năng lực cạnh tranh các mặt hàng còn yếu, đại bộ phận các DN có quy mô sản xuất nhỏ, năng lực kiến thức và kinh nghiệm thương mại quốc tế còn hạn chế. Kim ngạch xuất khẩu tuy tăng trưởng nhanh nhưng vẫn chưa thực sự vững chắc và dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài như biến động giá cả trên thị trường thế giới hay sự xuất hiện của rào cản thương mại.
Về nguyên nhân của hạn chế: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế, trong đó thực trạng về nguồn cung ứng nguyên liệu hiện nay còn nhiều hạn chế. Các công đoạn hỗ trợ sản xuất toàn diện như cung ứng nguyên phụ liệu, thiết kế, kiểm nghiệm...chưa được chú trọng đầu tư phát triển ở TP.HCM. Liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất với nhau, với các nhà cung ứng, phân phối hầu như không có. Các DN chưa chủ động liên kết với nhau để xây dựng cho mình hệ thống cung ứng nguyên phụ liệu ổn định, chất lượng đảm bảo, ít rủi ro. Các DN chỉ quan tâm đến một giải pháp là nhập khẩu nguyên phụ liệu và gia công thuần túy cho các đối tác nước ngoài.
- Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của TP.HCM chủ yếu dực vào khai thác lợi thế sẵn có mà chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh qua việc xây dựng các ngành công nghiệp có mối liên kết chặt chẽ với nhau để hình thành chuỗi giá trị gia tăng lớn. Theo điều tra thống kê, CNTT chủ yếu tập trung ở TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Các DN ở TP.HCM thường phải nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông…. Điều này ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm do tăng thêm chi phí nhập khẩu, chi phí vận chuyển…