Chú trọng miêu tả ngoại hình

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 92)

7. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Chú trọng miêu tả ngoại hình

Như chúng ta đã biết, đối tượng của tác phẩm văn học bao giờ cũng là con người và cuộc sống liên quan đến con người. Bởi văn học là một loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù. Xây dựng hình tượng bằng chất liệu phi vật thể là ngôn ngữ nó khác với một số loại hình nghệ thuật khác: ví dụ xây dựng hình tượng bằng âm thanh như âm nhạc; bằng màu sắc, đường nét như hội họa...

Ngoại hình nhân vật là một đặc điểm góp phần khắc họa tính cách nhân vật. Miêu tả ngoại hình nhân vật là thủ pháp nghệ thuật giúp nhà văn xây dựng nên hình tượng nhân vật của mình. Nó chính là việc miêu tả gương mặt, hình dáng, điệu bộ, trang phục. Tùy vào điểm nhìn, vào phương pháp sáng tác và phong cách cá nhân của tác giả mà nhân vật trong tác phẩm sẽ có những gương mặt khác nhau, chân dung khác nhau. Thủ pháp nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật được nhà văn thể hiện trên cơ sở kế thừa cách miêu tả truyền thống, vừa có sự sáng tạo độc đáo nên tạo được sức sống riêng. Nó đưa đến cho người đọc sự cảm nhận có tính khái quát về bản chất của con người vừa được nhìn nhận một cách riêng biệt như một cá nhân, một con người cụ thể. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật của từng tác giả góp phần cá tính hóa nhân vật khiến nhân vật trở nên sống động, cụ thể và có sức khái quát nhất định.

Trong truyện ngắn viết về nông thôn và người nông dân Nguyễn Kiên không có nhiều những trang văn miêu tả ngoại hình nhân vật. Tuy nhiên ông lại có chú tâm khắc họa nhiều lần một chi tiết ngoại hình nào đó của nhân vật để từ đó tính cách, phẩm chất, tâm trạng, đặc điểm của nhân vật được thể hiện một cách đậm nét và có ấn tượng đối với độc giả.

Trong tác phẩm Người yêu ngày trước, đôi mắt của Luyến và Thân được tác giả nhắc đi nhắc lại tới nhiều lần. Khi Thân có việc phải lên tỉnh, về đến bến đò Mai Lĩnh thì gặp Luyến rửa cỏ ở ven sông. Nghe tiếng Thân hỏi “Luyến ngẩng lên, bắt gặp đôi mắt của Thân, vội vàng cúi xuống” [32, 7]. Thân đi họp. Họp tan, anh lại rẽ vào ngõ nhà Luyến, khẽ gõ cửa. Nghe tiếng gõ, Luyến trở dậy mở cửa, cánh cửa liếp hé mở, “Trong chốc lát, hai người cùng nhìn thấy đôi mắt sáng lấp lánh của nhau và cả hai đều sững sờ” [32, 10]. Luyến lên nhà Thân mượn chiếc đấu mười để đi chợ Gốm một buổi nhưng thực chất là để tìm gặp Thân. “Luyến giơ cao tay lên cầm cái đấu Thân đưa qua hàng rào, đôi mắt đen dài của chị đột nhiên nhìn thẳng vào mắt anh, sáng rực, không chút e dè” [32, 12]. Hôm sau hai người gặp nhau ở chợ Gốm “Hai người không chào hỏi, không lại gần, chỉ đưa mắt nhìn nhau và từ lúc đó, mặc dầu chợ rất đông, chốc chốc họ lại bắt gặp đôi mắt của nhau” [32, 13]. Khi hồi tưởng lại kỉ niệm của mười năm trước, Thân bị giặc bắt đưa đi, Luyến không nói được một điều gì, “Nhưng đôi mắt nhòe ướt của cả hai thì cứ nhìn nhau mãi, như không muốn rời” [32, 14]. Đêm, Thân có việc qua sân phơi hợp tác xã, thấy Luyến và mấy bà con nữa đang dọn thóc, anh liền rẽ vào. Thân nói chuyện vui với bà con, “Luyến vẫn lúi húi làm, không bắt chuyện, chỉ thỉnh thoảng liếc nhìn Thân” [32, 16]. Khuôn mặt là chân dung của tâm hồn mà đôi mắt làm công việc diễn giải. Tâm hồn con người như một căn nhà kín cổng cao tường ai mà biết được trong đó chứa đựng những gì? Tâm hồn là một bình nguyên bát ngát, là một chân trời vô thủy, vô chung...

Tâm hồn con người phức tạp, đa dạng, muôn màu, muôn vẻ. Muốn nhìn thử tâm hồn ẩn mật chất chứa những gì? Chỉ có đôi mắt huyền ảo kì bí mới làm được điều đó. Tất cả những tình cảm biến thiên của con người: thương yêu, giận hờn, oán ghét, khổ đau... đều dồn cả vào đôi mắt. Đôi mắt có thể rất dịu dàng lặng thinh, không nói gì cả nhưng thật ra đã nói rất nhiều, đã thốt ra những lời trần tình vô ngôn. Đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn như người xưa đã từng nói. Trong Người yêu ngày trước, Nguyễn Kiên đã chú tâm khắc họa đôi mắt của nhân vật là một dụng ý nghệ thuật. Họ là những người đã từng có kỉ niệm sâu nặng với nhau. Nhưng rồi chiến tranh, thời gian đã li tán họ. Bây giờ hai người lại tìm đến với nhau. Không cần và cũng không nên phải nói nhiều. Đôi mắt đã giúp họ nói lên tất cả... Đặc biệt đôi mắt được miêu tả nhiều lần nhưng không phải lúc nào cũng giống nhau. Mỗi lần mỗi khác và rõ ràng là tình cảm thể hiện qua đôi mắt mỗi lần cũng khác nhau: khi tình cảm còn rụt rè chưa muốn tỏ “nhìn thấy đôi mắt của Thân, chị vội vàng cúi xuống”; khi tình cảm đến đắm say “nhìn thấy đôi mắt sáng lấp lánh của nhau và cả hai đều sững sờ”; khi đã trở nên bạo dạn, không cần dấu diếm tình cảm của mình thì “đôi mắt đen dài của chị đột nhiên nhìn thẳng vào mắt anh, sáng rực, không chút e dè”; khi đau khổ vì phải xa nhau “đôi mắt nhòe ướt của cả hai thì cứ nhìn nhau mãi”. Rõ ràng sự lặp lại một chi tiết ngoại hình nhân vật ở đây không phải một sự lặp lại đơn điệu, nhàm nhạt mà là một hình thức hữu hiệu để Nguyễn Kiên diễn tả sinh động diễn biến tâm trạng của nhân vật trong tác phẩm của mình.

Trong tác phẩm Mảnh lụa vân khi xây dựng nhân vật ông nội Trung, một con người lão làng trong nghề dệt lụa, tác giả chú ý khắc họa đôi mắt và đôi bàn tay. Tất nhiên không phải là đôi mắt nhiều tâm trạng của những kẻ yêu nhau mà là đôi mắt tinh tường của một người thợ dệt “Ông đã già nhưng ông còn khỏe mạnh. Đôi mắt ông ngày càng kéo nhỏ nhưng vẫn chẳng kém vẻ

tinh tường. Đôi mắt người thợ dệt là như thế. Ông thường hay nheo mắt nhìn ra ngoài nắng. Những tia nắng gợi lên những nẹp tơ tằm óng ánh như tráng nước vàng non, những nẹp tơ bóng màu bạc, sợi bộp và mềm lướt” [32, 27]. Đặc biệt ở người thợ dệt là đôi bàn tay “Hai bàn tay ông to mập, hồng nâu và đã răn reo cả, nhưng các đầu ngón tay vẫn trơn nhẵn không một vết sướt da nhỏ. Đôi bàn tay người thợ dệt là thế” [32, 27]. Đôi bàn tay của ông nội Trung cẫn mẩn, chu đáo, điêu luyện trong từng đường nét. Đôi bàn tay tài hoa và một bộ óc tinh tường “. Ông say mê vẻ đẹp khác nhau của những mẫu hàng khác đẹp hơn. Tất cả sự khéo léo nghề nghiệp là ở hai bàn tay ông. Những bí quyết thì nằm trong óc, ông giấu kín nó ở đáy như giấu trong hòm và khóa lại bằng cái lưỡi. Bộ óc đầy những bí mật nhà nghề ấy chỉ huy hai bàn tay. Hai bàn tay thực hiện chỉ thị thật khéo léo là nhờ thói quen của cả một đời người”[32, 29]. Ông nội Trung làm một người thợ dệt từ những ngày ngồi lên đòn phải ngồi kiễng chân mới với tới chân đòn. Cả đời ông gắn bó với nghề thợ dệt. Và ông là một người thợ dệt tài hoa nhất. Ông biết sắp các khung cửi dệt lụa hoa. Đặc biệt cả làng chỉ có ông biết sắp hoa lụa vân, chữa máy và cải biến máy dệt hoa nọ sang dệt hoa kia. Bao nhiêu kỉ niệm vui buồn của đời ông đều gắn liền với những mẫu hàng hoa luôn luôn thay đổi, ngày càng hoàn hảo và mới mẻ... Như vậy chỉ cần chú tâm vào hình ảnh đôi bàn tay và đôi mắt tác giả đã khắc họa thành công một người thợ dệt tài hoa, tinh tường, từng trải, gắn bó mọi vui buồn của cuộc đời mình với nghề thợ dệt.

Mận trong Đất bạc màu là một cô gái mới lớn, gắn bó với làng, với mảnh đất quê hương. Mận yêu làng. Mận sẽ vì nó mà cố gắng nhớ những gì mình đã học được để cải tạo đất. Mận hăng hái làm việc với sự nhiệt tình của tuổi trẻ và tình yêu làng chân thành. Cái hình dáng của cô trong cách miêu tả của Nguyễn Kiên vừa biểu hiện của một con người vì tình yêu làng mà không quản ngại sương nắng, vất vả vừa toát lên một nét đẹp thon thả, duyên dáng,

đáng yêu của người con gái mới lớn: “Người cô vẫn cứ bé nhỏ như thế, với đôi vai tròn lẵn, mềm mại và mái tóc cắt ngắn cặp trễ tràng để lại một khoảng sẫm lúc nào cũng thấm mồ hôi trên lưng áo vải nâu đã bạc phếch” [32, 121]. Cũng chính vẻ đẹp của Mận cùng với sự ngây thơ, trong sáng của cô đã khiến Xung càng yêu Mận hơn. Và vì tình yêu ấy đã níu chân Xung ở lại với làng, anh không thể rời xa cái làng Phương Tiến cằn cỗi; đất khô nỏ, bạc phếch như những dự tính lâu nay của anh: “Mận đứng ngây người, miệng ngậm chặt mấy sợi tóc mai dài lòa xòa rủ xuống, khuôn lấy đôi má mịn màng và cái cằm xinh xắn, hơi nhòn nhọn. Đôi mắt thăm thẳm của Mận ngước nhìn Xung nói rồi chớp chớp liên hồi, vừa vui thích vừa ngượng ngập, vẫn còn in bóng dáng tuổi thơ nhưng đã rõ ra vẻ con gái rồi. Xung không sao quyên được hình ảnh Mận buổi ấy. Xung yêu Mận” [32, 120]. Nói chung ở Mận toát lên một nét dễ mến của sự ngây thơ, trong sáng. Tác giả đã chú tâm khắc họa những nét ngoại hình: bờ môi, ánh mắt, sợi tóc của Mận làm cho nhân vật càng đáng yêu hơn và tạo nên một nét hài hòa giữa nội tâm và ngoại hình. Như vậy bằng những chi tiết về ngoại hình, đặc biệt là sự lặp lại một vài chi tiết, Nguyễn Kiên đã tạo cho nhân vật những nét tính cách, đặc điểm riêng biệt; trở nên cụ thể hóa, cá thể hóa; sống động, khó phai trong lòng độc giả.

Miêu tả ngoại hình nhân vật không chỉ bằng điểm nhìn của tác giả mà Nguyễn Kiên luôn dịch chuyển điểm nhìn để nhân vật của mình hiện lên một cách sống đông, hấp dẫn. Chẳng hạn nhân vật Thêm trong Nhữ và Thêm có đôi mắt sáng ướt, nhìn cứ xoáy vào người ta có khi được cảm nhận từ chính tác giả: “Trong đám khách có một anh thanh niên còn rất trẻ, không nói câu nào nhưng đôi mắt rất sắc của anh ta hết sức chăm chú nhìn Nhữ” [32, 194], có khi lại từ ấn tượng của Nhữ- nhân vật trong tác phẩm: “Mắt con trai gì mà có đuôi, sáng ướt, nhìn cứ xoáy vào người ta. Nhưng chưa bao giờ tôi lại tưởng tượng chú lại học nghề cá... Quả không có gì qua được mắt sắc của

chú” [32, 198-199]. Có tới bốn lần Nhữ nhắc đi nhắc lại ấn tượng của mình về đôi mắt sắc của Thêm. Điều đó làm cho nhân vật Thêm xuất hiện một cách khách quan, chân thực hơn trước mắt người đọc.

Một điểm đặc biệt trong truyện ngắn của Nguyễn Kiên, ít có những nhân vật có dáng hình thon thả, mảnh mai. Dáng hình của họ là dáng hình của con người của đồng áng, của cần cù sương nắng, suốt một đời phải vật lộn với kế sinh nhai: Đó là dáng hình của anh Keng “khuôn mặt vuông vức gồ ghề, cái áo bạc phếch, cái lưng to rộng hơi gù xuống” [32, 143], là dáng hình của Thân - người bí thư chi bộ xã bộn bề với mọi công việc “Thân ngồi xổm bên đống thóc, chiếc đèn bão hắt ánh sáng lên khuôn mặt hốc hác của anh. Luyến để ý thấy anh gầy rộc đi quá nhanh, râu ria mọc lởm chởm và đôi mắt thiếu ngủ lúc nào cũng cứng đờ” [32, 16]. Kể cả những thiếu nữ như Chi trong Con Nâu, Cúc trong Những người đàn bà ở làng, Mận trong Đất bạc màu cũng mang dáng vẻ cứng cỏi, lam lũ của một con người lao động: “Chi là một người con gái không đẹp, dáng hơi cứng cỏi một chút, lúc nào cũng bận bịu... giọng nói thong thả nghe êm êm, với một nụ cười thoáng qua, đôi mắt lấp lánh, hé cho ta thấy cô chủ nhiệm thông minh và hiểu biết hơn là ta vẫn tường nhiều” [32, 323]. Còn đây là Cúc trong buổi vét bùn ao đình: “Cúc đứng ở mí nước như một cô bé con, mà cũng không phải là một cô bé con. Mỗi lần cô choãi chân cầm đoạn thừng buộc nối vào miệng gầu kéo thẳng căng, hình như có một sức mạnh nào đó Đài chưa từng biết đã rung lên, truyền vào hai cánh tay anh và rê chiếc gầu nặng nề trượt nhanh vào trong bờ” [32, 73].

Cách xây dựng nhân vật thông qua miêu tả ngoại hình không phải là mới. Thủ pháp này được thể hiện khá phổ biến trong văn học thời kỳ trung đại. Nhưng nếu như trong văn học cổ việc miêu tả nhân vật thông qua ngoại hình với những chi tiết có tính ước lệ, thể hiện tính cách phi phàm của nhân

vật thì trong truyện ngắn Nguyễn Kiên nói riêng, trong văn học Việt Nam hiện đại nói chung đã đổi khác. Các chi tiết bình thường nhỏ nhặt làm nên hình hài và tính cách nhân vật được nhà văn chú trọng. Nhân vật được miêu tả từ nhiều yếu tố nhỏ như: mái tóc, hàm răng, điệu cười, ánh mắt, quần áo, cùng những cử chỉ nhỏ nhặt của một con người bình thường. Do vậy, nhân vật đã thoát khỏi tính ước lệ kiểu “Râu hùm hàm én mày ngài. Vai năm tấc rộng thân mười thước cao” (Truyện Kiều) để trở về với khuôn mẫu của cuộc đời thực. Các nhân vật được nhà văn miêu tả thực như những con người đang hiện diện đâu đó trong cuộc sống.

Thế nhưng xét cho kỹ, nhà văn Nguyễn Kiên vẫn còn những hạn chế trong việc xây dựng chân dung nhân vật. Ông vẫn chưa thực sự có sự đa dạng hóa trong cách miêu tả, chưa thực sự có khả năng cá biệt hóa nhân vật của mình qua hình dáng bên ngoài như chân dung nhân vật Chí Phèo, Thị Nở trong sáng tác của nhà văn Nam Cao. Nói chung ông chưa thực sự có những trang văn đặc sắc, để đời về việc miêu tả chân dung nhân vật.

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 92)