7. Cấu trúc luận văn
3.1.3. Ngôn ngữ đối thoại sinh động
Khái niệm ngôn ngữ nhân vật nhằm chỉ những lời nói của nhân vật trong tác phẩm. Lời nói đó phản ánh kinh nghiệm sống cá nhân, trình độ văn hóa, tư tưởng, tâm lí, thị hiếu... Ðằng sau mỗi câu câu nói của mỗi con người đều có lịch sử riêng của nó. Sêđrin cho rằng: “Từ cửa miệng một người nói ra không hề có lấy một câu nào mà lại không thể truy nguyên đến cái hoàn cảnh đã khiến cho nó xuất hiện... Trong cuộc sống, không thể có những hành động, những câu nói mà đằng sau lại không có một lịch sử riêng”. Quả là trong cuộc sống không thể có những người nói hoàn toàn giống nhau, vì vậy nhà văn cần phát hiện những nét riêng của ngôn ngữ nhân vật để thể hiện trong tác phẩm.
Có thể thấy, thế mạnh của truyện ngắn Nguyễn Kiên viết về nông thôn và người nông dân là đối thoại. Mật độ ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn của ông là rất lớn khiến cho câu văn giàu nhạc tính, diễn biến câu chuyện vận động nhanh, nhiều kịch tính, nhiều bất ngờ. Ông đã đem vào trong tác phẩm của mình gần như nguyên vẹn những câu nói thường ngày, những đoạn đối thoại sinh động đậm chất phương ngữ của Bắc bộ. Điều đó tạo nên những thành công của truyện ngắn Nguyễn Kiên trong việc khắc hoạ chân dung nhân vật. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của ông rất đa dạng với những kiểu
đối thoại và giọng điệu khác nhau. Nguyễn Kiên đã chú ý trong việc lựa chọn ngôn ngữ của nhân vật làm sao để phù hợp với trình độ, thành phần xuất thân, tính cách của nhân vật. Vì thế ngôn ngữ đối thoại đã góp phần xây dựng cũng như cá thể hoá nhân vật.
Đây là đoạn đối thoại giữa anh Keng, bà Thủy và chị Lạt trong buổi lên huyện chở phốt phát:
- Bác Thủy ơi, bác có chuyện gì vui vui kể đi nào!
- Tôi thì làm gì có chuyện vui- Bà Thủy đáp bằng một giọng uể oải- Già
rồi! Bảo anh Keng ấy, anh ấy đang trai... - Khỉ cái bà này. Cứ phải đang trai mới vui! (...)
- Bác Thủy ơi. Hay bác kể chuyện buồn cũng được. Chuyện buồn nhất ấy! - Chuyện buồn thì có đấy. Dưng mà cả xóm biết cả, việc gì phải kể! - Chuyện gì thế bác?- Lạt chột dạ, vội hỏi lại.
- A, chuyện ông đội Lung.
- Thôi đi, đừng nói đến ông Lung nữa, ngứa cả ruột?- Đột nhiên Keng quay lại, gạt đi bằng một giọng hằn học.
Lạt vui hẳn lên. Chị cười lạc cả giọng và buộc chặt ngay Keng vào câu chuyện:
- A, Anh Keng giỏi, anh nói xấu sau lưng người ta nhá!
- Thì nó sờ sờ ra đấy, bánh đúc bày sàng, việc gì mà phải nói xấu! (...)
- Giời đất ơi, cái nhà anh này y như thổ công? Nói đến con kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Sao ở hội nghị anh cứ ngồi im như thóc, hứ?
- Anh á? Có nói, toàn nhìn trộm bố, rồi nói vuốt đuôi người ta! Phen này, bác Thủy ạ, bà con ta phải bầu anh Keng vào đội trưởng để cho anh ấy... [32, 40,141].
Như vậy qua đoạn hội thoại trên ta nhận biết được đặc điểm tính cách của các nhân vật: bà Thủy một con người trầm tĩnh, điềm đạm, nhẹ nhàng, bình thản trước mọi chuyện; chị cả Lạt vui vẻ, sôi nổi, có chút đanh đá, bạo dạn của một người phụ nữ từng trải; anh Keng một con người bộc trực, đơn giản, thẳng thắn. Đặc biệt là những người nông dân chân chất, mộc mạc, giản dị nên trong lời nói của họ xuất hiện rất nhiều phương ngữ Bắc bộ (lời của bác Thủy), nhiều thành ngữ dân gian (lời của anh Keng). Cũng qua đoạn hội thoại ta nhận biết mối quan hệ thân mật, gần gũi, có phần suồng sã giữa họ. Còn đây là những lời của bố Keng:
- Đồ khôn nhà dại chợ, đã lên đến trên ấy, không bán được chín xu thì thôi chứ, của thêm vào chẳng có lại có của ra!
- Lại còn quạc cái mồm ra nữa à? Uống bát nước nó khác, nó béo bổ vào thân mình. Đằng này đi ném vào chỗ giời ơi đất hỡi, dễ rồi người ta ơn đời mình đấy. Nay hai xu, mai hai xu...
- Dào, không có mày, người ta không kiểm điểm được! Tao còn lạ chi cái lũ chúng mày, chỉ giỏi đàn đúm, đàn đúm... Liệu mà giữ lấy thân đấy, con ạ; không ai nắm tay được đến tối, gối tay được đến sáng đâu!
- À, “phải đứng ra” à? Mày nhất định không chịu đứng ra thì ai bắt bò được mày! Tao truyền đời cho mày biết, đến như tao, cai quản độc một cái nhà này, bạc cả đầu mà vẫn chưa đâu vào đâu là cái ngữ mày... Ăn cơm nhà vác ngà voi... lắm người nhiều điều... nước đời khó lắm đấy, con ơi!
Những lời thoại của ông Keng rất dài, chủ yếu là những lời ca cẩm, răn đe, giáo huấn người khác nhất là đối với vợ và con. Điều đó cho ta thấy ở ông
một người gia trưởng, khắc nghiệt, hay cằn nhằn, có phần ích kỉ chỉ lo vun vén cho bản thân, gia đình.
Còn đây là đọan đối thoại giữa Chánh Tuyên và Miết trong tác phẩm
Tiếng sóng khuya:
- Hai con mắt mày trắng dã thế kia, thoáng trông tao biết ngay mà. Nhưng quân không cha không mẹ, không khăn khố như mày, rời tay tao là liếm lá đầu chợ cả thôi!
Chánh Tuyên nói xong, cười nhạt. Rồi hắn bỗng đổi giọng hỏi tôi ra vẻ vu vơ:
- Hôm nay mày cày con trâu nào? - Dạ, con trâu mới tậu trên ngược về.
- Trâu đường ngược là trâu kéo gỗ, hay lộn cày. Khi nó lộn cày mày trị bằng cách nào?
- Dạ, tôi cũng theo cách thông thường, đánh đai bụng nó lại. khi nó lộn cày nằm lăn ra, thấy tức bụng lại bị đánh đau, nó phải dậy.
- Mày giỏi!- Chánh Tuyên vẫn cứ tỉnh như không- Con trâu ăn cỏ, chỉ có tội lộn cày mà mày biết đánh đai bụng nó lại, cầm roi tre đực đánh nó. Còn mày, ăn cơm dẻo canh ngọt hẳn hoi mà phản chủ thì xử thế nào? [32, 92,93].
Chánh Tuyên là một con người nham hiểm, độc ác, dữ tợn như lang sói đặc biệt là đối với kẻ ăn người ở. Sự nham hiểm của hắn thể hiện ngay trong câu hắn hỏi Miết: “Trâu đường ngược là trâu kéo gỗ, hay lộn cày. Khi nó lộn cày mày trị bằng cách nào?”. Trong con mắt Chánh Tuyên kẻ ăn người ở chỉ giống như con vật và hắn đối xử cũng như một con vật. Hắn xỉ vả, chửi bớị, hắn đánh đai bụng, trói ghì Miết vào cột chuồng trâu, đánh túi bụi bằng roi tre đực, chính cái roi dùng để đánh trâu. Còn qua những lời nói của nhân vật Miết ta thấy tính cách ngay thẳng, thật thà của một người nông dân suốt đời chỉ biết
cầm cày, cầm cuốc, làm mướn nuôi thân. Lời lẽ của Miết thật thà, chất phác bao nhiêu thì lời lẽ của Chánh Tuyên nham hiểm, thủ đoạn bấy nhiêu.
Trong tác phẩm Đất bạc màu, nhân vật Xung là một con người có nhiều toan tính, khôn ngoan, luôn tìm mọi cách để làm vừa lòng người khác nhưng lại thiếu sự chân thành, thẳng thắn ngay cả đối với người yêu của mình. Trong khi đó Mận lại là một cô gái ngây thơ, trong sáng; dễ bộc lộ cảm xúc. Tính cách của họ được thể hiện rõ qua đọan đối thoại:
Mận đỏ mặt, chạy thẳng từ ngoài đồng về, tìm Xung, giẫy lên như ong châm:
- Anh Xung, anh có biết dững ai chửi em ở đầu làng kia không?
- Ai chửi?- Xung làm ra vẻ không biết tí gì - Thằng nào dám chửi? Thằng nào..
- Thằng nào à? - Trước sự công phẫn giả vờ của Xung, Mận nghẹn cổ lại - Anh vừa đi trong xóm ra, họ đứng ở đằng sau rặng tre họ chửi chõ vào lưng anh, em đứng ngoài khu thí nghiệm còn nghe thấy... Tai anh điếc hay sao? Anh sợ bênh lẽ phải thì xấu mặt hay sao?
- A, tưởng chuyện gì chứ chuyện ấy thì có gì quan trọng - Xung vội tìm cách biện bạch - Mình làm cái mới, tránh sao được người ta bảo thủ phản ứng mình. Cứ “đáp số cuối cùng” lên năng suất là tự khắc họ phải mở mắt ra. Tôi hỏi Mận: Mận ra khu thí nghiệm có thấy điều gì bổ khuyết gấp không nào? [32, 122]
Ngôn ngữ của Mận bộc lộ toàn bộ cảm xúc, suy nghĩ của cô; trong lúc đó ngôn ngữ của Xung thể hiện sự giả vờ, lấp liếm, qua chuyện và cuối cùng anh lái câu chuyện sang một vấn đề khác: vấn đề tưới tiêu theo phương pháp khoa học ở khu thí nghiệm.
Có thể nói, một tác phẩm truyện ngắn không thể không có đối thoại. Nhờ đối thoại mà các vấn đề trong tác phẩm được đặt ra và xem xét dưới
nhiều góc độ khác nhau.Cũng qua ngôn ngữ đối thoại đặc điểm tính cách nhân vật được bộc lộ một cách rõ nét. Nguyễn Kiên đã khai thác có hiệu quả những lời đối thoại của nhân vật. Thông qua những đoạn đối thoại, chân dung của nhân vật hiện ra rõ hơn, đầy đủ hơn. Nếu như cách miêu tả ngoại hình của nhân vật mới chỉ tạo nên hình dáng bên ngoài thì việc khắc họa nội tâm và xây dựng đối thoại đã tạo nên cái hồn của nhân vật. Nhân vật hiện lên sống động, hấp dẫn như chính con người ngoài đời sống thực.