Hình tượng thanh niên nông thôn

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 68)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Hình tượng thanh niên nông thôn

Thanh niên là một bộ phận rất quan trọng của xã hội, giữ vị trí và vai trò hàng đầu trong dựng nước và giữ nước. C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đều coi thanh niên là một lực lượng cách mạng hùng hậu, có vai trò quan trọng trong cách mạng và xem xét vấn đề thanh niên luôn gắn bó với giai cấp công nhân và Đảng tiên phong. C.Mác khẳng định: "Do những quy luật phát triển khách quan của xã hội, thanh niên bao giờ cũng giữ vai trò quan trọng trong việc kế thừa và phát triển những thành tựu của người đi trước". Kế thừa những di sản tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã phát triển sáng tạo các luận điểm mác-xít về vai trò thanh niên, phong trào thanh niên và xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam. Gắn thanh niên với vận mệnh của dân tộc, Hồ Chí Minh, trong nhiều bài nói và viết của mình đã luận giải một cách thuyết phục rằng: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên".

Thanh niên là lực lượng xung kích, đi đầu, hăng hái ở nhiều lĩnh vực. Điều này không chỉ thể hiện trong đời sống hằng ngày mà nó còn được các văn nghệ sỹ thể hiện trong các tác phẩm văn học. Đó là hình ảnh những thanh niên phới phới niềm tin, lạc quan trên đường ra trận trong sáng tác của Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Phạm Tiến Duật... Đó là những thanh niên xung phong vì lý tưởng độc lập dân tộc mà không ngại hiểm nguy gian khổ, thiếu

thốn trong các tác phẩm của Lê Minh Khuê, Nguyễn Minh Châu... Đó là những thanh niên lao động thầm lặng vì sự nghiệp xây dựng đất nước trong sáng tác của Nguyễn Thành Long... Và có biết bao nhiêu người thanh niên có tên và không có tên đã hy sinh hạnh phúc, tuổi thanh xuân của mình cho nhân dân, đất nước.

Trong truyện ngắn Nguyễn Kiên, người đọc thấy rõ được vai trò xung kích của lực lượng thanh niên. Trước hết họ là những người đi đầu, tham gia tích cực trong tất cả các phong trào ở nông thôn trong thời kì hợp tác hóa nông nghiệp từ phong trào làm thủy lợi, chở phốt phát, chăn nuôi, vận động bà con chuyển từ tổ đội công lên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, cải tiến khoa học kĩ thuật trong sản xuất và chăn nuôi... Trong đội ngũ thanh niên đó nổi lên một số gương mặt xuất sắc, tiêu biểu đó là Chanh, Khắc, Keng, Mận, Cúc, Chi.

Chanh, Khắc trong Vụ mùa chưa gặt bây giờ đã là vợ chồng, Khắc đã là chủ nhiệm hợp tác xã nhưng những hồi tưởng của Chanh về những ngày hai người còn trong đoàn thanh niên vẫn còn tươi rói. Ngày đó làng đang mở cuộc vận động chuyển từ tổ đổi công lên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, Chanh, Khắc là người hăng hái đi đầu trong cuộc vận động bà con nông dân tham gia hợp tác xã. Trước tiên hai người tìm mọi cách vận động những người trong gia đình mình. Chẳng hạn như bố của Chanh, ông cụ còn ngần ngừ, muốn xem bà con chòm xóm họ như thế nào rồi mình mới liệu, nhưng Chanh đã suốt ngày thúc giục bố, cả Khắc cũng tham gia thuyết phục ông cụ: “Tôi đã đến nói chuyện với bác nhà. Ông cụ đồng ý đưa ruộng vào rồi, nhưng vẫn muốn bán chạy trâu. Chúng mình phải giúp các cụ tống khứ cái tư hữu đi. Chúng mình tổ chức một cuộc đưa đám” [32, 46]. Cùng với việc vận động những người trong gia đình Khắc, Chanh cùng với những thanh niên trong làng lại hăng hái làm công tác vận động bà con trong làng. Hành động, việc

làm của họ có vẻ còn ngây thơ, hình thức nhưng nó thể hiện nhiệt huyết của tuổi trẻ. Những việc làm đó thể hiện tinh thần xung phong, ý thức tập thể của tuổi trẻ trong những ngày đầu của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.

Anh Keng mười tám tuổi, sống trong một gia đình toàn quyền quyết định ở người bố, kể cả chuyện lấy vợ của anh. Ông chỉ muốn anh Keng kế tục được ông, vun đắp cho cao to thêm mãi phần gia tài do ông để lại. Anh sống vừa cằn cỗi như một cụ già, vừa ngây thơ như một trẻ nhỏ. Thế nhưng con người anh Keng thay đổi hẳn từ ngày anh tham gia hợp tác xã, anh hăng hái, tích cực, chủ động trong công việc chung: “Vào hợp tác xã, Keng đứng đầu bảng lao động hạng A. Việc gì khó khăn, nặng nhọc hợp tác xã cũng gọi đến anh. Rồi phong trào chung lôi cuốn anh vào các cuộc họp hành, học tập, tranh cãi...”[32, 133]. Được bầu làm đội trưởng đội sản xuất anh không chỉ là người lên kế hoạch, chỉ đạo thực hiện mà còn trực tiếp lăn lộn với công việc, cùng thức khuya dậy sớm, đốc thúc các thợ cày, cùng cầm cày tham gia cày ruộng: “Keng trực tiếp phụ trách nhóm thợ cày. Hôm nào anh cũng dậy từ tờ mờ đất, đi dẻo một lượt, khua các ông thợ cày dậy. Trở về nuốt vội mấy lưng cơm, anh lại đi dẻo lượt nữa, kỳ khi nào các ông ấy đã đi hết, anh mới đánh trâu theo” [32, 149].

Không chỉ hăng hái xông pha trong lao động sản xuất, những thanh niên trong truyện ngắn Nguyễn Kiên còn gương mẫu đi đầu trong cải tiến kỉ thuật, áp dụng khoa học vào lao động sản xuất, chăn nuôi. Đó là Mận trong

Đất bạc màu, Cúc trong Những người đàn bà ở làng, Chi trong Con Nâu. Đất quê Mận không có cái phì nhiêu, màu mỡ như những vùng đất khác. Mận hăng hái tham gia lớp học cải tiến khoa học kỉ thuật để cải hóa đất bạc màu của quê Mận. Một loạt những danh từ thoạt nghe chẳng ai hiểu mô tê gì hết, và chính Mận cũng cảm thấy khó hiểu nhưng cô phải cố nhớ. Mận lao vào công việc chung, tìm mọi cách để cho những kiến thức khoa học kỉ thuật mà

mình học được góp phần cải tạo đất làng mình, tăng năng suất cây trồng. Cô say sưa thuyết giảng cho mọi người hiểu rõ thế nào là Mẫu thạch, cấu tượng của đất, vi khuẩn, độ pH... ; Mận xin điền trâu cày cho khu thí nghiệm; chia nhỏ các ô ruộng; kiểm tra điều chỉnh phương pháp cấy lúa. Cô say sưa với công việc đầy mới mẻ của mình: “Mận theo dõi quá trình sinh trưởng của cây lúa thí nghiệm. Ngày ngày cô ra ruộng nhìn mặt trời, đo mực nước, bốc bùn lên ngửi, vạch từng khóm lúa ra xem xét rồi ghi tỉ mỉ vào sổ (...) Ngày nào Mận cũng phơi nắng chài choãi ngoài đồng hoặc chạy khắp xóm tìm người này, hỏi người kia, tổ chức những nhóm mới ăn khớp với những công việc mới rồi lại thay đổi đi vì những công việc mới hơn: Tập cho bò kéo cào cỏ Nhật Bản, làm lán chứa phân, bón thêm đạm cho các ruộng chọn giống, cắt điền thanh, lên huyện mua vôi về khử chua các cánh trũng...” [32, 118- 121]. Tinh thần đi đầu của những thanh niên như Mận đã có tính chất quyết định cho quá trình đổi mới bộ mặt nông thôn lúc bấy giờ.

Nếu Mận hăng hái cải tiến kỉ thuật sản xuất thì Chi, Cúc lại là những thanh niên mạnh dạn cải tiến kỉ thuật chăn nuôi, đem lại những giống lợn, giống bò mới, năng suất cao. Cúc trong Những người đàn bà ở làng đã mạnh dạn áp dụng nuôi lợn nái thụ tinh nhân tạo. Con lợn nái đã đẻ được tới mười ba con, thiếu vú phải vứt bớt đi. Mặc dù bị bà Đài tru tréo, ngăn cản nhưng Cúc vẫn kiên quyết áp dụng và cô đã thành công. Chi trong Con Nâu đã tham gia lớp học thực hành ba năm ở trại thí nghiệm của một nông trường nuôi bò và trở về xây dựng đàn bò hợp tác xã. Những điều Chi học được ở lớp học Chi đã đem áp dụng vào việc chăn nuôi thực tế. Thành công lớn nhất của cô chính là việc cô tiến hành cải tạo đồi cỏ để rồi từ một ngọn đồi lô xô bát úp, còn sót lại đôi vạt rừng thưa và mấy vạt cỏ trên mấy sườn dốc cao này thành những thảm cỏ xanh mướt. Đây là những lời thuyết trình của Chi cho nhân vật “tôi” đủ biết cô rất am hiểu kỉ thuật và cũng đam mê với công việc của

mình: “Con bò đi ăn cỏ, tất nhiên chúng phải dẫm đạp. Vấn đề là để chúng giẫm đạp vừa phải hay quá mức. Vì vậy phải chia các bãi cỏ ra thành từng lô, chăn dắt luân phiên. Bò ăn cỏ ở một lô nào đó một thời gian chúng dẫm đạp vừa phải có tác dụng kích thích cho cỏ mọc, phân của chúng cũng được vùi ngay xuống đất, bón cho cỏ. Đồng thời ở các lô khác ta chăm sóc cho cỏ lên tốt mới cho bò sang ăn, hoặc dành để cắt cỏ theo lứa, làm thức ăn khô dự trữ mùa đông cho bò” [32, 325]. Như vậy để đưa đến những thay đổi cho xã hội những thanh niên như Chi cần phải có lòng nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm và cần cả một đầu óc sáng tạo, một trí tuệ thông minh. Như lời nói của Duy trong Đất bạc màu:“- Cậu thấy chưa, làm cách mạng chỉ có nhiệt tình là chưa đủ, còn phải hiểu biết nữa. Càng hiểu biết càng nhiệt tình” [32, 118].

Tất nhiên trong quá trình hăng hái tham gia sản xuất và cải tiến khoa học kỹ thuật, những thanh niên gặp phải những cản trở không nhỏ, kể cả những hiểu lầm, oan ức. Anh Keng càng hăng hái tham gia lao động bao nhiêu thì bố anh lại càng cằn nhằn bấy nhiêu. Đến khi anh được bầu vào làm đội trưởng đội sản xuất thì vừa về đến nhà ông Keng đã đốp luôn: “Thế nào được giữ chân đội trưởng có sướng không?” [32, 147]. Chanh, Khắc trong Vụ mùa chưa gặt sau khi tổ chức đưa đám cái tư hữu, Chanh vừa đến nhà, ông bố cô đã chồm ngay lên:“- Tao thì truyền đời cho mày, không có cái tư hữu thì mày không trơn lông đỏ da được như thế này đâu. Mày đi đưa ma cái tư hữu hử? Mày đưa ma sống thằng bố mày, hử ? Bước ngay đi đâu khỏi cái tư hữu thì đi! [32, 46]. Chanh đi tìm Khắc và cô òa lên khóc. Đó cũng là giọt nước mắt ấm ức, tủi thân của Mận trong Đất bạc màu. Khi Mận xin đội trưởng đội xản xuất điền trâu cày cho khu thí nghiệm, Mận đã không được sự ủng hộ nhiệt tình của ông đội trưởng. Ông ta lừng khừng một lúc rồi điều ra đồng cho Mận một con trâu đã rụng lông tai, trông xiêu vẹo như một cái quán chợ nát. Nhận con trâu mà Mận uất ức không nói được câu gì. Có thể phải đổ mồ hôi,

sôi nước mắt nhưng vì lợi ích lâu dài, những người thanh niên trong sáng tác của Nguyễn Kiên không phải vì thế mà họ ngại khó, ngại khổ, chùn bước. Họ vẫn năng nổ, hăng hái bước lên, mạnh dạn đi đầu và họ đã thành công, đã chinh phục được lòng tin của những người trước đây vẫn cản trở họ.

Với vị trí, vai trò là người chủ hiện tại và tương lai của nước nhà, thanh niên Việt Nam trong truyện ngắn Nguyễn Kiên đã thể hiện được mình là lực lượng sung mãn về thể lực; giàu khát vọng, hoài bão; có nhu cầu, có khả năng tiếp thu nhanh nhạy những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật và quản lý hiện đại; năng động sáng tạo, chủ động học hỏi những cái mới, cái tiến bộ của nhân loại. Từ xưa đến nay, thanh niên luôn được coi là rường cột của đất nước, tương lai của dân tộc và là hạnh phúc của mỗi gia đình.

Một phần của tài liệu Nông thôn và người nông dân trong truyện ngắn nguyễn kiên (Trang 68)